Tia X và những nguy cơ cho thai nhi

- Tia X có thể kèm với nguy cơ ung thư, bệnh bạch cầu cấp và một số dị tật bẩm sinh cho thai nhi, tuy nhiên nguy cơ này rất nhỏ. Đôi khi, sự phơi nhiễm này sau đó có thể gây lo lắng cho người mẹ. Chính sự lo lắng này nguy hiểm cho tình trạng thai hơn là sự phơi nhiễm.

Theo Theo Ủy ban Kiểm soát về Vấn đề Hạt nhân của Mỹ (Nuclear Regulatory Commission -NRC), thai nhi có nguy cơ phát triển bệnh ung thư về sau khi nhiễm liều bức xạ từ 2- 6 rads. Thai có nguy cơ dị tật bẩm sinh khi nhiễm liều bức xạ > 5 rads. Tuy nhiên, trong y khoa khi dùng tia X để chẩn đoán, liều bức xạ được dùng rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với liều gây hại cho thai. Vì vậy, bạn được chụp X quang tim phổi 2 lần trong thai kỳ, ngay cả giai đoạn đầu (2 tuần sau khi thụ thai) hầu như không nguy hiểm cho thai nhi. Tia X dùng trong chẩn đoán y khoa hầu như không làm gia tăng tỉ lệ di tật bẩm sinh thai nhi. Tuy nhiên, trong thai kỳ, tốt nhất là hạn chế tối đa việc tiếp xúc với tia X. Giống nhiều thử nghiệm y khoa khác, tia X có nhiều nguy cơ cũng như lợi ích. Các bác sĩ nên xem xét và cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của tia X khi cho chỉ định dùng. Thai nhi có thể bị phơi nhiễm tia X do người mẹ không biết có thai hoặc không thông tin cho bác sĩ về tình trạng thai nghén của mình. Sự phơi nhiễm này sau đó có thể gây lo lắng cho người mẹ, chính sự lo lắng này nguy hiểm cho tình trạng thai hơn là sự phơi nhiễm. Tia X không chiếu trực tiếp vào thai nhi khi người mẹ được chỉ định chụp phần trên của cơ thể như ngực, răng, cổ và chi. Tia X chiếu trực tiếp vào thai nhi hoặc xuyên qua thai khi người mẹ được chụp các phần như bụng, thắt lưng, xương chậu, thận. Nhìn chung, dùng tia X để chẩn đoán chỉ đạt nồng độ bức xạ rất thấp. Hai loại tia X có năng lượng bức xạ cao là CT bụng chậu và chụp huỳnh quang. Nếu không thể trì hoãn đến sau khi kết thúc thai kỳ thì nên chọn loại kỹ thuật có mức bức xạ thấp nhất, chùm tia X thu hẹp để vùng phơi nhiễm nhỏ, và nếu chụp huỳnh quang thì thời gian càng ngắn càng tốt. Lưu ý khi chụp X quang cho các thai phụ nên che chắn bằng áo chì vùng tử cung để hạn chế sự phơi nhiễm cho thai nhi. Ngày nay có thể dùng siêu âm chẩn đoán thay X quang. Siêu âm đã được chứng minh là không nguy hại cho thai nhi. Cộng hưởng từ (MRI) dùng an toàn cho thai nhi sau 12 tuần. Tất cả những thai phụ được chụp X quang trước thời điểm trễ kinh (chưa nhận biết có thai) nên báo với bác sĩ khi đi khám và trong những trường hợp này không nên cho chụp X quang nữa trừ khi có chỉ định tuyệt đối. Tầm soát bất thường thai nhi Thai nhi dễ bị ảnh hưởng hơn người lớn do tia X, một phần vì những tế bào thai nhi phân chia nhanh chóng và phát triển thành những tế bào và mô chuyên biệt. Nếu tia X thay đổi những tế bào này sẽ gây những khuyết tật bẩm sinh hoặc 1 số bệnh như ung thư máu, xuất hiện về sau. Tổn thương tế bào thai nhi có thể gây sẩy thai, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển tâm thần phụ thuộc vào nồng độ bức xạ và tuổi thai. Nguy cơ cao ở 3 tháng đầu thai kỳ. Điều quan trọng là những ảnh hưởng này không xảy ra nếu liều bức xạ dưới 100mGy (tương đương 3 lần CT scans vùng chậu hoặc 20 lần chụp X Quang bụng). Ngay cả những thai kỳ hoàn toàn không tiếp xúc với tia X vẫn có 1 tỉ lệ nhỏ (khoảng 4- 6%) bất thường, vì vậy các thai phụ cần phải khám thai định kỳ để được tầm soát và chẩn đoán những bất thường thai nhi. Tại BV Từ Dũ TP.HCM, việc tầm soát những bất thường thai nhi được thực hiện theo qui trình sau: - Thai 7 – 8 tuần khảo sát tim thai, làm những xét nghiệm đánh giá sức khỏe tổng quát cho thai phụ: những bệnh lý về máu, tiểu đường, yếu tố Rhesus, bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc có khả năng lây truyền cho thai… - Thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày sẽ được đo độ mờ gáy thai kết hợp với xét nghiệm máu mẹ (Double test: gồm PAPP-A và Free beta hCG) tầm soát nguy cơ hội chứng Down, 3 nhiễm sắc thể 18 và nguy cơ khuyệt tật ống thần kinh. Bên cạnh đó siêu âm giai đoạn này còn có thể khảo sát những bất thường nặng nề thai nhi như thai vô sọ, nang bạch huyết vùng cổ thai, cụt chi. - Thai 14 – 20 tuần được xét nghiệm Triple test (AFP: alpha feto protein; Free beta hCG; uE3) tầm soát nguy cơ hội chứng Down, 3 nhiễm sắc thể 18 và nguy cơ khuyệt tật ống thần kinh. - Thai 22 tuần được siêu âm hình thái học thai nhi để khảo sát những bất thường về hình thái. - Thai 32 tuần được siêu âm khảo sát sự phát triển thai nhi, ngôi thai, lượng ối, tuần hoàn nhau thai. Trong quá trình khám thai, các thai phụ còn được tiêm ngừa VAT (ngừa uốn ván rốn cho bé sơ sinh), tư vấn về các vấn đề dinh dưỡng, sinh hoạt, lao động, dùng thuốc trong thai kỳ... TS.BS. Lê Thị Thu Hà - BV Từ Dũ TP.HCM

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1990/2009/06/1711069/