Tiếng kêu cúm núm, một góc của hồn quê

Hằng năm, khi lúa ngoài đồng chín vàng, khí trời ấm áp thì dòng họ nhà cúm núm bắt đầu đua nhau cất tiếng gọi tình và biểu dương sức mạnh. Con trống, con mái suốt ngày lao rao, trong các lùm bụi, gần đầm lầy hoặc dọc theo chân đê, mé đìa, ruộng lúa, bờ ao, mương cá để bắt cặp, quầng tổ, âu yếm nhau như đôi uyên ương không rời nửa bước.

Con người tỏ ra thân thiện với loài chim cúm núm

Mỗi lần ghé qua nhà anh Nguyễn Trường Cửu ở Thốt Nốt – Cần Thơ, tôi có cảm giác như đang đứng trước một khu vườn đầy ắp những tiếng chim và có lúc bị hốt hồn bởi dòng âm thanh kỳ thú " Hù… hù … cúm núm … cúm núm …” tạo thành một điệp khúc rộn ràng và êm ái, giống như nhịp chày giã gạo khiến mọi người rộn lên một niềm vui khó tả.

Anh Cửu cho biết những năm gần đây nhiều tay săn chim đã sử dụng nhiều phương tiện đánh bắt tinh vi như giăng lưới, cắm câu, gài bẫy, dụ bắt bằng âm thanh … khiến cho chim trời không còn chốn dung thân. Tuy nhiên, ở một vài nơi hoang vu, cỏ cây rậm rạp, đó đây vẫn còn tiếng kêu rộn ràng của cúm núm, nhất là vào mùa sinh sản.

Mùa gác cúm núm hằng năm bắt đầu từ tháng giêng đến tháng bảy âm lịch. Thời gian này lông con trống đen mượt, mòng đỏ và cất tiếng kêu vang dội khắp cánh đồng. Bác Hộ, một người sành về cúm núm vừa chỉ những con chim trong lồng vừa giải thích một cách rành mạch như một nhà điểu học: Cúm núm là loài chim nước, ngoài thiên nhiên chúng sống từng cặp trống mái, suốt ngày lủi thủi trong các bụi rậm, nơi ruộng lúa ken dầy. Tới mùa ái ân chúng bẻ cò bông lúa hoặc cây cỏ làm tổ sơ sài rồi đẻ trứng. Cúm núm mỗi năm đẻ hai, ba lứa vào tháng tư, năm, sáu. Hồi còn đi học, tôi cũng thường hay ra đồng tìm ổ cúm núm để hốt trứng, mỗi ổ 5, 6 trứng đem về bỏ vào nồi luộc... Ngày tháng qua mau, bây giờ muốn tìm lại chút hương vị ngày xưa cũng không dễ gì!

Theo bác Hộ, người chơi chim thường là những người có cuộc sống nhàn rỗi, ít vướng bận lo âu. Muốn gác chim trước hết phải biết huấn luyện con mồi sao cho thật khôn lanh và dũng mãnh để áp đảo các đối thủ. Con cúm núm mồi lý tưởng thường có bộ lông mượt mà, mồng đỏ, lanh lợi, dạn dĩ và háo thắng, vừa thấy chim trống lạ là xòe cánh, hùng hổ và cất tiếng vang lên như một hồi còi xung trận. Muốn có một con cúm núm mồi "độc chiêu” người nuôi phải lấy trứng từ ngoài đồng về cho gà tre ấp, sau đó mới chọn ra những con xuất sắc để thuần dưỡng trong 2 năm mới đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để trở thành cúm núm mồi.

Tiếng kêu của con trống vừa là giọng khiêu khích vừa là khúc nhạc "dạo tình”. Thường con mồi hay bao giờ cũng có giọng đầy kiêu hãnh, chúng kêu liên tục, kêu từng tràng dài hàng mấy phút cho đến khi nào chinh phục được con mái mới chịu thôi. Ông bà mình thường nói "Điểu tham thực tắc vong” nhưng đối với con cúm núm nó chết không phải vì miếng ăn mà chết vì tình, vì ghét nhau qua tiếng kêu do tập tánh đố kỵ và anh hùng tính.

Những người chơi chim lão luyện thường nói "Nghề nào cũng có cái đạo của nó. Người biết đạo bao giờ cũng coi nghề gác chim là một thú thanh nhàn, một niềm vui dân dã, không nên lạm sát và lấy đó làm kế sinh nhai. Mặc dù chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn nhưng đối với cúm núm, cuốc và chim cu đều là những con vật thân thiết, là biểu tượng của một vùng quê yên ả thanh bình.

Cúm núm không sặc sỡ nhưng bù lại có tiếng kêu thuộc bậc thầy của các loài chim nước. Đó là tiếng kêu vừa điệu đàng thân thiết, vừa xôn xao man mác, gợi lên cả một vùng trời ký ức về tuổi thơ.

Hoài Phương

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=53172&menu=1434&style=1