Tiến sĩ Phan Lê Hà: Mong muốn đưa tri thức Việt Nam lên ngang tầm thế giới

Tiến sĩ Phan Lê Hà - giảng viên chính khoa Giáo dục, Trường Đại học Monash (Úc) vốn là người luôn đau đáu với những trăn trở về đất nước Việt Nam. Chị thường nói: “Dù tôi có làm việc ở đâu đi chăng nữa thì tôi vẫn luôn hướng về Việt Nam theo rất nhiều ý nghĩa và ở các tầm mức khác nhau”.

Nữ Tiến sĩ Phan Lê Hà Theo lời nữ Tiến sĩ Phan Lê Hà: “Tại xứ sở Chuột Túi, tôi đã có những buổi nói chuyện với nhiều người Úc về Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn họ chỉ biết đó là một dân tộc anh hùng, ẩm thực tuyệt vời với các món ăn như bún, phở, nem... con người dễ mến, thân thiện. Song họ thực sự biết rất ít rằng dân tộc đó đã sản sinh ra nhiều trí thức cho nhân loại. Cách đây hơn chục năm khi mới đặt chân đến Úc học tập, tôi mới 22 tuổi nhưng trong hành trang của tôi luôn có sách của các học giả Việt Nam. Tôi đã thẩm thấu được rất nhiều vấn đề từ những quyển sách đó và luôn mơ ước một ngày nào đó sẽ có cơ hội giới thiệu các công trình của họ ra thế giới...”. Với quá trình học tập, nghiên cứu 12 năm và trở thành Tiến sĩ tại Úc của Phan Lê Hà cũng là dịp để chị nhận ra rằng người dân ở nhiều nước phương Tây còn ít biết về Việt Nam. Chị nói: “Riêng ở Úc, không ít các học giả luôn quan tâm đến Việt Nam với nhiều lý do, trong đó có một lý do không thể phủ nhận là chính trị. Đã có rất nhiều học giả ở Trường Đại học Quốc gia Úc (ANU) chuyên nghiên cứu về Việt Nam, nhưng chủ yếu tâp trung vào đề tài chiến tranh và cộng đồng người Việt xa xứ ở nước ngoài. Đấy là những nghiên cứu chủ yếu mang màu sắc chính trị và lịch sử. Bên cạnh đó, những học giả Việt Nam ở nước ngoài lại ít khi sử dụng nguồn tri thức nội tại để áp dụng vào việc nghiên cứu. “Tôi nghĩ rằng đây là một sự thiếu sót nên đã nảy sinh ý tưởng cần tạo ra một diễn đàn khoa học để những người quan tâm đến Việt Nam có cơ hội chia sẻ mối quan tâm của họ dưới nhiều góc độ: khoa học xã hội, nhân chủng học, kinh tế, giáo dục, địa lý... Thứ hai và quan trọng hơn là tôi muốn nhấn mạnh rằng, khi các học giả nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam, bản thân trong nội tại Việt Nam cũng có rất nhiều các nhà trí thức mà họ cần phải tiếp cận để có cách nhìn nhận về Việt Nam mới mẻ, chính xác và sâu rộng hơn”. Vẫn theo nhận xét của Tiến sĩ Hà, ở chừng mực nào đó, những nghiên cứu của các học giả Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận một cách tương xứng. “Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, từ trước đến nay khi nhìn nhận về sinh viên châu Á, các giáo viên nước ngoài thường có xu hướng “nhìn xuống” mà không bao giờ “nhìn lên”. Và một khi đã “nhìn xuống” thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ đánh giá tri thức Việt Nam ngang bằng với họ. Vì vậy, thực lòng tôi muốn thay đổi sự nhìn nhận của họ về mặt tri thức mà một trong các phương pháp tôi lựa chọn thực hiện là giới thiệu các công trình của các học giả Việt Nam. Mục đích là để các giáo viên nước ngoài hiểu được rằng, những tri thức đó luôn có giá trị về mặt học thuật, cũng như có thể được sử dụng như những công cụ lý luận, làm cơ sở cho các nghiên cứu khác. Ngoài ra, tôi cũng muốn làm sáng tỏ một điều rằng họ không thể mang những mô hình, phương pháp lý luận, cách tiếp cận khoa học thuần túy của phương Tây để áp dụng vào phương Đông, giải mã những hiện tượng xã hội của phương Đông”. Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, Tiến sĩ Phan Lê Hà cho biết: Sau cuộc hội thảo mang tên “Kết nối Việt Nam: Một cuộc đối thoại liên ngành” tổ chức ngay tại Trường Đại học Monash vào tháng 3-2010, hiện tại tôi đang tiến hành tập hợp những bài nghiên cứu khoa học đã tham gia để chuẩn bị xuất bản trong một tạp chí chuyên ngành. Đặc biệt, vào cuối năm vừa qua, chị cũng đã xin được tài trợ của một số trường đại học ở Việt Nam để tổ chức hội thảo tại Hà Nội mang chủ đề “Việt Nam trong con mắt của các nước trong khu vực”. Từ những hiểu biết của bản thân về văn hóa và lịch sử đất nước, Tiến sĩ Phan Lê Hà đã và đang cùng nhiều học giả quan tâm đến Việt Nam, xây dựng kế hoạch và lên chương trình cho những cuộc hội thảo mới về nền học thuật Việt Nam tại Úc để có thể cùng chia sẻ kiến thức của những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, qua đó tạo cơ hội phổ biến và hợp tác nghiên cứu giữa các học giả quan tâm nghiên cứu về Việt Nam. Trung Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=29085&menu=1433&style=1