Thuật thôi miên - Những câu chuyện thần bí

U mê trước người lạ, tiết lộ những bí mật sâu kín nhất trong tâm can, hành động vô thức theo sự dẫn dắt và điều khiển của kẻ khác,... đó là một số biểu hiện của những người chịu tác động của thuật thôi miên. Vốn có lịch sử rất lâu đời nhưng cho đến giờ giới khoa học vẫn chưa có được những giải thích thật đầy đủ về mặt khoa học cũng như những sự kỳ lạ của nó. Chính vì sự huyền bí ấy mà từ xưa đến nay nhiều kẻ đã làm biến tướng và lợi dụng thuật thôi miên với những động cơ xấu.

Gần đây, tại Việt Nam lại rộ lên câu chuyện mang màu sắc "thôi miên" và cả những vụ lừa đảo được cho là núp dưới cái vỏ "thôi miên" gây ra nhiều hoang mang trong xã hội. Cùng với loạt phóng sự đã đăng tải về hiện tượng này, Chuyên đề ANTG xin được cung cấp thêm cho bạn đọc những câu chuyện ly kỳ của thuật thôi miên cũng như những trò lừa đảo bịp bợm lợi dụng thôi miên đã từng sử dụng trên thế giới. Với những người bình thường không có chuyên môn thì những khái niệm về thôi miên khá phức tạp và có phần mơ hồ. Chẳng hạn, theo định nghĩa của Từ điển mở Wikipedia thì: "Thôi miên là một quá trình mà trong đó các chức năng suy nghĩ có ý thức của đầu óc bị qua mặt và một dạng suy nghĩ cảm nhận có chọn lọc được thiết lập. Mặc dù có một số người trải qua kinh nghiệm về sự thay đổi trạng thái của nhận thức và dễ bị thuyết phục hơn, điều này không đúng cho tất cả mọi người. Thực ra, một số dấu hiệu của sự thôi miên và sự thay đổi khách quan có thể đạt được mà không cần sự nghỉ ngơi hay một quá trình thôi miên lâu dài, một điều làm tăng tính nghi ngờ và nhiều sự hiểu lầm về thôi miên và trạng thái bị thôi miên". Người ta vẫn thường nói: “Thôi miên dễ mô tả hơn là giải thích”. Quả là đúng vậy. Theo cách hiểu đơn giản nhất thì thuật thôi miên là một nghệ thuật có thể làm thay đổi hoặc kiểm soát trạng thái tinh thần của một người đến mức người đó phải làm theo các chỉ thị của người thôi miên. Khi một người bị thôi miên, anh ta sẽ bước vào một trạng thái hôn mê giống như một giấc ngủ nhưng tâm trí vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Tuy nhiên trong trạng thái này, anh ta thụ động và rất dễ bị ảnh hưởng. Theo sự dẫn dắt của nhà thôi miên, người bị thôi miên sẽ thi hành các chỉ thị, tiết lộ các bí mật sâu thẳm từ tiềm thức. Có nhiều nghiên cứu cho rằng, con người không thể bị thôi miên để làm những điều ngược lại với ý chí của mình, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta có thể quên rằng, sự điều khiển của những nhà thôi miên tiềm ẩn những khả năng rất nguy hiểm. Xuất xứ của thuật thôi miên Vào năm 1778 tại Paris, bác sĩ nội khoa người Đức Franz Anton Mesmer đã hé mở tấm màn che phủ hiện tượng thôi miên mà chính ông cũng không hề hay biết. Ông nổi tiếng về việc chữa bệnh cho các bệnh nhân của mình bằng phương pháp "đặt nam châm". Những người bệnh được Mesmer cho ngồi vào trong một chiếc bồn tắm mà ông gọi là cái "tủ ma" trong đó đã được đặt những thanh nam châm lớn để trị bệnh. Mesmer giải thích đó là do tác động của "chất lỏng từ". Tuy nhiên, khi Viện Hàn lâm Khoa học Paris điều tra hoạt động của ông, các nhà khoa học đã ghi kết luận: "Không có gì chứng minh cho sự tồn tại của chất lỏng từ; như vậy, thứ chất không hề tồn tại này không thể mang lại lợi ích gì được". Thật ra Mesmer ban đầu vẫn tin chắc rằng thứ "chất lỏng" như thế là có thật. Tuy nhiên, trong quá trình chữa chạy cho nhiều bệnh nhân, ông phát hiện ra một số trường hợp ông đã chữa cho họ mà chẳng cần có nam châm gì hết. Sự thuyên giảm bệnh và bình phục đến ngay tức thì sau khi ông nhìn người bệnh và nói chuyện với người đó về bệnh tật. Thậm chí, đã từng có lần sau khi tới gặp "thầy thuốc Mesmer vĩ đại", những người điếc hay mất giọng như có phép thần thông biến hóa đã lấy lại được giọng nói và khỏi điếc, mặc dầu họ đã không chịu tác động của nam châm. Vậy sự thật là thế nào? Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Mesmer quả quyết rằng không phải nam châm, mà chính ông là vật chứa "từ trường động vật" có tác dụng chữa bệnh. Khi truyền nó sang người khác, ông đã giúp họ chiến đấu với bệnh tật. Trong những lần chữa bệnh bằng từ trường, Mesmer và các môn đệ của mình đã chạm trán với một hiện tượng lạ lùng. Thường thì bệnh nhân của ông là những người có thần kinh yếu và bệnh hoạn, họ phản ứng lại việc chữa trị bằng các chứng co giật, thậm chí đôi khi bằng những cơn điên loạn. Thế nhưng, lần đó anh chàng bệnh nhân trẻ tuổi bỗng nhiên ngủ thiếp đi ngon lành trong lúc được xoa bóp. Người bệnh ngủ say đến mức đánh thức hay lắc anh ta thế nào cũng vô hiệu. Nhưng khi thầy thuốc bất thình lình ra lệnh cho anh ta đứng dậy, người bệnh liền nhỏm dậy và đi vài bước trong khi hai mắt vẫn nhắm nghiền. Anh ta xử sự hoàn toàn như lúc tỉnh, nhưng trong khi đó giấc ngủ vẫn tiếp tục. Thật ngạc nhiên là khi thầy thuốc cố nói chuyện thì anh chàng nông dân trả lời hoàn toàn khôn ngoan và rành rọt. Mesmer lặp lại thí nghiệm và nhận thấy họ gây ra được một trạng thái giống hệt như vậy ở những người khác. Ông bèn tiếp tục tiến hành cái gọi là ám thị sau thôi miên, tức là sai khiến người đang ngủ thực hiện một loạt những hành động nhất định sau khi đánh thức dậy. Và những người bệnh thực hiện điều mà người ta đã ám thị cho họ trong giấc ngủ "từ". Thôi miên liệu có phải là một tình trạng đặc biệt của não? Những nghiên cứu tiếp theo về hiện tượng thôi miên gắn liền với tên tuổi một bác sĩ phẫu thuật người Anh James Braid. Thực ra, lúc đầu ông này tỏ thái độ rất hoài nghi với thuyết từ của Mesmer và các môn đệ, nhưng sau một thời gian nghiên cứu Braid đã tin vào tính xác thực của các hiện tượng thôi miên. Sau này ông đã thay đổi thuật ngữ "từ trường động vật" bằng thuật ngữ hiện đại "hypnotism" (thôi miên) (từ tiếng Hy Lạp "Hypnos" nghĩa là ngủ). Ông cũng chính là người đầu tiên sử dụng thôi miên để làm giảm đau trong phẫu thuật và thấy rằng, thôi miên có tác dụng hơn cả là trong việc chữa những chứng bệnh thần kinh khác nhau, đặc biệt là các chứng rối loạn ixtêri như tê liệt, bệnh điếc do tâm thần, chứng mù và câm. Tiếp theo Mesmer và Braid, vào cuối thế kỷ XIX, Sigmund Freud đã nghiên cứu và sử dụng thôi miên để điều trị các bệnh nhân của ông trong những ngày mới bước vào nghề. Sau này, Freud tiếp tục khảo sát ký ức lãng quên của các bệnh nhân và ông quyết định không sử dụng thuật thôi miên là một hình thức điều trị nữa. Ông cho rằng, điều khiển một bệnh nhân đang đau đớn như chứng co giật chẳng hạn, hãy ngừng lại khi đang bị thôi miên thì chẳng khác gì như điều trị bệnh sởi mà đem quết lớp sơn phủ lên đốm sởi. Điều cốt lõi là điều trị từ nguyên nhân tiềm ẩn của rối loạn đó chứ không phải loại trừ các triệu chứng. Và Freud hiểu rằng, cũng không phải bệnh nhân nào cũng dễ dàng bị thôi miên. Những điều huyền bí Mặc dù từ khi khám phá và biết đến thôi miên đã hơn 200 năm trôi qua nhưng câu chuyện về thôi miên vẫn là một câu hỏi bí ẩn kích thích tò mò không chỉ với những người bình thường mà cả với giới khoa học. Trên toàn cầu, hàng triệu người đã từng thực tập thuật thôi miên, và hàng triệu người khác đã xác nhận rằng họ đã bị thôi miên. Mỗi nhà thôi miên có những phương pháp khác nhau, nhưng theo họ tất cả các phương pháp này đều có một vài điều kiện tiên quyết cơ bản: 1 - Đối tượng phải tự nguyện và có ý muốn được thôi miên. 2 - Đối tượng phải tin rằng mình có thể bị thôi