Tiền lương năm mới có gì mới?

QĐND - Còn hơn chục ngày nữa là bước sang năm mới 2011 - năm mở đầu của kế hoạch 5 năm (2011-2015), chiến lược phát triển kinh tế 10 năm (2011-2020). Trong bối cảnh giá cả liên tục “leo thang” như hiện nay, một trong những vấn đề mà nhiều người quan tâm là trong năm mới, tiền lương có gì mới?

Từ 1-1-2011 tăng lương tối thiểu tại các doanh nghiệp Theo Nghị định số 107/2010/NĐ-CP và Nghị định số 108/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì từ ngày 1-1-2011, lương tối thiểu tại các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh tăng theo từng vùng. Nghị định 107/2010/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh như sau: Mức 1.550.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/ tháng so với mức hiện hành) áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. Mức 1.350.000 đồng/tháng (tăng 160.000 đồng/tháng so với mức hiện hành) áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. Mức 1.170.000 đồng/tháng (tăng 130.000 đồng/tháng so với mức hiện hành) áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. Mức 1.100.000 đồng/tháng (tăng 100.000 đồng/tháng so với mức hiện hành) áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. Nghị định số 108/2010/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động. Theo quy định tại nghị định này, mức 1.350.000 đồng/tháng (cao hơn mức hiện hành 370.000 đồng/tháng) áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. Mức 1.200.000 đồng/tháng (cao hơn mức hiện hành 320.000 đồng/tháng) áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. Mức 1.050.000 đồng/tháng (cao hơn mức hiện hành 240.000 đồng/tháng) áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. Mức 830.000 đồng/tháng (cao hơn mức hiện hành 100.000 đồng/tháng) áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thuộc vùng IV. Các vùng trong hai nghị định nói trên được quy định theo mức độ đắt đỏ từng khu vực, trong đó vùng I là các quận thuộc thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hai nghị định còn quy định mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Từ 1-5-2011 thực hiện việc điều chỉnh lương với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã nhất trí về việc điều chỉnh lương tối thiểu chung. Theo đó, từ ngày 1-5-2011 sẽ điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng (tăng 13,7 %); tăng lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công bằng tốc độ tăng lương tối thiểu (tăng thêm 13,7 %); thực hiện chế độ phụ cấp công vụ 10%; phụ cấp thâm niên ngành giáo dục. Như vậy, nếu theo lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu, đến ngày 1-5-2011, tiền lương của cán bộ công chức và lực lượng vũ trang sẽ tăng hơn 13,7 % so với mức hiện nay. Theo Nghị định 204 của Chính phủ thì hệ số lương (so với lương tối thiểu chung) của sĩ quan quân đội ở một số cấp bậc như sau: Cấp thiếu úy là 4,2 (có nghĩa là gấp 4,2 lần lương tối thiểu chung), cấp trung úy là 4,6; cấp thượng úy là 5,0; cấp đại úy là 5,4; cấp thiếu tá là 6,0; cấp trung tá là 6,6; cấp thượng tá là 7,3; cấp đại tá là 8,0. Tổng mức lương và phụ cấp của sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương bằng 1,8 lần, của quân nhân chuyên nghiệp bằng 1,7 lần so với tổng mức lương và phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức tương đương. Công nhân viên quốc phòng xếp lương như công nhân viên Nhà nước và hưởng phụ cấp phục vụ quốc phòng. Binh sĩ không quy định chế độ tiền lương mà thực hiện chế độ ăn định lượng và phụ cấp sinh hoạt phí theo cấp hàm. Như vậy, khi thực hiện việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, từ ngày 1-5-2011, tiền lương tháng (chưa kể tới các khoản phụ cấp theo lương) của cấp thiếu úy sẽ tăng thêm 420.000 đồng, của cấp trung úy tăng thêm 460.000 đồng, cấp thượng úy tăng thêm 500.000 đồng, cấp đại úy tăng thêm 540.000 đồng, cấp thiếu tá thêm 600.000 đồng, cấp trung tá tăng thêm 660.000 đồng, cấp thượng tá tăng thêm 730.000 đồng, cấp đại tá tăng thêm 800.000 đồng. Theo Thông tư số 02/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính thì một số khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công của cán bộ công chức, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Điều chỉnh lương cần đi kèm với việc kiềm chế giá Mấy năm gần đây, cứ mỗi lần nghe tin Nhà nước chuẩn bị điều chỉnh lương cho cán bộ, công nhân, viên chức và các đối tượng khác là giá cả các loại hàng hóa, nhất là các loại hàng thiết yếu, tiêu dùng và dịch vụ trên thị trường lại "tự nhiên" tăng theo. Chính vì vậy, theo nguyện vọng của đông đảo những người hưởng lương, việc điều chỉnh lương phải đi kèm với kiềm chế giá. Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh lương đã nằm trong đề án công khai từ nhiều năm trước, nằm trong chi ngân sách đã được tính toán kỹ, các doanh nghiệp và toàn xã hội tăng năng suất lao động, tăng thu ngân sách để điều chỉnh lương chứ không phải phát hành thêm tiền để tăng lương nên tổng lượng tiền trong xã hội không đổi, vì thế cũng không thể lợi dụng điều chỉnh lương để tăng giá. Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước quyết liệt kiềm chế giá cả, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng việc điều chỉnh lương để tăng giá. Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang cùng với một số cơ quan khác xây dựng lộ trình sáp nhập lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp và dự kiến đến năm 2012 sẽ thực hiện việc sáp nhập này. Đối với tiền lương của cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng đề án cải cách tiền lương. Riêng tiền lương đối với lực lượng vũ trang, quan điểm của Chính phủ thể hiện trong Tờ trình trước Quốc hội khóa XI: "Tiền lương và phụ cấp của lực lượng vũ trang phải phản ánh được mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, trách nhiệm cống hiến của lực lượng vũ trang là "một ngành lao động đặc biệt", vì vậy có bảng lương riêng và giữ mức ưu đãi so với cán bộ công chức như hiện nay". Thực tế hiện nay, đời sống của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, cán bộ quân đội ở cơ sở gần như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ, không có khái niệm thu nhập ngoài lương. Vì vậy, trong lộ trình cải cách tiền lương sắp tới, dư luận mong muốn cần phải có chế độ ưu đãi hơn nữa đối với cán bộ trong quân đội. Bài, ảnh: Đỗ Phú Thọ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/2/97/97/132917/Default.aspx