Thuyết phục người dân giao lại đất

Từ tháng 6-2011 đến nay, dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua thị xã Phúc Yên - Vĩnh Phúc phải ngừng thi công do người dân không đồng tình đền bù vào dựng lều bạt chiếm lại đất, ngăn cản thi công

Ngày 6-8, Thị ủy Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức họp báo về việc giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Nội Bài (Hà Nội) - Lào Cai, đoạn qua địa bàn này bị chậm tiến độ do nhiều hộ dân không bàn giao mặt bằng.

Đền bù không thống nhất

Tại buổi họp báo, ông Lê Văn Lãng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên, cho biết có 3 xã bị thu hồi đất để làm đường cao tốc gồm: Nam Viêm, Tiền Châu và Phúc Thắng với tổng diện tích trên 283.200 m2, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp. Đến tháng 4-2009, đã có 100% hộ dân trên địa bàn 3 xã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ để bàn giao mặt bằng cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Tuy nhiên, khi nhà thầu đang thực hiện thi công, tôn nền đường thì ngày 17-5-2011, hàng chục hộ dân thôn Khả Do, xã Nam Viêm đã tập trung đòi cấp thẩm quyền hỗ trợ, đền bù thêm với lý do mức đền bù, hỗ trợ 43,5 triệu đồng/sào ruộng của người dân trong xã quá thấp so với xã giáp ranh Tân Dân (huyện Sóc Sơn - Hà Nội) là 236 triệu đồng/sào. “Chính quyền địa phương đã tổ chức họp, đối thoại với người dân nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận và hằng ngày có gần 100 người dựng lều cản trở lực lượng thi công” - ông Lãng nói.

Cơ quan chức năng vận động người dân rời lều trại, giao lại mặt bằng cho dự án. Ảnh: THẾ KHA

Trong khi đó, ông Khổng Sơn Trường, Bí thư Thị ủy thị xã Phúc Yên, cho rằng để xảy ra vụ việc người dân “bám trụ” giữ đất là có trách nhiệm từ nhiều phía. Theo ông Trường, việc bồi thường như nói trên ở Vĩnh Phúc được thực hiện vào năm 2008, theo Nghị định 84 của Chính phủ về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi bị Nhà nước thu hồi đất.

Còn ở Hà Nội áp dụng theo Nghị định 69/CP ban hành năm 2009. Mặt khác, tiêu chí, cơ sở, khung giá đất và điều kiện kinh tế của Hà Nội khác hẳn Vĩnh Phúc nên có điều kiện đẩy tiền đền bù, hỗ trợ lên kịch khung. Bên cạnh đó, huyện Mê Linh trước đây thuộc Vĩnh Phúc, về sau nhập về Hà Nội cũng có mức chênh lệch rất xa so với đất ruộng ở Phúc Yên. “Cơ chế chính sách như vậy đã làm nảy sinh xung đột về lợi ích, khiến người dân chiếm lại mặt bằng” - ông Trường nói.

Kiên trì vận động người dân

Ông Khổng Sơn Trường còn cho rằng dẫn đến việc người dân không hợp tác trong suốt một năm qua cũng có phần lỗi của chủ đầu tư, nhà thầu. “Có một thời gian dài trên toàn tuyến ngừng thi công, mặt bằng bỏ không nên dân mới chiếm lại” - ông Trường nói.

Về việc này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, phân bua: “Chúng tôi đã tôn nền đường lên cao 3 m nên không thể nói là để hoang hóa nhưng người dân vẫn chiếm lại”. Tuy nhiên, ông Anh cũng thừa nhận với 3 km chạy qua địa bàn thị xã Phúc Yên, do vướng giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ 1 năm cả gói thầu số 1, phải đến cuối năm 2013 mới hoàn thành nếu được bàn giao toàn bộ mặt bằng.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về biện pháp giải phóng mặt bằng sắp tới, ông Khổng Sơn Trường cho biết: “Nguyên tắc là kiên trì vận động, thuyết phục người dân trả lại đất, giải tán đám đông. Nếu người dân cố tình không chấp hành, tỉnh sẽ huy động các đơn vị dân sự tháo dỡ lều trại và lập phương án bảo vệ người dân, tránh để kẻ xấu lợi dụng”.
Ông Lê Văn Lãng nhấn mạnh thêm lãnh đạo địa phương mong muốn người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định và bàn giao mặt bằng cho việc thi công dự án, đồng thời cũng có phương án xử lý các tình huống để bảo đảm mặt bằng thi công dự án.

Phải sớm bàn giao mặt bằng

Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài 264 km đi qua địa bàn 5 tỉnh, TP là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai sẽ nối với đường cao tốc Hà Khẩu - Côn Minh (Trung Quốc) hình thành một trục có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội phía Bắc. Dự án khởi công từ năm 2008 và dự kiến hoàn thành trong năm 2012 với tổng mức đầu tư
1,216 tỉ USD.

Ngày 4-8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc phải sớm bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công tổ chức thi công bảo đảm tiến độ công trình.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20120806112734377p0c1002/thuyet-phuc-nguoi-dan-giao-lai-dat.htm