Thực hư chuyện mua bằng Toefl giá 12,5 triệu đồng

(SVVN) “Mình có thể làm được bằng TOEFL ITP với số điểm từ 400 trở lên, dành cho những bạn có nhu cầu học cao học, đi du học theo Đề án 322, nghiên cứu sinh, hoặc đi học tại các trường quốc tế tại Việt Nam. Đảm bảo bằng thật 100%...” – Lời quảng cáo này được đăng tải trên khá nhiều các trang web trong thời gian gần đây. Bạn có thể nghĩ gì ngoài… sửng sốt?

Đi mua… bằng quốc tế Đóng vai một sinh viên năm nhất chuẩn bị du học, phóng viên Sinh viên Việt Nam đã gọi điện đến số điện thoại đăng kèm trên lời quảng cáo rao bán bằng TOEFL ITP. Trả lời điện thoại là một cậu thanh niên còn rất trẻ, sinh năm 1987, tên là T.A. T.A cho biết đã làm công việc này khá lâu, trước đây, chủ yếu là bán bằng ngoại ngữ A, B, C còn bây giờ chủ yếu là nhận làm bằng TOEFL vì “những bằng như A, B, C bây giờ làm rẻ lắm, có vài trăm nghìn/chiếc nên làm cũng chẳng bõ”. T.A khuyên chúng tôi nên “mua” bằng với số điểm là 500 – 550 với mức giá là 12,5 triệu đồng. Giá một tấm bằng TOEFL không chỉ phụ thuộc vào số điểm mà người mua đặt ra, mà còn phụ thuộc vào số tuổi của người mua. Nếu người mua tuổi càng lớn thì giá của tấm bằng sẽ càng cao. Giải thích về điều này, T.A đưa ra rất nhiều lý do như: lớn tuổi thì khả năng học tiếng Anh kém nên nếu thi điểm cao quá sẽ dễ bị nghi ngờ, khó tìm người đến làm bài thi hộ… Thêm nữa, nếu là nữ thì giá mua bằng cũng cao hơn một chút, và lý do cũng là “khó tìm người đi thi hộ”. Quá trình mua bán sẽ bắt đầu nếu người mua đặt trước 5 triệu đồng và giao CMND. Khi giao tiền, sẽ viết một giấy vay nợ, coi như phía người bán vay của người mua 5 triệu đồng. Khi nào có bằng, T.A sẽ chủ động liên lạc lại, hai bên sẽ gặp nhau để nhận bằng và giao nộp số tiền còn lại, đồng thời, người bán sẽ… hủy CMND đã nhận của người mua, còn người mua sẽ phải đến cơ quan công an trình báo là mất CMND để làm CMND mới. Như để tạo sự tin tưởng hơn, T.A còn khẳng định đây là bằng thật 100% nhưng chỉ có điểm là giả và đây là bằng do ETS (Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ) cung cấp. Nếu người mua không tin, khi có bằng thì có thể đến C9 Giảng Võ (văn phòng của viện này) để trực tiếp lấy bằng và kiểm tra. Như vậy, có thể hiểu, tấm bằng TOEFL mà T.A đang rao bán là do Viện Giáo dục Quốc tế - IIE Việt Nam cung cấp? Hỏi thêm về giá bán của bằng TOEIC và IELTS, T.A cho biết: do TOEIC có giá trị xin việc, còn IELTS thì quản lý quá chặt chẽ nên giá bán của nó cao hơn rất nhiều so với bằng TOEFL. Và cũng vì lý do đó mà hiện nay T.A không còn bán 2 loại bằng này nữa. Cần có cơ quan điều tra vào cuộc IIE có mặt tại Việt Nam từ năm 1997, còn IIG mới vào Việt Nam từ năm 2000 và được phép cấp bằng TOEFL từ tháng 1/2006. Như vậy là trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2006, IIE trở thành nơi độc quyền cấp bằng TOEFL tại Việt Nam và đã cấp hàng trăm chứng chỉ TOEFL cho sinh viên Việt Nam. Trong khi đó, theo Đề án 322 của Bộ GD-ĐT, trường hợp có chứng chỉ TOEFL 550 điểm hoặc 6.0 IELTS và còn thời hạn giá trị không phải dự kiểm tra tiếng Anh (chứng chỉ TOEFL quốc tế hoặc TOEFL nội bộ do Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ IIE cấp). Khi được biết thông tin có bằng TOEFL được rao bán trên thị trường, Cục Đào tạo với nước ngoài, đơn vị điều hành Đề án 322, tỏ ra khá bất ngờ và bức xúc. Ông Trương Duy Phúc, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD – ĐT, cho biết: “Nếu đúng theo như lời rao bán trên mạng đã nói thì đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng và cần có cơ quan điều tra vào cuộc”. Cũng theo ông Phúc cho biết, từ khi Đề án 322 ra đời cho đến nay (4/2000) chưa có trường hợp nào bị phát hiện là bằng TOEFL giả. Nếu Bộ GD-ĐT đồng ý xét duyệt hồ sơ của sinh viên nào, thì giáo sư của trường đối tác sẽ sang Việt Nam và trực tiếp phỏng vấn sinh viên đó, nên đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định trình độ ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam đi du học theo Đề án 322 là thực lực. Năm 2007, trong số 18 sinh viên Việt Nam du học theo Đề án 322 phải về nước là vì lý do sức khỏe như không hợp thời tiết, múi giờ… không có trường hợp nào là do ngoại ngữ yếu kém. Chị Nguyễn Thị Thu Trang (Testing Officer, Viện Giáo dục quốc tế - IIE Việt Nam): “Chúng tôi rất bức xúc khi biết thông tin này. TOEFL ITP là bằng nội bộ, được phép chấm điểm tại Việt Nam, nhưng vì chấm bằng máy nên không thể có chuyện chạy điểm. Nhưng nếu đi thi hộ, thì rất khó, vì chúng tôi chỉ có thể đối chiếu với thí sinh qua ảnh CMND, giấy phép lái xe thôi. Vì kiểm tra bằng mắt thường nên không thể nào là tuyệt đối. Đã có trường hợp một người đến đăng ký hộ nhiều người và khi chúng tôi gửi mail thông báo thì mail bị gửi lại, vì đó là địa chỉ email “ma”. Nếu là một cơ quan đăng ký cho nhiều người thì chúng tôi thường có form sẵn, làm hóa đơn và tài khoản chuyển tiền một cách cẩn thận. Đến nay, đã có 2 trường hợp như vậy xảy ra và chúng tôi đã tiến hành điều tra sự việc. Về bài thi thì chúng tôi chỉ rà soát, kiểm tra lại về thí sinh khi có đơn vị nào đó yêu cầu. Còn những thông tin về thí sinh chúng tôi cũng không lưu giữ nhiều, bởi giá trị của bằng TOEFL là có thời hạn (2 năm) nên có lưu giữ lâu cũng vô nghĩa”. Tại Việt Nam hiện nay có 2 đơn vị được phép cấp chứng chỉ TOEFL là IIE Việt Nam (Viện Giáo dục Quốc tế) – một tổ chức phi lợi nhuận, có địa chỉ tại C9 Giảng Võ, và Công ty IIG Việt Nam, có văn phòng đặt tại 75 Giang Văn Minh, HN. Hai đơn vị này đều là đại diện của ETS (Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ) tại Việt Nam. Thu Phương

Nguồn SVVN: http://www.svvn.vn/vn/news/giaoduc/2221.svvn