Tiếng Anh tiểu học: Quá nhiều chương trình!

Một số trường đã có hai, ba chương trình học tiếng Anh, có cả thầy nội lẫn thầy ngoại; sắp tới sẽ có thêm chương trình thí điểm của Bộ.

Cơ hội tốt, nhiều sự lựa chọn nhưng do quá nhiều nên học sinh rối, phụ huynh cũng băn khoăn. Học nhiều chương trình khác nhau trình độ không đồng đều, lên cấp cơ sở các em sẽ học ra sao?

Hiện nay, đa số trường tiểu học của TP.HCM đều dạy chương trình tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh tự chọn. Bộ GD&ĐT đang triển khai chương trình tiếng Anh thí điểm theo đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Theo đó, chương trình tiếng Anh tiểu học thí điểm được áp dụng từ lớp 3 với thời lượng bốn tiết/tuần theo các chủ điểm, chủ đề quen thuộc, gần gũi với học sinh; quan tâm đến bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, trong đó ưu tiên phát triển hai kỹ năng nghe và nói.

Có người, có lớp, chờ chọn chương trình

Bộ GD&ĐT đang triển khai khoảng 88 trường tiểu học ở 18 tỉnh, thành dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học lớp 3. Riêng TP.HCM có chín trường tiểu học được chọn chương trình thí điểm và chờ giáo trình của Bộ hướng dẫn. Từ vài năm nay, các trường ở TP.HCM đã dạy tiếng Anh theo nhiều chương trình nước ngoài khác nhau như từ Let’s Go đến Let’s Learn, Go Go...

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Thoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đuốc Sống, quận 1, cho biết: “Trường đã dạy tăng cường tiếng Anh cho học sinh tiểu học từ lớp 2 đến lớp 5 theo chương trình của Hội đồng Anh thời lượng tám tiết/tuần và chương trình tự chọn (hai tiết/tuần) với giáo trình Let’s Go. Nhà trường sẽ áp dụng chương trình thí điểm của Bộ cho học sinh lớp tự chọn và sẽ tăng thời lượng lên bốn tiết/tuần. Cơ sở vật chất, giáo viên dạy thí điểm đã chuẩn bị xong, đảm bảo đạt chuẩn vì trình độ tối thiểu giáo viên tiếng Anh của trường là cử nhân Anh văn, một vài giáo viên đã có bằng thạc sĩ. Tuy nhiên, giáo trình vẫn đang trong giai đoạn chờ… Sở quyết định”. Được biết, ngày 23-9 Sở sẽ họp chín trường thí điểm và chọn giáo trình.

Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, Gò Vấp đã được Bộ chọn dạy thí điểm tiếng Anh lớp 3. Trong ảnh: Một giờ học tiếng Anh tăng cường tại trường.

Rất nhiều sự lựa chọn

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) hiện có 24 lớp tiếng Anh tự chọn, 12 lớp tăng cường và ba lớp theo chương trình Cambridge. Học phí và thời gian học từng chương trình khác nhau: lớp tiếng Anh tự chọn 30.000 đồng/tháng, mỗi tuần học hai tiết; lớp tăng cường tiếng Anh 110.000 đồng/tháng (có giáo viên nước ngoài), tám tiết/tuần; lớp chương trình Cambridge 150 USD/tháng, tuần học sáu tiết với giáo viên nước ngoài do ĐH Cambridge chỉ định. Học phí cao thì sĩ số lớp giảm: tiếng Anh tự chọn sĩ số từ 45 học sinh trở lên, tăng cường tiếng Anh 35-40 học sinh, còn lớp chương trình Cambridge chỉ 27-28 học sinh/lớp.

Với hình thức quảng bá rầm rộ, cấp bằng đạt chuẩn quốc tế, chương trình Cambridge đã thu hút được sự quan tâm của nhiều phụ huynh. Cụ thể Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) dự định mở ba lớp nhưng thực tế phụ huynh đăng ký lên đến tám lớp. Cô Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng, cho biết phụ huynh đăng ký cho con em nhiều, tới giờ học tận dụng các phòng chức năng chia ra để đảm bảo yêu cầu về sĩ số của Hội đồng Cambridge.

