Tiết lộ sốc về sự phát triển của não khỉ

Não linh trưởng nói chung, sự phát triển của não khỉ nói riêng đã tiến hóa và phát triển rất cao, xét về tỷ trọng so với trọng lượng cơ thể.

Não linh trưởng đã được tiến hóa và phát triển rất cao, xét về tỷ trọng so với trọng lượng cơ thể thì loài linh trưởng có não lớn nhất so với các loài động vật. Cấu tạo này đem lại khả năng phát triển cao hơn của loài này so với các loài khác. Sự phát triển của não khỉ, một loài linh trưởng cũng như vậy.

Tại sao các loài linh trưởng thông minh?

TS Lê Khắc Quyết, Khoa Sinh học, Đại học Khao học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những người hiếm hoi nghiên cứu về loài linh trưởng cho biết, bộ Linh trưởng (Primates) bao gồm con người (humans), các loài vượn người (apes), các loài khỉ hầu (monkeys) và các loài bán hầu (prosimians). Loài bán hầu là nhóm linh trưởng nguyên thủy, có quan hệ gần với tổ tiên của tất cả các loài linh trưởng hiện nay. So với các loài khác, loài linh trưởng có bộ não lớn bất thường so với kích thước cơ thể và thông minh hơn. Điều này đặc biệt đúng với các loài linh trưởng có thân hình lớn. Khi các con tinh tinh nhìn vào gương, chúng tự nhận ra chúng. Sự tự nhận thức này đặc biệt hiếm trong giới động vật. Trước đây các nhà nhân chủng học tự nhiên cho rằng trí thông minh cao tương đối của các loài linh trưởng hình thành do chọn lọc tự nhiên trong quá trình tạo ra công cụ lao động. Tuy nhiên, so với các tổ ong hay tổ mối có cấu trúc vô cùng phức tạp thì điều này không đúng.

Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng, não của các loài linh trưởng này được chọn lọc chủ yếu bởi tự nhiên, các mối quan hệ xã hội phức tạp. Mối quan hệ giữa các kỹ năng xã hội và trí thông minh có thể được thấy trong sự điều hành của các xã hội tinh tinh. Sự thành công của một cá thể thường đòi hỏi nó phải có khả năng học hỏi từ các cá thể khác, sáng tạo ra các tập tính mới, hiểu tình trạng và cảm xúc của các thành viên khác trong đàn và có thể sử dụng kiến thức này để đạt được các lợi thế. Các cá thể học hỏi cách làm thế nào để tác động và lôi kéo các cá thể khác. Các con đực trưởng thành cũng đồng nghĩa trở thành chuyên gia lừa gạt, dối trá và mưu mô. Một nghiên cứu thần kinh học đã phát hiện có một dạng lớn đặc biệt của một tế bào thần kinh hình con suốt trong não linh trưởng. Những tế bào thần kinh này nằm trong các khu vực của não bộ tham gia vào việc ra các quyết định quan trọng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cảm xúc như con người

TS Lê Khắc Quyết cũng cho rằng, qua nghiên cứu cho thấy rất nhiều loài linh trưởng có những biểu hiện cảm xúc rất đa dạng và giống với những cảm xúc mà con người có. Đặc biệt là với các loài như Dã nhân (Gorilla), Tinh tinh (Chimpazee)... có những biểu hiện tình cảm giống với con người. Các loài linh trưởng là những loài thông minh và có khả năng thích nghi rất cao với các điều kiện môi trường khác nhau. Trong tiến hóa của các loài linh trưởng, có sự giảm theo trình tự kích thước mũi và trung khu khứu giác trên não. Các loài vượn cáo rất giống với các loài linh trưởng cách đây 50 - 60 triệu năm. Phần lớn các loài khỉ hầu và vượn người tiến hóa với mũi nhỏ tương đối như chúng ta, trong khi đó các loài vượn cáo có mõm dài giống như các loài cáo và gấu trúc Mỹ. Phần lớn các loài thú có cùng số lượng gene quy định các thụ cảm mùi vị ở mũi của chúng. Tuy nhiên, đa phần các gene này ở người không có chức năng như vậy. Các nghiên cứu cho thấy, có khoảng 1.000 gene thụ cảm khứu giác ở người thì chỉ có khoảng 347 gene có chức năng. Các gene còn lại có những biến đổi làm cho chúng bất hoạt. Con người chúng ta có khả năng khứu giác kém với những hợp chất hóa học chuội ngắn nhưng tốt trong việc phân biệt các chuỗi dài phức tạp.