miên. 3 - Đối tượng phải hoàn toàn cảm thấy thư giãn và thoải mái. Khi những tiêu chuẩn này đã được đáp ứng, nhà thôi miên có thể sử dụng một số phương pháp khác nhau để dẫn dắt đối tượng vào trạng thái bị thôi miên. Các nghiên cứu cho thấy, dường như có một số người dễ bị thôi miên hơn những người khác. Những người giàu óc sáng tạo dễ trở thành người bị thôi miên hơn những người khác, phụ nữ dễ bị thôi miên hơn đàn ông và trẻ em trong độ tuổi 8-12 là dễ bị thôi miên nhất. Do đó, dường như tính dễ bị ám thị sẽ giảm theo tuổi. Người ta đặt câu hỏi: Thôi miên liệu có phải là một tình trạng đặc biệt của não? Đã xảy ra một cuộc tranh luận căng thẳng giữa hai trường phái. Một bên thì tin rằng, những người bị thôi miên cơ bản là đóng kịch, tức là họ đã hợp tác với nhà thôi miên để cùng "diễn" theo một kịch bản sẵn có do người thôi miên đặt ra. Còn quan điểm phía bên kia lại cho rằng, trạng thái bị thôi miên là trạng thái của não bị cắt đứt hoặc tách rời khỏi sự tỉnh táo bình thường. Thuyết này dường như được chứng minh thêm bằng các thí nghiệm mới đây khi các nhà khoa học cho một số sinh viên ngồi trước màn hình tivi có lóe ra những tia sáng như những tia bình thường phát ra những phóng điện trong não. Tuy nhiên, những sinh viên này đã được thông báo rằng có một cái hộp đang cản những tia sáng đó. Kết quả nghiên cứu cho thấy sóng não trong vùng thị giác của não các sinh viên bị giảm đáng kể. Một giờ giảng về thôi miên ở thế kỷ XIX. Mới đây Michael Posner - Giáo sư thần kinh học tại Đại học Oregon (Mỹ) và các đồng sự đã ghi lại những thay đổi trong quá trình xử lý thông tin của não người. Thường thì thông tin mà cơ thể nhận được sẽ được chuyển đến vùng cảm giác sơ cấp trong não để từ đó lại được chuyển lên những vùng chức năng cao hơn, nơi diễn dịch thông tin. Kết quả nghiên cứu cho thấy rất ngạc nhiên là lượng thông tin chuyển xuống nhiều gấp 10 lần lượng thông tin chuyển lên, cũng có nghĩa là những gì con người nhìn, nghe thấy và tin vào là dựa trên quá trình xử lý thông tin từ trên xuống. Người ta cho rằng, các dữ liệu ở mức xử lý sơ cấp có thể bị ghi đè lên phụ thuộc vào các kết quả diễn dịch thông tin của trung tâm xử lý thông tin cao nhất và mô hình này cũng giải thích vì sao thôi miên, với bản chất là tạo ra một quá trình xử lý thông tin từ trên xuống, có thể gây ra ám thị mạnh mẽ. Còn Tiến sĩ - Giáo sư thần kinh học Amir Raz tại Đại học Columbia lại nghiên cứu tác dụng của thôi miên bằng cách sử dụng bài test Stroop. Ông cho 16 người, trong đó một nửa là những người rất dễ, nửa kia là những người rất khó bị thôi miên, nhìn những chữ cái ghi tên các màu nhưng lại có màu trái ngược với nghĩa của chúng. Sau khi ám thị cho họ rằng, đó là những từ tiếng nước ngoài mà họ không hiểu, ông yêu cầu họ ấn vào nút chỉ màu thật của chữ cái. Ta biết rằng, người biết chữ luôn có phản xạ phải đọc trước khi ấn nút nên mất thời gian giải quyết sự xung đột thông tin. Kết quả thí nghiệm cho thấy, với những người dễ bị thôi miên, hiệu ứng Stroop không còn, họ có thể chỉ ra màu ngay lập tức. Còn với những người khó bị thôi miên, hiệu ứng Stroop thắng thế, khiến họ chậm hơn. Bản phim chụp não của hai nhóm được so sánh với nhau đã cho thấy sự khác biệt. Trong nhóm dễ bị thôi miên, vùng thị giác trong não thường mã hóa các chữ cái hiển thị và vùng não chuyên dò tìm những xung đột thông tin đã không hoạt động. Quá trình xử lý thông tin từ trên xuống đã áp đảo việc xử lý của não (đọc và xử lý thông tin trái ngược nhau) theo đúng trình tự từ dưới lên, nhưng chính xác điều đó xảy ra như thế nào hiện vẫn còn là điều bí ẩn

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosointepol/2011/1/74398.cand