Thực hiện nghiêm Quy chế văn hóa công sở

Nhằm xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, ngày 2-8-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế Văn hóa công sở. Sau gần hai năm thực hiện Quy chế, phong cách và thái độ làm việc của cán bộ, công chức ở nhiều cơ quan nhà nước đã có những chuyển biến rõ rệt. Cán bộ, công chức đã đeo thẻ khi làm việc, không hút thuốc lá, không uống bia, rượu; trong giờ làm việc, các công sở đều bố trí người và nơi trông giữ xe cho người dân khi đến giao dịch.

Tuy nhiên, tình trạng cán bộ, công chức bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết công việc sai quy định hoặc thiếu nhiệt tình trong việc tiếp công dân vẫn xảy ra ở nhiều cơ quan. Điều này làm cho người dân ngại tiếp xúc, chỉ muốn thông qua người quen để giải quyết công việc cho nhanh. Nhiều công sở vẫn thu tiền giữ xe của người đến giao dịch. Về việc giao tiếp, ứng xử với nhân dân, Quy chế Văn hóa công sở đã quy định: Cán bộ, công chức, viên chức phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc; không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ. Song thực tế, vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức hướng dẫn, giải thích công việc một cách lòng vòng, khó hiểu, thái độ làm việc miễn cưỡng, chưa thật sự nhiệt tình tiếp dân. Người dân vẫn bị phiền hà, sách nhiễu mỗi khi có việc phải đến công sở, khiến cho họ có cảm tưởng như phải quỵ lụy, xin xỏ. Thiết nghĩ, việc thực hiện Quy chế Văn hóa công sở sẽ không thể đạt kết quả cao nếu các đơn vị chỉ thực hiện theo kiểu hô khẩu hiệu hoặc quy định rồi bỏ đó. Cần có những tiêu chí cụ thể phù hợp điều kiện của cơ quan, tổ chức để mọi người phấn đấu; cần có thưởng, phạt cụ thể, đúng mức đối với những người làm tốt và chưa tốt. Đồng thời, đưa ra thảo luận thường xuyên trong cơ quan về nội dung của quy chế để mọi người dần có ý thức, tạo thành nền nếp, thói quen.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=151222&sub=54&top=37