Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta được khẳng định tại Điều 2 Hiến pháp năm 1992. Một trong những yêu cầu quan trọng của Nhà nước pháp quyền là quản lý đất nước và xã hội bằng pháp luật; cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép; công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Vì vậy, xây dựng hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về quốc phòng, an ninh nói riêng theo hướng hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch... là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo tinh thần Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 thì từ nay đến năm 2010 phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh nhằm xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; thể chế hóa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế-xã hội với củng cố và xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện pháp luật về biên giới quốc gia, vùng biển, vùng trời; về tổ chức, hoạt động lực lượng vũ trang nhân dân...; Sau năm 2010, xây dựng mới các đạo luật về phòng thủ dân sự, giáo dục quốc phòng, bảo vệ các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia, chống khủng bố... Để thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, thời gian qua Quốc hội đã xem xét, thông qua nhiều dự án luật rất quan trọng về Quốc phòng, an ninh như Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Biên giới quốc gia...; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua nhiều dự án pháp lệnh như Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, Pháp lệnh Bộ đội biên phòng, Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh Tình báo, Pháp lệnh Cơ yếu, Pháp lệnh Công an xã v.v.. Ngoài ra, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh, nghị quyết có chứa những nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh như Bộ luật Hình sự, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Phòng, chống ma túy, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự v.v.. Cho đến nay, nhìn chung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và những quy định có liên quan trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực khác đã hình thành một hành lang pháp lý tương đối toàn diện, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực có tính đặc thù này. Tuy vậy, xét trên tổng thể thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, an ninh chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và yêu cầu nhiệm vụ trong thời bình cũng như trong thời chiến. Trong thời bình, chúng ta phải tranh thủ thời gian để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quy định về biên giới lãnh thổ, về phòng thủ dân sự v.v.. Khi đất nước có nguy cơ chiến tranh thì cần có quy định về chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến, quy định trình tự, thủ tục về tuyên bố chiến tranh, tổng động viên, động viên cục bộ v.v.. Như vậy, nếu theo Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị thì lĩnh vực quốc phòng, an ninh còn thiếu nhiều luật. Đó là chưa kể đến các luật, pháp lệnh đã ban hành nhưng qua thực tế cần sửa đổi, bổ sung. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, năm 2009 và năm 2010, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua Luật Dân quân tự vệ, Luật Cơ yếu, Luật Biển Việt Nam, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, chuẩn bị để sau năm 2010 ban hành Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Tổ chức điều tra hình sự. Thời gian của Quốc hội khóa XII không còn nhiều. Theo Nghị quyết về rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII thì tháng 5-2011 sẽ bầu cử Quốc hội khóa XIII, tháng 7-2011 sẽ tiến hành kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII; theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì chậm nhất vào ngày 1-8 của năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội (năm 2011), cơ quan, tổ chức có đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải gửi kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định. Để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan cần sớm chủ động nghiên cứu, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, gửi đến Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1-8-2011, theo hướng: - Tiếp tục thể chế hóa đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo vệ Tổ quốc và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; - Hiến pháp có quy định nhưng chưa cụ thể; có yêu cầu quản lý nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc có nhưng quy định chưa rõ như quy định về Quân đội nhân dân, phòng thủ dân sự, tình trạng chiến tranh, bảo đảm trật tự nơi công cộng v.v.. thì cần phải xây dựng luật hoặc pháp lệnh mới, đáp ứng yêu cầu quản lý; - Đã có luật điều chỉnh nhưng qua thực tế cần sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Hình sự (phần các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng; các tội xâm phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của quân nhân, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh v.v..) thì cần đề xuất sửa đổi, bổ sung; - Các pháp lệnh đã ban hành từ 5 năm trở lên cần tiến hành tổng kết để nâng lên thành luật nhằm nâng cao tính pháp lý của dự án; - Các luật, pháp lệnh ngoài việc quy định về nội dung cũng cần có quy định về trình tự, thủ tục như trình tự, thủ tục Quốc hội quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ, ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương v.v..; - Trong quá trình xây dựng pháp luật cần tham khảo tối đa ý kiến của các cơ quan hữu quan, các nhà khoa học và đối tượng mà luật, pháp lệnh điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng và tính khả thi của dự án; - Song song với việc xây dựng luật, pháp lệnh về lĩnh vực quốc phòng, an ninh cũng cần quan tâm đến các luật, pháp lệnh có liên quan đến việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân cũng như đối ngoại, an sinh xã hội. - Để chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khả thi, cũng cần xác định thứ tự ưu tiên, chương trình chuẩn bị. Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới thì pháp luật về quốc phòng và an ninh có nhiều luật được ban hành nhưng ít khi sử dụng, thậm chí là chưa sử dụng bao giờ như Luật về chiến tranh, Luật về tình trạng khẩn cấp... hoặc có nhiều luật cho chuẩn bị, còn việc thông qua thì còn căn cứ vào tình hình cụ thể. * * * Hoàn thiện pháp luật về quốc phòng, an ninh trong tình hình mới là một nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi sự tham gia của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó các chủ thể được giao thẩm quyền chủ trì cũng như tham gia xây dựng pháp luật giữ vai trò nòng cốt. Vì vậy, trong thời gian tới, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân cần quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng, quan tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật nói chung và việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, an ninh nói riêng. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu “quản lý nhà nước bằng pháp luật”. LÊ QUANG BÌNH Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/10/50/50/81571/Default.aspx