Tiếng đàn tính mùa xuân

(CATP) Tết đến trong các bản làng của người Tày, tiếng đàn tính và điệu hát then thường vang lên rộn rã đón xuân về. Âm nhạc đối với dân tộc Tày dường như có một sức mạnh kỳ diệu. Họ dùng đàn tính và những điệu then để biểu lộ tâm tư tình cảm của mình. Tiếng đàn giúp họ quên đi bao vất vả, lo toan đời thường, đắm mình trong dòng âm thanh đầy sức quyến rũ để hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn.

Cây đàn tính (hay tính tẩu) là loại nhạc cụ dân tộc quen thuộc của người Tày, có cấu tạo rất đơn giản. Thân đàn tròn làm từ một quả bầu khô, cần dài thanh bằng gỗ cây mạy khảo hoặc gỗ cây dâu. Truyền thuyết về đàn tính kể rằng: Ngày xưa, có một chàng trai khỏe mạnh tên là Xiên Cân có tài đàn hát. Chàng đã lớn tuổi, nhưng nhà nghèo và ăn quá khỏe nên chưa lấy được vợ. Xiên Cân liền bắc các bậc đá lên hỏi trời (tức Mẹ Hoa). Mẹ Hoa liền cho chàng một cây đàn tính có bảy dây (làm từ bảy sợi tóc của một nàng tiên). Xiên Cân mừng rỡ tạ ơn Mẹ Hoa ra về. Chàng đánh đàn lập tức hiện lên thành quách, thóc lúa đầy đồng và cả một thiếu nữ xinh đẹp. Thế là Xiên Cân có vợ, nhưng tiếng đàn của chàng lại làm mọi người say đắm, bỏ bê việc đồng áng. Mẹ Hoa thấy vậy liền xuống trần bứt hết bảy sợi tóc của nàng tiên và thay vào đó ba sợi dây tơ tằm có tên gọi: dây mẹ (tượng trưng cho đất nước đẹp giàu), dây anh (dây trầm cho sức mạnh giữ nước), dây em (dây bổng chính là tình yêu đôi lứa). Đàn tính còn ba dây từ đó. Ngày nay, đàn tính có hai loại: loại hai dây của nam và ba dây của nữ. Mỗi dây có tên gọi riêng, tùy theo vị trí được mắc trên đàn. Tính hai dây chỉ có dây hậu dây tiền. Dây tiền, dây hậu dùng để đánh giai điệu, dây trung làm nền cho giai điệu bằng bè trầm, vì thế đàn ba dây cho hiệu quả âm nhạc cao hơn. Cùng với đàn tính, khi hát then còn có bộ xóc nhạc đệm theo. Đó là mấy quả nhạc đồng pha bạc. Khi xóc tạo nên tiếng ngân nga, do sự giao thoa của kim khí với các quả nhạc. Thông thường, hát then do một người hát, tự đánh đàn và xóc chuỗi nhạc đệm. Khi biểu diễn người hát ngồi xếp chân vòng tròn, chùm xóc nhạc đeo vào ngón chân. Tài nghệ của người hát thể hiện qua giọng hát, tiếng đàn và sự hòa điệu nhịp nhàng với bộ xóc. Trước đây người hát then thường là những ông bà then rất giỏi đàn hát và làm nghề cúng lễ. Mỗi người đều là một nghệ nhân dân gian, có nhiều sáng tạo trong lời ca. Khi gia đình trong bản có việc như tổ chức lễ mừng thọ, đám cưới, vào nhà mới... thường mời ông bà then về cúng lễ, hát then thâu đêm suốt sáng. Họ cầu thần linh, tổ tiên phù hộ cho gia chủ được bình an, thịnh vượng, sống lâu, chúc năm mới hạnh phúc. Dịp đó, không khí bản làng tấp nập hẳn lên. Gia chủ chuẩn bị đồ cúng, thổi xôi, luộc gà... bà con trong bản qua lại chuyện trò bên bếp lửa bập bùng, tiếng cười nói râm ran đầy thân ái. Thường thì các gia đình thay nhau mời then, nên đây cũng là dịp họ hàng, làng xóm gặp mặt vui xuân. Người Tày vốn rất thích nghe hát then, đó là một sinh hoạt văn nghệ thu hút đông đảo quần chúng đến nghe và ai cũng quý trọng ông bà then, coi họ như người thân của mình. Vì thế, ông bà then đến nhà không mang theo sự uy nghiêm thần bí, gò bó mà ngược lại tạo ra một bầu không khí hấp dẫn, tự nhiên, xởi lởi. Cái hay của hát then là tuy mang màu sắc mê tín nhưng các bài ca đều phản ánh trung thực cuộc sống của người dân miền núi hồn nhiên, yêu đời, yêu lao động. Những lời ca mộc mạc, dân dã song đều có cốt truyện kể về sự tích hạt gạo, con ve sầu, truyện Thạch Sanh... qua giọng hát trầm bổng và tiếng đàn tính ngọt ngào có sức lôi cuốn người nghe lạ lùng. Các bài ca đã phê phán thói hư tật xấu, sự bất công của xã hội, ca ngợi bản chất tốt đẹp, đề cao đạo đức của con người. Hát then đã mang bản sắc văn hóa Tày đậm nét. Vào mùa xuân hoặc các lễ hội các chàng trai, cô gái Tày quây quần ở một nhà trong bản, mời then đến làm lễ đoán duyên số cho mình. Lễ này gọi là Hin ẻn (chơi én). Đối với người Tày, chim én là biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi. Sự may rủi của từng mối nhân duyên sẽ phụ thuộc vào chim én bay đi, đậu vào loại cây nào: cây đa, cây sậy, cây trúc... mà khi hát then đoán duyên kể qua cây đàn tính: Hỡi em ơi! én của em đậu vào cành đa um tùm Cành lá sum suê tỏa rộng, vạn đời vui xuân Nghìn năm én của em được chắn mưa che nắng Tháng tám có gió gào cây đa vẫn chẳng lung lay ở lễ Kỳ Yên (Mừng thọ) tiếng đàn tính và giọng hát then còn làm nền cho các trò múa: múa chầu, múa Sluông, và diễn lại các hoạt cảnh sự tích xưa. Lúc này, âm nhạc giữ vai trò chủ yếu dẫn dắt và mang tải toàn bộ nội dung văn học của then, giúp người thưởng thức cảm thụ then một cách dễ dàng. Điều đó lý giải vì sao không chỉ có người Tày mê hát then, mà các dân tộc anh em khác người Nùng, người Kinh... cũng thích nghe then đến vậy. Cây đàn tính được dùng đệm cho hát then là chính, nên chưa có những bản nhạc tính độc lập. Song giữa các đoạn then thường có một khúc nhạc tính ngắn, tùy theo tài năng của các nghệ nhân có thể biến tấu nhiều kiểu, mang giai điệu riêng biệt rất dễ nhớ, dễ thuộc.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=882&id=45870&mod=detnews&p=