Tiếng pháo đêm giao thừa ở Praha

Năm mới ở Praha (Cộng hòa Czech) tháng trước làm tôi nhớ da diết Tết Hà Nội xưa với tiếng pháo tự đốt, tàu điện leng keng và đường phố tĩnh lặng khác hẳn ngày thường.

Với tôi, Praha có nhiều nét giống với Hà Nội của thập niên 1980 – 1990. Tại đây, cứ đi độ 5 mét lại gặp người Việt, nghe thấy tiếng Việt. Trong khu trung tâm thương mại Sapa sầm uất có tới 16.000 người Việt hoạt động và sinh sống. Chưa kể toàn bộ hệ thống siêu thị mini ở Praha đều do người Việt bán. Cảm tưởng như tới Praha, chẳng cần phải biết tiếng Anh hay tiếng Czech vẫn có thể giao tiếp, hỏi đường xá, mua đồ được như bình thường vì có quá nhiều người Việt ở đây.

Một hiệu cắt tóc ở Trung tâm thương mại Sapa

Sáng 30 Tết, tôi cùng ba người bạn tới Trung tâm thương mại Sapa, định bụng ăn món bún cá mà các bạn du học sinh quảng cáo là “thần thánh”. Tuy nhiên, trưa 30, các hàng quán trong đây gần như đóng cửa hết. Chỉ lác đác một vài siêu thị và quán ăn nhỏ còn mở cửa. Cả bốn đành ăn bún bò Nam Bộ và phở. Ở trung tâm này cái gì cũng có, từ ngân hàng, nhà hàng, studio chụp ảnh cưới, trung tâm tổ chức sự kiện, tiệm cắt tóc, chợ, siêu thị, văn phòng luật sư, dịch thuật hay thậm chí cả tòa soạn báo. Có thể nói trung tâm thương mại Sapa giống như một thành phố thu nhỏ của người Việt ở Praha vậy.

Tại cổng chợ, tôi mua được đôi găng tay trị giá 30 CZK (tương đương 30.000 đồng) và chính đôi găng rẻ như bèo ở nơi đắt đỏ như châu Âu đã giữ ấm cho tôi trong suốt những ngày còn lại của chuyến đi.

30 Tết ở Czech, đường phố thưa thớt vì người dân đều về nhà quây quần bên gia đình chuẩn bị cho năm mới. Các con phố thường ngày sầm uất nhưng giờ đây trở nên tĩnh lặng hẳn, cảm giác đúng là “Tết” như Hà Nội xưa. Và đã lâu lắm rồi, tôi mới được nghe thấy tiếng pháo…

Pháo hoa giao thừa ở Praha

Ở Praha cũng như rất nhiều nơi thuộc châu Âu, đốt pháo là chuyện hợp pháp và các tép pháo đủ loại được bày bán công khai, đa phần là pháo hoa. Chính vì thế, ngoài việc chờ pháo hoa nhà nước bắn vào thời khắc chuyển giao sang năm mới, người dân có thể tự đốt pháo. Từ buổi chiều 30, tiếng pháo bắt đầu xuất hiện trên đường phố, từ trong phố cổ ra đến khu vực gần cầu Charles.

Tôi vẫn nhớ ngày ấy ở Hà Nội khi còn bé, bình thường phải đi ngủ sớm lắm, từ trước 10h nhưng duy nhất vào đêm giao thừa là được thức khuya tới sau 12h. Vào thời khắc chuyển giao, nhà nhà lại châm pháo và tạo nên những tiếng nổ rộn ràng, khói mịt mù len lỏi khắp mọi nẻo đường. Khi đó, tôi còn khá nhỏ và mỗi lần pháo nổ là lại bịt tai vào và chỉ thích ngửi mùi pháo, nghịch xác pháo màu hồng hồng tím tím bên thềm nhà.

Tất nhiên, pháo châu Âu hiện đại không giống pháo ngày xưa, nhưng cái âm thanh phát ra cũng đủ để tạo sự phấn khích và nhất là mùi pháo vẫn khiến tôi phải hít hà trong niềm hứng khởi vì lâu lắm rồi không được ngửi lại. Nhìn những đứa trẻ Czech tụm năm, tụm ba trên đường phố, châm ngòi pháo, lùi ra xa bịt tai và nhìn những quả pháo nổ mà tôi lại nhớ đến mình ngày xưa cũng như vậy. Đã hơn 20 năm ở Việt Nam cấm đốt pháo rồi.

Càng về gần tối, người dân Praha đổ ra đường mỗi lúc một đông hơn. Họ tập trung chủ yếu ở các khu vực trung tâm có thể ngắm pháo hoa đẹp như cầu Charles hay quảng trường Con Gà. Phương tiện đi lại phổ biến trên đường phố vẫn là tàu điện (Tram). Thời của tôi ngày xưa, tàu điện bắt đầu không còn thông dụng trên đường phố Hà Nội nữa, nhưng tôi vẫn nhớ tau tòa cuối cùng chạy ra Bờ Hồ khi còn bé mình đã được chứng kiến, với tiếng leng keng leng keng rất đặc trưng.

Đêm 30 ở Czech, tôi cảm giác như được trở lại ăn Tết Hà Nội xưa, khi được nghe tiếng pháo hòa lẫn với tiếng kẻng báo leng keng của tàu điện. Đó là một không gian mà giờ đây chẳng thể nào tìm thấy được ở Hà Nội hiện đại.

Tuyết rơi đêm giao thừa

Trước thời khắc Giao thừa khoảng một tiếng, những bông tuyết đầu tiên bắt đầu rơi từ quảng trường Con Gà. Năm vừa rồi châu Âu nóng hơn bình thường nên từ đầu mùa đông, nhiều nơi cũng chưa có tuyết. Khi Praha bắt đầu được bao phủ bởi những bông tuyết nhỏ li ti, mọi người hò reo và trở nên phấn khích hơn bao giờ hết. Tất cả giữ ấm bằng những cốc rượu vang nóng – món đồ uống truyền thống ở châu Âu vào mỗi dịp Giáng sinh và năm mới. Trên đường đi ra cầu Charles, tôi và những người bạn dừng lại ở một cửa hàng bán kẹo và mua một bịch đủ loại từ chip chip, chocolate với nhiều màu sắc.

Chúng tôi ngắm pháo hoa trên cây cầu Charles (hay người Việt còn gọi là cầu Tình). Ngày bé, tôi cũng từng được bố mẹ cho đi cầu Thê Húc và hồi đó thấy nó rất lớn. Giờ đây, cái cảm giác ấy lặp lại khi đứng trên cầu Charles – cây cầu cổ kính và đẹp bậc nhất của châu Âu. Khi đồng hồ chuyển sang 0h, pháo hoa từ tứ phía bắt đầu bắn lên, báo hiệu năm mới đã đến trong sự hứng khởi của mọi người. Tất cả cùng nhau hát, thưởng thức những ly champagne Nga nồng nồng khi tuyết rơi mỗi lúc một dày hơn.

Theo Nguyên Minh Ngọc/ Vnexpress

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/luxury-living/tieng-phao-dem-giao-thua-o-praha-286839.html