Các quận vùng ven, ngoại thành TP.HCM cũng có các chương trình tiếng Anh khác. Tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, Hoàng Diệu (quận Thủ Đức), Trung tâm ngoại ngữ Phonics vào tận trường giới thiệu, bán công nghệ phần mềm hỗ trợ các kỹ năng phục vụ giảng dạy tiếng Anh. Cô Võ Duy Mỹ Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu, nói: “Năm học này, Trung tâm Phonics tới làm việc với nhà trường rồi dán thông báo, phát tờ rơi đến từng phụ huynh. Sau đó, họ mời giáo viên tiếng Anh của trường đi tập huấn giảng dạy phần mềm hỗ trợ này; chủ yếu là hướng dẫn kỹ năng, thao tác dạy học bằng tranh, ảnh, trò chơi. Học phí là 70.000 đồng/học sinh/tháng. Số tiền thu này được chuyển cho Phonics qua tài khoản và Phonics trả lương qua tài khoản cho giáo viên đứng lớp. Với sự quảng bá của Phonics, gần 100% phụ huynh lớp 1 đều đăng ký cho con em mình học”.

Lên lớp 6 sẽ ra sao?

Sự đa dạng về chương trình học có mặt tích cực là cho phụ huynh, học sinh có nhiều sự lựa chọn nhưng mặt khác đặt ra vấn đề là nên chọn chương trình nào, nên học thầy ngoại hay thầy cô trong nước và quan trọng nhất là khi học sinh chuyển qua cấp cơ sở, với nhiều trình độ tiếng Anh khác nhau, việc phân luồng, phân nhóm các em sẽ thực hiện như thế nào?

Theo ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM, TP.HCM đa dạng nhiều hình thức học tiếng Anh để phụ huynh tự nguyện lựa chọn. Ai có nhu cầu thì lựa chọn hình thức học tốt nhất. Từ những lớp học này, học sinh nào có năng khiếu ngoại ngữ tốt sẽ được chọn vào những lớp tiếng Anh tăng cường của bậc học cơ sở.

Phương thức tuyển sinh lớp 6 tăng cường tiếng Anh

Lộ trình A: Tiếp nhận học sinh có điểm kiểm tra công nhận trình độ từng kỹ năng từ 6 trở lên (do quận, huyện tổ chức) hoặc có điểm toàn năm từng kỹ năng từ 6 trở lên (đối với quận, huyện không tổ chức kiểm tra công nhận trình độ).

Lộ trình B: Tiếp nhận học sinh đã học chương trình tăng cường tiếng Anh ở bậc tiểu học nhưng chỉ đạt điểm từng kỹ năng từ 5 đến dưới 6 điểm; đã hoàn thành chương trình bậc tiểu học: có học lực môn cả năm của lớp 5 hai môn tiếng Việt và toán đạt loại khá, giỏi. Đối với học sinh chưa học chương trình tăng cường ở bậc tiểu học: phải dự kỳ khảo sát khả năng học ngoại ngữ. Đối tượng dự khảo sát là học sinh đã hoàn thành chương trình bậc tiểu học có học lực môn của năm học lớp 5 môn toán và tiếng Việt đạt loại giỏi.

(Theo đề án tuyển sinh đầu cấp của Sở GD&ĐT)

Chỉ dạy tiếng Anh ở trường học hai buổi/ngày

Theo Hướng dẫn triển khai dạy thí điểm Chương trình tiếng Anh tiểu học do ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ký ngày 21-9, học sinh lớp 3 phải học bốn tiết/tuần theo các chủ điểm, chủ đề quen thuộc, gần gũi với học sinh, trong đó ưu tiên phát triển hai kỹ năng nghe, nói và phát triển hứng thú học tập của học sinh. Kết thúc cấp tiểu học, học sinh sẽ đạt trình độ tương đương cấp độ A1 của Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ. Ví dụ như hết lớp 5, học sinh sẽ đạt trình độ A1.3 (tương đương trình độ Movers của Cambridge ESOL).

Thứ trưởng Hiển cũng yêu cầu các trường dạy thí điểm phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu; là trường dạy học hai buổi/ngày; giáo viên dạy thí điểm phải đạt yêu cầu trong đợt khảo sát năng lực tiếng Anh do Bộ tổ chức hoặc là giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm tiếng Anh trở lên và đã có chứng chỉ TOEFL 550 / IELTS 6.0. Ngoài tài liệu, sách giáo khoa được cấp miễn phí, giáo viên có thể sử dụng các loại tài liệu tiếng Anh đã dạy có kết quả ở địa phương để đảm bảo các mục tiêu của Chương trình tiếng Anh tiểu học như đã yêu cầu.

T.NHƯ

QUỐC VIỆT

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100922122646440p0c1019/tieng-anh-tieu-hoc-qua-nhieu-chuong-trinh.htm