Thủy lợi Quảng Trị: Những bước đi vững chắc trong xây dựng và phát triển

Sau ngày giải phóng, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chỉ có 3 công trình thủy lợi: Hồ chứa nước La Ngà, hồ chứa nước Bàu Nhum thuộc huyện Vĩnh Linh, quy mô tưới cho hơn 1.000ha lúa, công trình ngăn mặn Việt Yên do Mỹ - ngụy xây dựng bị hư hỏng vì chiến tranh không sử dụng được, nhiều cánh đồng xác xơ bỏ hoang khi vụ mùa đến, không có nước, đồng khô cỏ cháy, nhiều vùng dân cư vì thiếu nước, đời sống kinh tế khó khăn, thiếu nước dẫn đến nhiều hệ lụy trong đời sống kinh tế - xã hội...

Là một tỉnh do chiến tranh tàn phá nặng nề, lại nằm trong vùng chịu ảnh hưởng đủ loại thiên tai khắc nghiệt: Bão, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn... Để khai thác tiềm năng đất đai, phát triển sản xuất, bền vững trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, công tác thủy lợi được xem là biện pháp hàng đầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, quy hoạch thủy lợi của tỉnh theo hướng: Vùng đồng bằng: Nơi có diện tích đất canh tác tập trung nên xây dựng các hồ, đập loại vừa và lớn, kết hợp xây dựng các trạm bơm để tưới; Vùng trũng Hải Lăng, Là vùng thấp trũng nhiều kênh rạch, để chủ động chống úng bảo vệ sản xuất an toàn trong lũ đầu vụ, lũ sớm và lũ tiểu mãn xây dựng hệ thống đê bao và các trạm bơm tiêu; Vùng gò đồi, miền núi: Đất canh tác phân tán và độ dốc lớn, xây dựng đập dâng, hồ chứa vừa và nhỏ để giải quyết nước cho sản xuất và sinh hoạt; Vùng đồng bằng ven cửa sông, để ngăn mặn, giữ ngọt, chống lũ sớm, lũ tiểu mãn, xây dựng hệ thống đê sông kết hợp hệ thống kênh tiêu úng; Vùng cát, xây dựng hệ thống đê chống cát lấp, cát bay, cát chảy tràn vào nội đồng, đồng thời áp dụng các biện pháp thủy lợi kết hợp nông nghiệp-lâm nghiệp, cải tạo vùng cát thành vùng kinh tế nông - lâm - ngư.

Từ việc quy hoạch tuân thủ nghiêm ngặt của địa hình thực tế một cách khoa học, đồng thời được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế, cùng với sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, sự năng động của Ngành, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 524 công trình thủy lợi các loại được xây dựng, trong đó: Hồ chứa 130 công trình; Đập dâng các loại 213 công trình; Trạm bơm các loại 142 công trình; Các loại công trình tưới khác 25 công trình; Cống và đập ngăn mặn, giữ ngọt 14 công trình và hệ thống kênh mương các loại được xây dựng để phục vụ tưới, tiêu với tổng chiều dài các loại kênh hiện có là hơn 2.125km.

Nhiều công trình ứng dụng công nghệ mới, chất lượng cao, mỹ thuật đẹp được hoàn thành, như công trình đập ngăn mặn Việt Yên, cống xi phông An Tiêm, đập ngăn mặn Sa Lung, hồ chứa nước Hà Thượng. Đặc biệt là công trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng tràn bằng đập cao su loại lớn nhất Việt Nam - công trình đập cao su Nam Thạch Hãn, đập ngăn mặn Sa Lung là công trình kết nối liên hồ chứa…

Hệ thống đê điều và phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai: Trong những năm qua, bằng sự phấn đấu Quảng Trị đã xây dựng được 7km đê biển; 99,6km đê sông; 48,6km đê cát, hơn 40km kè chống xói lở bờ sông; 48km đê bao vùng úng Hải Lăng và trồng hơn 40ha rừng ngập mặn chắn sóng. Thực hiện ngăn mặn, chống lũ sớm, lũ tiểu mãn cho hơn 13.000ha, đảm bảo an toàn khi lũ chính vụ tràn qua. Công trình thủy lợi thủy điện Quảng Trị đã được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng chính thức năm 2008 góp phần phát điện, giảm lũ, điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp trong mùa hạn vùng trọng điểm lúa của tỉnh.

Có thể khẳng định rằng công tác thủy lợi trong những năm qua đã đi đúng hướng, phù hợp với các mục tiêu trong Tái cơ cấu ngành, trực tiếp góp phần rất lớn cho việc ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất nông nghiệp (giống, mùa vụ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…), là yếu tố quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt phương châm “phát triển gắn với bền vững”.

Song song với việc đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý khai thác các hệ thống thủy nông, công tác phòng chống lụt bão đã được quan tâm đúng mức, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và của tỉnh. Đi đôi với việc mở rộng diện tích tưới, chống thoái hóa, bạc màu và sa mạc hóa do cát lấp cát bay, ngành Thủy lợi đã chú trọng đến cấp nước sinh hoạt nông thôn, tạo nguồn cho nước cấp cho sản xuất công nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay đã có trên 85% hộ được cấp nước hợp vệ sinh.

Có được thành tựu hôm nay trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo đầu tư của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp giúp đỡ của các Bộ, Ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân. Đặc biệt là sự nỗ lực của của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động ngành Thủy lợi qua bao thế hệ. Những người đã góp sức lực, trí tuệ, cả máu và nước mắt của mình để có được tài sản quý giá của ngành Thủy lợi Quảng Trị hôm nay.

Lê Đa Sơn
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi & PCLB

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/thuy-loi-quang-tri-nhung-buoc-di-vung-chac-trong-xay-dung-va-phat-trien.html