Sự phát triển này nằm trong chuỗi chu trình tiến hóa. TS Lê Khắc Quyết cho hay, trong khi các loài linh trưởng co lại theo tiến trình nhiều triệu năm tiến hóa, có sự tăng ngược lại với khả năng nhìn của chúng. Nhiều loài có khả năng nhìn giống như con người. Tất cả các loài linh trưởng đều có khả năng nhìn bằng hai mắt với các thị trường trùng lặp quan trọng, kết quả là chúng có khả năng cảm nhận không gian ba chiều trong cùng một thời điểm. So với các loài động vật khác, não của loài linh trưởng lớn so với kích thước cơ thể chúng. Các vùng trên não được tham gia vào việc sử dụng tay, điều phối hoạt động của tay và mắt, sự nhìn lập thể có khả năng mở rộng đặc biệt. Những đặc điểm này có thể được chọn lọc tự nhiên do sự tiện ích của chúng đối với sự di chuyển trên cây và tìm thức ăn trong môi trường.

Tổ chức xã hội của các loài linh trưởng là phức tạp. Các loài linh trưởng được xem là những loài có tổ chức xã hội chặt chẽ và rất đa dạng về hình thức xã hôi (đời sống) như sau: Đơn lẻ như các loài cu li, các loài khỉ mắt trố (tarsiers)... Một vợ - một chồng như các loài vượn. Một đực - nhiều cái, như nhiều loài khỉ ăn lá. Nhiều đực - nhiều cái. Một cái - nhiều đực như một số loài khỉ sóc ở Nam Mỹ. Các loài động vật khác cũng có tổ chức xã hội chặt chẽ như ong, kiến, mối; các loài chim và thú khác.

Vượn lớn có thể tư duy như đứa trẻ 4 tuổi

Nếu không kể những khác biệt về hình thức, con người thực sự giống với các loài vườn người châu Phi về giải phẫu và di truyền, đặc biệt là các loài tinh tinh. So sánh về kiểu gene cho thấy, AND của con người và tinh tinh giống nhau đến 98,5%. 1,5% khác nhau ở các đoạn AND lặp. Con người có sự khác biệt lớn về các gene quy định việc kiểm soát tốc độ, khứu giác, thính giác, tiêu hóa protein và nhạy cảm. Những sự khác biệt này là do chúng ta đã tiến hóa so với chung từ cách đây 6 - 7 triệu năm. Những khác biệt đó tạo cho việc đứng thẳng và đi bằng hai chân, não bộ lớn hơn và có giọng nói của con người trở nên khác biệt.

Não bộ của con người lớn hơn gấp 2 - 3 lần so với vượn người lớn. Quan trọng hơn, tỷ lệ não bộ so với cơ thể người đặc biệt lớn hơn và vỏ não lớn hơn rất nhiều. Điểm khác biệt là con người có khả năng giao tiếng bằng âm thanh phức tạp hơn nhiều so với các loài linh trưởng. Con người cũng là động vật duy nhất biết sử dụng ký hiệu như một phương tiện giao tiếp. Con người cũng có nhiều kiểu tổ chức xã hội phức tạp và đa dạng hơn. Đặc điểm khác biệt nhất là con người có khả năng tư duy tạo ra những công nghệ mới. Tuy nhiên, các loài vượn lớn cũng là những loài vật thông minh đáng kể, chúng có khả năng tư duy tương đương với một đứa trẻ 3 - 4 tuổi. Điều này đủ cho phép chúng học hỏi và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của người câm, điếc ở mức độ sơ đẳng.

Hà Bình

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kham-pha/tiet-lo-soc-ve-su-phat-trien-cua-nao-khi-626359.html