Thủy ngân đỏ - Huyền thoại và sự thật (II)

Theo tin đồn, thủy ngân đỏ có thể làm chất kích nổ trong bom nhiệt hạch hoặc thiết bị nổ độc lập. Ở vai trò thứ 2, nó sẽ là ác mộng với các cơ quan an ninh vì rất khó bị phát hiện.

Một vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch (Hình minh họa)

Chiêu trò lừa đảo?

“ Thủy ngân đỏ ” lần đầu tiên được công chúng biết đến có lẽ vào khoảng cuối những năm 1980 trên báo chí Liên Xô.

Một bài báo trên tờ Pravda mô tả nó như sau: “Một loại vật liệu siêu dẫn dùng trong quá trình sản xuất các loại vũ khí thông thường và hạt nhân có độ chính xác cao, các bề mặt "tàng hình", và các loại bom có điều khiển…”

Tương tự như mọi đề tài bí hiểm khác trong Chiến tranh lạnh , báo chí phương Tây nhanh chóng lan truyền thông tin về loại hợp chất này.

Những tin đồn này đặc biệt trở nên phổ biến sau khi Liên Xô tan rã, vì đây là thời kỳ mà các hoạt động buôn lậu vũ khí có nguồn gốc từ Nga và những nước thuộc Liên Xô cũ trở nên rất sôi nổi.

Thủy ngân đỏ trở thành món hàng nóng nhất trên thị trường chợ đen mà mọi tay buôn lậu vũ khí đều thèm khát.

Một đặc điểm chung thường được gắn cho thủy ngân đỏ là sức nổ cực mạnh. Năng lượng mà nó sản sinh, theo nhiều nguồn tin, có thể tương đương với vũ khí phân hạch uranium hoặc plutonium.

Tính chất này cho phép thủy ngân đỏ đóng vai trò chất kích nổ trong bom nhiệt hạch, hoặc một thiết bị nổ độc lập.

Trong vai trò thứ 2 này, thủy ngân đỏ sẽ là cơn ác mộng đối với các cơ quan an ninh vì nó không phát ra phóng xạ như thiết bị hạt nhân, và do đó rất khó bị phát hiện.

Trên thực tế, có không ít những hợp chất của thủy ngân có màu đỏ. Phổ biến nhất là thủy ngân sunfua (HgS). Nó tồn tại trong tự nhiên, chủ yếu trong khoáng chất gọi là chu sa.

Một hợp chất thủy ngân có màu đỏ khác là thủy ngân iốt (HgI 2 ). Tuy nhiên cả 2 chất này đều không có những đặc tính “huyền thoại” như những lời đồn đại về thủy ngân đỏ.

Do sức hút của thủy ngân đỏ, nhiều kẻ đã làm giả thứ vật chất này, bằng cách trộn thủy ngân thông thường với màu đỏ, và tiến hành lừa đảo. Trong ảnh là 3 kẻ bán thủy ngân đỏ giả bị bắt ở Bangladesh.

Hầu như mọi nhà khoa học cùng các tổ chức lớn trong lĩnh vực hạt nhân, bao gồm Cơ quan nguyên tử quốc tế (IAEA), và Trung tâm thí nghiệm hạt nhân quốc gia Mỹ Los Alamos, đều bác bỏ sự tồn tại của thủy nhân đỏ.

Một bằng chứng vững khác đến từ những bức điện tín ngoại giao bị rò rỉ bởi Wikileaks. Vào năm 2006, chính phủ Sri Lanka bày tỏ quan ngại với đại sứ quán Mỹ về việc lực lượng phiến quân "Những con hổ Tamil" có ý định mua thủy ngân đỏ.

Tuy nhiên, bộ ngoại giao Mỹ sau đó đã hồi đáp: “Thủy ngân đỏ là một trò lừa đảo rất phổ biến. Vì vậy không có lí do gì để quá lo lắng.”

Có giả thuyết cho rằng thủy ngân đỏ là một câu chuyện được các cơ quan an ninh, tình báo dựng lên để làm mồi nhử các tổ chức buôn lậu vũ khí, hay những nhóm khủng bố đang tìm mua vũ khí hạt nhân trên thị trường chợ đen.

Trong bản nghiên cứu tình báo Jane’s Intelligence Review xuất bản năm 1999 thì dường như Bin Laden cũng đã từng tìm cách mua thủy ngân đỏ.

Mật danh cho thành phần vũ khí hạt nhân ?

Một giả thuyết khác cho rằng thủy ngân đỏ trên thực tế là một mật danh của Liên Xô đặt cho một thành phần trong vũ khí hạt nhân của mình. Theo một số nhà khoa học, thành phần đó chính là đồng vị lithium nặng, nhiên liệu chính của bom nhiệt hạch.

Việc các cường quốc đặt mật danh cho những thành phần trong vũ khí hạt nhân của mình không phải là việc hiếm xảy ra.

Một vụ thử hạt nhân của Mỹ.

Trong thời gian gần đây, báo chí cũng nhiều lần nhắc đến một hợp chất bí mật trong các đầu đạn nhiệt hạch của Mỹ, với mật danh fogbank (Màn sương mù).

“Màn sương mù” được sản xuất trong thời gian từ 1975 đến 1989 và trở thành tâm điểm của công chúng vào khoảng năm 2000 khi quân đội Mỹ quyết định nâng cấp những đầu đạn nhiệt hạch của mình để kéo dài tuổi thọ.

Tuy nhiên, thành phần và quy trình chế tạo “màn sương mù” được giữ bí mật chặt chẽ đến mức ngay cả chính người Mỹ khi đó cũng không thể tìm ra cách sản xuất hợp chất này.

Các nhà khoa học và kỹ sư sau đó phải mất gần 10 năm và ngân sách khoảng 100 triệu USD để có thể phát triển lại quy trình sản xuất “màn sương mù”.

Một số người tin rằng đây là một “chất đệm” trong cấu tạo của đầu đạn nhiệt hạch, và là nguyên liệu tạo ra plasma siêu nóng sau khi quả bom mồi phân rã hạt nhân kích nổ. Plasma siêu nóng này sau đó sẽ có vai trò thúc đẩy phản ứng tổng hợp hạt nhân.

“Thủy ngân đỏ”, nếu thật sự có tồn tại, nhiều khả năng cũng chỉ là mật danh cho một thành phần bí mật trong vũ khí hạt nhân tương tự như “màn sương mù”.

Và khi mà quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân vẫn là một thế giới rất bí mật đối với công chúng thì có lẽ rất lâu nữa sự thật về thủy ngân đỏ mới hoàn toàn được tiết lộ.

Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/quan-su/thuy-ngan-do-huyen-thoai-va-su-that-ii-20160211113142839.htm