Thực trạng đào tạo nhân lực sư phạm: Xu hướng đa ngành-sư phạm truyền thống bị “lép vế”

Thực trạng đội ngũ nhân lực sư phạm hiện nay là tăng nhanh về số lượng, tuy nhiên yếu tố chất lượng đã bị xem nhẹ; việc tạo cơ chế cho sinh viên ra trường xin được việc làm còn nhiều bất cập... Đó là những ý kiến phản ánh thông qua hội nghị các trường sư phạm trực tuyến ngày 27-8.

Tăng nhanh số lượng, sao nhãng chất lượng Đánh giá về thực trạng chung ngành sư phạm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hệ thống đào tạo sư phạm trên toàn quốc đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chí bổ sung kịp thời lượng giáo viên đạt chuẩn trình độ. Trong tình hình đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng ngành giáo dục, hệ thống đội ngũ giáo viên đã bước đầu có nhiều thay đổi, thích ứng. Tuy nhiên, việc đào tạo giáo viên tại các trường ĐH-CĐ, trung cấp sư phạm vẫn tồn tại nhiều bất cập, chưa đạt sự chủ động trong quy hoạch hệ thống đào tạo; mã ngành đào tạo sư phạm được mở rộng nhưng lại tràn lan, không giám sát được yếu tố chất lượng. Những trường sư phạm đặc thù chưa được quan tâm đúng mức, đội ngũ giảng viên cốt cán chưa tương xứng yêu cầu. Nhằm giải quyết những yếu kém tồn tại, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, chương trình "Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020” sẽ đặt ra quyết tâm nâng cao lượng trí thức, nhân lực chất lượng cao cho ngành sư phạm. Theo đó, đến năm 2020, giáo viên mầm non, tiểu học tối thiểu sẽ có trình độ cao đẳng trở lên, giáo viên trung học có trình độ đại học, trong đó ít nhất 30% có trình độ thạc sĩ trở lên. Đối với đội ngũ giảng viên các trường ĐH sư phạm, đến năm 2015 sẽ đạt ít nhất 25% và đến năm 2020 sẽ đạt ít nhất 50% giảng viên tiến sĩ. Theo ý kiến nhiều đại biểu, việc mở trường ĐH đào tạo đa ngành dựa trên cốt lõi là trường đào tạo chuyên ngành sư phạm đã khiến thương hiệu, chất lượng đào tạo giáo viên ở nhiều trường sa sút. Điển hình, trước kia những trường như ĐH SP Thái Nguyên (đáp ứng nhân lực sư phạm các tỉnh miền núi phía Bắc), ĐH SP Vinh (cánh chim đầu đàu sư phạm miền Trung), ĐH SP Huế, ĐH SP Đồng Tháp (khu vực ĐBSCL)... nay đã đổi thành ĐH đào tạo đa ngành, mà ngành sư phạm đã không còn chiếm vị chí độc tôn. Nguyên nhân một phần cũng bởi các trường sư phạm truyền thống đã bị co cụm, không phát triển được, sẽ "chết yểu”, không lối thoát nếu không chuyển đổi sang đào tạo đa ngành. ĐH sư phạm truyền thống lại càng không thể tự xoay sở với nguồn kinh phí hạn hẹp để đáp ứng nhân lực cho các địa phương đặt hàng. GS, TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ, xu hướng trên đang là điều đáng báo động, sẽ làm ngành sư phạm mất đi sự thu hút. Cần thành lập Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH "Ngày càng ít thí sinh theo học ngành sư phạm vì khó xin việc và thu nhập thấp”, ông Nguyễn Văn Bản, Phó Hiệu trưởng ĐH Đồng Tháp chia sẻ. ĐH Đồng Tháp hiện có 14 khoa và 32 ngành đào tạo, sư phạm chiếm 14 ngành. Khu vực ĐBSCL luôn gặp khó về nguồn tuyển đầu vào sư phạm, phần lớn thí sinh đổ dồn các ngành nghề khác, gây tình trạng mất cân đối lâu nay. Ông Bản đề nghị, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu khắc phục sự mất cân đối này; đồng thời yêu cầu các trường phổ thông, tiểu học, mầm non cung cấp lượng giáo viên còn thiếu để ĐH Đồng Tháp lấy cơ sở đào tạo bổ sung. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Hiệu trưởng ĐH Giáo dục (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, hệ thống giáo dục hiện đào tạo còn thiếu trầm trọng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, thể chất, tinh thần cho học sinh. Một trong những ngành cần xem xét lại là đào tạo giáo viên bậc tiểu học, vì đây là bậc học quan trọng hình thành nhân cách trẻ thơ. PGS.TS Hoàng Văn Cẩn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đề nghị, trước thực trạng phần lớn thí sinh không lựa chọn ngành sư phạm, Bộ GD&ĐT cần có biện pháp thu hút, khuyến khích, đãi ngộ thí sinh giỏi thi vào sư phạm, từ đó mới hy vọng nâng cao chất lượng giáo viên khi ra trường. Trước những ý kiến trăn trở của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, giáo dục truyền thống đạo đức từ xưa đến nay cần chuyển hướng sang giáo dục kỹ năng của người công dân Việt Nam trong thời đại mới, mục tiêu hướng tới năng lực tự học của mỗi người. Vì vậy, đổi mới công nghệ đào tạo trong ngành sư phạm là việc cần phải được thực hiện, triển khai ngay. Phó thủ tướng đề nghị, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành quy hoạch phát triển nhân lực của hệ thống đào tạo trên cơ sở quy hoạch nguồn nhân lực toàn ngành và của từng địa phương. Cần xây dựng cơ chế hình thành các trường phổ thông thành trường vệ tinh của ĐH, vì các trường phổ thông là nơi phản hồi thông tin chính xác nhất để các trường ĐH điều chỉnh lại phương thức đào tạo. Phó Thủ tướng cũng đề cập, đã đến lúc cần hình thành Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH để cùng đưa ra những vấn đề chung, trao đổi kinh nghiệm và cùng bắt tay tháo gỡ vướng mắc. Nguyệt Sinh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=37478&menu=1423&style=1