Thủy điện tác động đến môi trường

VH- Ngày 6.11, tại TP Huế, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Viện Tài nguyên - Môi trường và Công nghệ sinh học (Đại học Huế) tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá tác động của các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi đến tài nguyên và môi trường ở khu vực Bắc Trung Bộ”.

Hội thảo có sự tham gia của gần 100 nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, đại diện các ban, ngành liên quan của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Tăng nguy cơ lũ lụt Việt Nam thuộc nhóm nước có tiềm năng thủy điện cao trên thế giới. PGS. TS Lê Bắc Huỳnh, Phó Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, hiện cả nước đã xây dựng gần 2.000 hồ chứa có dung tích mỗi hồ từ 0,5 triệu m3 với tổng lượng dung tích trữ nước gần 35 tỷ m3, khai thác được trên 4.500 MW điện, chiếm hơn 40% tổng công suất lắp máy của toàn hệ thống điện quốc gia. Thế nhưng hiệu quả cắt giảm lũ của các công trình này là rất thấp hoặc không rõ. Ông Huỳnh cũng cho rằng có quá nhiều thủy điện trên các lưu vực sông khiến các dòng sông tự nhiên đều bị chặt nát, làm mất rừng đầu nguồn khiến đa dạng sinh học bị giảm và gia tăng lũ quét. Dẫn chứng như là công trình Thầu Dầu, Cửa Đạt, Khe Mơ, Hố Hô, Bình Điền, Kẻ Gỗ... Tại Thừa Thiên- Huế, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng những hồ đập ở thượng nguồn sông Hương là những “quả bom nước” treo trên đầu các khu vực đông dân dưới hạ lưu. Việc xây dựng nhiều thủy điện đã làm gia tăng nguy cơ lũ lụt trên địa bàn tỉnh, dẫn chứng là việc thủy điện Bình Điền đã xả lũ cuối tháng 9.2009 làm cho lũ lớn, người dân trở tay không kịp. Thừa Thiên- Huế đã thông qua quy hoạch thủy điện đến năm 2015 bao gồm 12 hồ đập, trong đó riêng sông Bồ có tới 7 hồ đập, thượng nguồn sông Hương có 3 hồ đập thủy điện... Theo ông Nguyễn Đính- Viện Tài nguyên môi trường và phát triển bền vững, lũ lụt trên sông Bồ sẽ căng thẳng hơn sau khi thủy điện A Sáp ở A Lưới đi vào hoạt động vì dòng sông này sẽ phải gánh thêm lượng nước lớn do thủy điện này chuyển từ sông A Sáp sang sông Bồ. Các vùng hạ lưu sông này sẽ bị ngập úng nghiêm trọng hơn, tình trạng xói lở bờ sông cũng sẽ chóng mặt hơn. Ngoài tác động làm tăng nguy cơ lũ lụt thì thủy điện còn gây hạn hán nghiêm trọng. Cụ thể là việc tích nước lòng hồ thủy điện Hương Điền đã làm sông Bồ khô cạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của dân cư các huyện Hương Trà, Phong Điền và Quảng Điền. Thay đổi dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước Nói về những tồn tại, bất cập về môi trường tự nhiên và xã hội trong xây dựng và vận hành các công trình thủy điện ở Thừa Thiên- Huế, ông Nguyễn Đính cho rằng, quá trình thi công xây dựng và chặn dòng tích nước các hồ thủy điện ở Thừa Thiên- Huế đã có những ảnh hưởng nhất định đến chế độ dòng chảy hạ du các con sông. Trước hết là làm suy giảm số lượng và chất lượng dòng chảy ở hạ lưu trong thời gian thi công và tích nước ban đầu. Hầu hết các công trình thủy điện Bình Điền, Hương Điền đều không có thiết kế cống xả cát đáy nên một lượng lớn bùn cát, phù sa bị giữ lại trong lòng hồ. Điều đó không chỉ làm giảm tuổi thọ của hồ chứa mà còn gây ra tình trạng thiếu hụt phù sa, bùn cát ở hạ lưu, gây ảnh hưởng đến hình thái và sinh kế của người dân làm nghề khai thác cát sỏi. Ban Kinh tế & Ngân sách- Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế đã cảnh báo: từ năm 2010 trở đi, tỉnh này sẽ thiếu cát sạn trong xây dựng. Ngoài ra, qua kết quả khảo sát của các nhà nghiên cứu cho thấy, từ tháng 5.2009, nhà máy thủy điện Bình Điền ở thượng nguồn sông Hương súc rửa máy móc từ tháng 5.2009 làm cho man-gan trong nước máy tăng cao, khiến nước do nhà máy nước Vạn Niên cung cấp cho thành phố Huế và các vùng phụ cận bị đục và hôi tanh. Nguồn nước của nhà máy nước Tứ Hạ (huyện Hương Trà) lấy từ sông Bồ cũng có nguy cơ bị nhiễm man-gan vượt mức cho phép khi mà nhà máy thủy điện Hương Điền xả nước phát điện trong thời gian tới. Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp như: rà soát năng lực thiết kế, mức độ an toàn để điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ phòng chống lũ và cấp nước cho hạ du. Loại bỏ khỏi quy hoạch các công trình ở những lưu vực đã có nhiều công trình và những công trình ảnh hưởng đến môi trường. Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch, xây dựng, quản lý vận hành công trình thủy điện. Sớm xây dựng cơ chế, chính sách để tạo sự phối hợp của toàn xã hội tham gia kiểm tra, giám sát, phát hiện những vấn đề môi trường do quy hoạch, xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi... Sơn Trang

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/kinhte/30868.vho