Tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng "Tiếng đàn"!

(NLĐO) - Bài "Tiếng đàn" được sáng tác ngay khi đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua đời, chất chứa cảm xúc của thiếu tướng - nhạc sĩ An Thuyên với vị danh tướng huyền thoại của dân tộc.

Ngay khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, chỉ trong vòng 15 phút đồng hồ, nhạc sĩ - thiếu tướng An Thuyên đã chuyển tải tất cả sự dồn nén và bùng phát của cảm xúc chất chứa trong tận đáy lòng mình thành ca khúc Tiếng đàn: “Tiếng đàn vị tướng mười ngón tay thô, lướt trên thăng trầm trắng đen cuộc đời”…

Sức nặng từ những điều giản dị

Bài hát ngắn gọn, giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng, chuyển tải trong đó cả tình cảm lớn lao không chỉ của riêng nhạc sĩ mà là của cả triệu người xúc động tiễn biệt người con ưu tú, vị danh tiếng đã đi vào huyền thoại của dân tộc.

Trung tướng Phạm Hồng Cư và thiếu tướng-nhạc sĩ An Thuyên nghẹn ngào nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Website Chính phủ)

Trên nền âm nhạc lãng mạn nhưng đầy chất bi tráng, thấp thoáng hình ảnh khúc quân hành ca, lời bài hát đã thổi hồn cho ca khúc bằng những câu chuyện về Đại tướng, về trận chiến oanh liệt Điện Biên Phủ, về tính cách giản dị nhưng lỗi lạc, về sự trăn trở của Đại tướng trong những quyết định sống còn của trận chiến: "Tiếng đàn đồng chí, rạng rỡ non sông, áo xanh bạc màu thủy chung đồng đội. Tiếng đàn Tổ quốc, toàn thắng reo ca, cánh chim ngang trời vẫn không biết mỏi. Tiếng đàn Đại tướng, trời đất yêu thương...”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những giờ phút an bình bên cây đàn là một hình ảnh đặc biệt, thể hiện chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn ông: “Là một người dân Việt Nam, nhưng tôi còn là một người lính, thế hệ người lính con cháu của Đại tướng. Đối với người lính, anh Văn là một hình ảnh rất đẹp, là người anh cả của lực lượng vũ trang. Với tôi, Đại tướng là người cha người chú, người thầy vĩ đại. Nhưng hơn thế nữa, Đại tướng còn là một người nghệ sĩ. Ông là người có công rất lớn đối với lực lượng văn nghệ sĩ quân đội nói riêng và văn nghệ cách mạng nói chung. Tin Đại tướng ra đi là một tin sét đánh, đau thương choáng váng đến mức bàng hoàng, không thể tin được cho dù vẫn biết rồi sẽ phải đến ngày này. Tôi tin rằng không chỉ với riêng tôi mà cả triệu người Việt Nam đều cảm thấy đây là một sự mất mát lớn lao, như mất đi người thân yêu trong nhà” - Nhạc sĩ An Thuyên không nén nổi xúc động.

Ca khúc đặc biệt này, ngay khi vừa vang lên đã khiến người nghe nổi da gà, rưng rưng nước mắt "khóc cho dân tộc, khuất xa một người".

Hình ảnh đặc biệt - Đại tướng chơi đàn

Ngay trên đầu bản nhạc, nhạc sĩ An Thuyên viết lời đề từ: “Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa lớn. Tôi viết bài hát này dựa trên hình ảnh có thật trong cuộc đời Ông: Ông vẫn luôn thích chơi đàn Piano vào những giây phút yên bình…”

Chất xúc tác quan trọng để nhạc sĩ có được tác phẩm nhẹ nhàng nhưng tràn trề sức nặng nội tâm này chính là những khoảnh khắc đặc biệt của đại tướng bên cây piano, bên người vợ hiền tại tư gia, sau chiến tranh, trận mạc... Cái yên bình ngự trị nơi đây sau khi đã trải bao sóng gió, cống hiến một đời cho quốc gia, cho dân tộc, để biết quý trọng từng khoảnh khắc bình dị, lắng sâu.

Nhạc sĩ An Thuyên (ảnh nhạc sĩ cung cấp)

"Đại tướng rất yêu piano. Cụ yêu văn nghệ, yêu trí thức. Ngay cả hồi chiến tranh, chiều thứ 7 nào cũng có một giáo viên dạy nhạc đến nhà dạy cụ chơi đàn. Hình ảnh đó đã gợi lên bao cảm xúc cho tôi. Cụ chơi đàn không phải là tay ngang, chơi làm cảnh, mà Đại tướng thật sự muốn chinh phục một loại nhạc cụ. Và những giờ phút đặc biệt của Đại tướng bên cây đàn chính là một chi tiết rất đời thường nhưng sâu sắc, chuyển tải trong đó rất nhiều ý nghĩa nhân văn" - Nhạc sĩ An Thuyên tự sự.

Khác với các sáng tác khác đã từng ca ngợi chất anh hùng trong Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ An Thuyên lựa chọn viết về vị tướng ở khía cạnh một nghệ sĩ: "Bài hát này không mô tả nghệ thuật chơi đàn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dưới con mắt biểu diễn chuyên nghiệp, cụ không phải là người chơi đàn xuất sắc nhưng theo tôi cụ là người chơi đàn vĩ đại. Cả cuộc đời vĩ đại dâng hiến, hy sinh làm nên tiếng đàn của cụ chứ không phải chỉ là kỹ thuật. Đây cũng là bài học lớn cho anh em nghệ sĩ...". Sau khi biểu diễn trong chương trình đặc biệt tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tại Hà Nội, 7/10), trên các trang âm nhạc trực tuyến đã lan truyền ca khúc đặc biệt "Tiếng đàn" như lời tưởng niệm gửi tới người con anh hùng của dân tộc.

Vị Tổng Tư lệnh văn võ song toàn, đức tài trọn vẹn đã khiến rất nhiều văn nghệ sĩ trên cả nước xúc động, sáng tác các ca khúc: “Có một khu rừng như thế” (ca khúc của nhạc sĩ Doãn Nho), “Tướng quân Võ Nguyên Giáp” (nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến), “Hát về người Đại tướng của nhân dân” (Nhạc: Lê Gia Hiếu, Thơ: Tống Minh Lung), “Anh Văn của đồng đội” (nhạc sĩ Đào Hữu Thi), "Đại tướng Võ Nguyên Giáp" - Hoàng Anh Tú... là những ca khúc được dành tặng riêng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mới đây, để tiễn biệt Đại tướng, nhạc sĩ Quỳnh Hợp cũng vừa sáng tác ca khúc Còn mãi với mùa thu, phổ thơ bài Vị tướng già của nhà thơ quân đội Anh Ngọc.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/tien-biet-dai-tuong-vo-nguyen-giap-bang-tieng-dan-20131010125938775.htm