Thương về kỷ niệm

"Tết bây giờ đã đổi thay nhiều. Chị em con mỗi đứa lập nghiệp một phương. Những ngày gần Tết, con càng mong ngóng được về quê".

Ảnh minh họa.

Năm nào cũng vậy, cứ đến giữa tháng chạp mẹ lại gọi điện cho từng đứa đang ở xa quê hỏi chúng con Tết này có về?

Cũng từ lúc ấy, con đếm lùi từng bữa, cho đến khi lốc lịch treo tường chỉ còn lại vài tờ thì lòng rộn ràng với bao niềm vui òa vỡ. Vậy là con sắp được về quê, về với những hoài niệm của những cái Tết tuổi thơ ắp đầy kỷ niệm.

Đó là những cái Tết diễn ra trong muôn vàn khó khăn và thiếu thốn. Mẹ tất bật ngược xuôi, ngay từ khi vụ lúa mùa vừa thu hoạch, con đã thấy mẹ chuẩn bị gạo nếp gói bánh chưng, rồi mẹ sang hàng xóm hẹn ngày đụng lợn. Xong hai việc lớn ấy, mẹ mới thư thái phần nào.

Còn chúng con, qua rằm tháng chạp mà chưa thấy mẹ may quần áo mới là lòng thắc thỏm không yên, sợ mẹ nhiều việc mà quên đi mất. Nhưng mẹ chẳng bao giờ quên, là vì mẹ cũng đang đợi bố mang “tem phiếu” về mới có thể mua đồ sắm tết.

Mẹ xếp hàng cả ngày bên cửa hàng mậu dịch, mà hàng tết nào có gì nhiều nhặn, chỉ là vài mảnh vải bán theo mét, là đôi dép nhựa Tiền Phong, là gói mì chính bằng nửa bàn tay con trẻ….

Đã mua hàng tem phiếu thì làm gì có quyền lựa chọn, vì thế khi thấy mẹ cầm mảnh vải áo về, chị em con ỉu xìu, phụng phịu. Thương con, mẹ lại đi xếp hàng cả buổi để nhuộm vải may áo cho con.

Áo may xong, mặc được mấy ngày tết, ra giêng chiếc áo nhuộm màu hồng cánh sen lại chuyển sang màu trắng ngà đùng đục.

Còn mẹ, tuổi thơ con chưa bao giờ thấy mẹ có bộ quần áo mới để diện mỗi dịp tết đến. Nhưng mẹ vẫn vui, mẹ bảo, so với thời chiến tranh, Tết giờ đã sung túc hơn nhiều.

Tết thời chiến tranh - thời con chưa sinh ra, nhưng những hồi ức mẹ kể đã thuộc nằm lòng trong tâm trí từ lúc con lên chín, lên mười. Cuộc chiến nào cũng có chia ly và nước mắt, và những cái Tết thời chiến ở hậu phương luôn có nỗi buồn lặng thầm của mẹ.

Ngày ấy, tiễn bố vào chiến trường Tây Nam bộ không bao lâu thì giặc Mỹ cũng quay trở ra ném bom miền Bắc, cầu Hàm Rồng bên dòng sông Mã quê mình bị đánh phá ác liệt, dân làng phải bỏ lại nhà cửa bồng bế nhau lên huyện miền núi Như Xuân sơ tán. Những năm đầu tiên ở vùng sơ tán, mẹ và bà đón những cái tết trong khói lửa chia ly.

Tần tảo nuôi chúng con, hầu như chẳng lúc nào mẹ được ngơi nghỉ. Cả năm mẹ chẳng biết đến đôi dép. Hết vào rừng, lên núi lại gánh hàng ra chợ.

Đường rừng trơn trượt, mẹ vừa gánh hàng vừa bấm chặt từng đầu ngón chân xuống mặt đất để đi. Chỉ đến những ngày tết, đôi chân mẹ mới tạm được nghỉ ngơi, mới lại được biết đến đôi dép để qua chúc tết làng xóm, họ hàng.

Nơi vùng rừng núi xa xôi, khoai sắn không thiếu nhưng lại thiếu lúa, thiếu gạo; bởi vậy mẹ và bà quanh năm ăn cơm độn - một hạt cơm cõng tới chín, mười lát sắn, lát khoai.

Ngay cả lúc mẹ ốm nghén vì mang thai chúng con, mẹ chẳng ao ước gì nhiều, chỉ thèm được một bát cơm trắng không phải độn ngô, sắn, vậy mà cũng chẳng thể thực hiện được.

Rồi tết đến, ước mơ nhỏ nhoi đó mới thành hiện thực - bữa cơm ngày Tết đã có cơm trắng để ăn. Vất vả là vậy nhưng mẹ chẳng một lời kêu ca, vẫn trọn nghĩa của đạo làm dâu và vẹn tròn trách nhiệm với lũ con thơ để bố yên tâm công tác. Bao nhiêu cái Tết vân anh tuổi thơ con đã đi qua là bấy nhiêu mùa xuân mẹ hy sinh, chịu đựng.

Tết bây giờ đã đổi thay nhiều, nhưng bà nội thì không còn nữa, bóng mẹ cha cũng ngả về chiều. Chị em con mỗi đứa lập nghiệp một phương. Những ngày gần Tết, con càng mong ngóng được về quê.

Bởi chỉ có về quê, con mới lại được nghe tiếng mẹ, tiếng cha, mới được vỗ về, an ủi sau bao va vấp đường đời. Mẹ ơi, cuộc đời này, nếu có ước muốn, con chỉ mong ước cha mẹ hãy sống mãi với chúng con - thế là nhiều lắm rồi. Con chẳng mong gì hơn thế nữa

Vân Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/thuong-ve-ky-niem-d5835.html