Tỉ phú gà tre

Giống gà tre ngày càng hiếm vì ít người nuôi do gà nhỏ con, ít thịt, hiệu quả kinh tế thấp. Vậy mà tại ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, H.Chợ Gạo (Tiền Giang), lần đầu tiên có một trang trại nuôi gà tre theo mô hình khép kín với quy mô lớn.

Anh Liêm trong trang trại nuôi gà tre của mình - Ảnh: H.Ph

Từ bảo tồn giống...

Anh Nguyễn Thanh Liêm - chủ trang trại - cho biết nhà anh có 6 công vườn trồng mận xanh nhưng thu nhập bấp bênh. Năm 2006, tình cờ có người quen ở Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) gợi ý anh tìm gà tre về nuôi để bảo tồn giống. Thế là anh bắt đầu săn tìm. Đầu tiên anh lấy xe gắn máy chạy lòng vòng suốt một ngày ở huyện Gò Công Đông và chỉ mua được 2 con gà trống với giá khá cao 200.000 đồng một con. Sau đó cuộc săn lùng tiếp tục được mở rộng ở Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh.... Hễ nghe ở đâu có gà tre là anh tìm đến.

Dù mục đích ban đầu là nuôi bảo tồn, nhưng khi đàn gà tăng dần thì anh Liêm nghĩ đến thị trường tiêu thụ vì loại gà này hiếm, ít người nuôi. Gà tre tuy nhỏ con, trọng lượng chỉ từ 500 - 700 gr/con nhưng thịt dai mà lại mềm, thơm, da giòn và không có mỡ. Đặc biệt, khi đem hấp hoặc nướng có mùi thơm rất đặc trưng. Hấp dẫn nhất là các món gà tre hấp rau răm, hấp nước dừa, nướng muối ớt hoặc nướng ống tre...

Đối với gà đẻ thì thời gian nuôi khoảng 5 tháng, mỗi lần đẻ từ 8 đến 15 trứng và mỗi lứa đẻ cách nhau từ 20 - 30 ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ đẻ của gà tre chỉ chừng 25% trong khi gà công nghiệp tới 90%. Nuôi 100 con thì mỗi ngày chỉ chừng 25 con đẻ. Gà tre cũng có nhiều giống. Như gà Tân Châu rất nhỏ con, mỗi con trọng lượng chỉ chừng 450 - 500 gr. Còn gà tre ở vùng Tây Ninh, Đồng Nai vì lai gà rừng nên trọng lượng lớn hơn. Vì vậy, để có một trang trại gà tre thuần giống như hiện nay, thời gian đầu anh Liêm phải tốn rất nhiều công sức chọn lọc, lai tạo.

Đến quy mô trang trại

Để xây dựng thị trường tiêu thụ, anh Liêm bắt đầu bằng việc mang gà trực tiếp đến một số nhà hàng tại Mỹ Tho và TP.HCM để giới thiệu và nhờ... ăn thử. Sau đó các nhà hàng đặt mua với số lượng ít để thăm dò thị trường. Và chỉ sau một thời gian mạng lưới phân phối gà tre của anh Liêm mở rộng ở khắp nơi, từ Lâm Đồng, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Cà Mau... và chuẩn bị đưa vào hệ thống siêu thị Coop Mart. Dù giá lên tới 110.000 đồng/kg gà sống và 160.000 đồng/kg gà thịt (đã làm sẵn và đóng gói bao bì), nhưng hiện nay mỗi tháng trang trại của anh Liêm bán ra hơn 15.000 con, trong đó có nơi ký hợp đồng mua mỗi tháng 4.000 con. Và anh Liêm đã trở thành tỉ phú nhờ sự kiên trì với con gà tre.

Trại gà của anh Liêm được xây dựng theo mô hình khép kín, từ gà đẻ trứng, ấp trứng, gà thịt, lò giết mổ. Anh cũng đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa Gà tre Hương Việt. Hiện tổng đàn gà của anh Liêm hơn 80.000 con với một trang trại chính ở ấp Lương Phú B và 20 trại nuôi gia công rải rác ở 6 xã trong huyện Chợ Gạo.

Về hình thức nuôi gia công, anh Liêm cho biết người nuôi lo chuồng trại, anh giao con giống, thức ăn, thuốc thú y và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Sau 50 ngày người nuôi được trả công 4.000 đồng/con, anh thu gà về tiếp tục nuôi đến 3 tháng rưỡi thì bán gà thịt. Có những người nuôi gia công mỗi tháng 2.000 -3.000 con, thu nhập trên 10 triệu đồng, chỉ cần tận dụng thời gian nhàn rỗi, có thể cải tạo chuồng heo cũ làm chỗ nuôi gà, không cần diện tích lớn.

Anh Liêm nói nuôi gà tre có độ rủi ro thấp hơn gà công nghiệp, nhưng thành công hoặc thất bại phần lớn là do người nuôi: “Đầu tiên là phải tính toán đầu ra. Nếu tính không kỹ, tăng đàn quá nhanh, không tiêu thụ được sẽ bị thua lỗ”. Kinh nghiệm của anh là thị trường mở rộng tới đâu thì tăng đàn gà tới đó chớ không phát triển nóng. “Nói thì nghe dễ, nhưng để có ngày hôm nay thì thời gian đầu tôi cũng te tua chớ không đơn giản. Ví dụ đối với gà thịt thời gian nuôi trung bình từ 3 tháng rưỡi đến 4 tháng thì bán, nhưng có khi đã quá 4 tháng mà không bán được, trong khi gà ăn nhiều mà không tăng trọng”, anh Liêm chia sẻ.

Hoàng Phương

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131130/ti-phu-ga-tre.aspx