Thuật bùa chú và khí công

Bùa chú là một bí thuật ra đời từ xa xưa và được sử dụng thường xuyên trong xã hội nông nghiệp truyền thống. Dưới ánh sáng khoa học ngày nay, nói đến bùa chú khiến người ta không tránh khỏi cảm thấy mê tín, lạc hậu…

Nhưng mấy ngàn năm qua, bùa chú không vì xã hội tiến bộ mà bị đào thải, hẳn là nó có ý nghĩa và giá trị đặc biệt nào đó. Cho đến nay, nhất là ở các nước châu Á, trong các lễ động thổ, xây nhà, khai trương, cầu tự… nhiều người vẫn tìm đến đạo quán, miếu mạo xin một đạo bùa cầu mong mọi sự tốt lành. Các võ sĩ Thái Lan, Campuchia… thường ngậm hoặc vẽ bùa trên người để tăng cường khả năng chiến đấu. Kỳ thực, ở Trung Hoa, bùa chú khởi thủy không phải là tà thuật mà là một dạng khí công mang sắc thái tôn giáo. Đạo giáo Trung Hoa sử dụng bùa chú từ rất lâu đời và xem đây như là một trong các phương thức truyền đạo, thu phục tín đồ hiệu quả nhất thông qua công năng chữa bệnh, đuổi tà. Bùa chú là phương thức trị bệnh được đề xướng đầu tiên trong “Thái bình kinh”, bệnh nhân phải đeo trong người hoặc uống các lá bùa Minh đường, Ngũ thần vẽ bằng chu sa để “trừ bệnh tật, khai thông đường đạo”, đây là một liệu pháp của Đạo giáo dựa trên sự kết hợp giữa khí công-y dược-tự kỷ ám thị. Bùa vẽ trên người một võ sĩ Thái Thuật bùa chú có linh nghiệm hay không là do công phu tu luyện nội ngoại khí công và khả năng phát công của đạo sĩ vẽ bùa. Một tấm bùa có 2 tác dụng là tích trữ khí và truyền thông tin, tương tự như môn khí công-thư pháp. Người giỏi khí công khi viết thư pháp luôn phóng ra một trường khí trên giấy, trường khí này có ảnh hưởng nhất định đến vật chất xung quanh mà mức độ tùy thuộc vào công lực người viết. Các đại sư khí công Trung Hoa hiện nay như Nghiêm Tân, Chu Hạc Đình có thể phóng khí vào chữ viết để trị bệnh, là theo quy luật này. Các đạo sĩ khi luyện bùa đều phải trai giới, thành tâm, tập trung tư tưởng, vận khí, thổi khí… những thao tác bắt buộc này là để phát ngoại khí, truyền tải thông tin ra những dòng chữ trên giấy. Bùa chú và luyện tâm Lý Thiết Bút, tác giả cuốn “Linh phù hiển linh quang” nổi tiếng Trung Quốc, cho hay, nguyên động lực của vẽ bùa là ở hai chữ “Thành” và “Tín”. Thành là thành tâm thực ý, chí thành thì linh, động đến trời đất; tín là tin tưởng hết lòng, tự nhiên sáng suốt, pháp lực vô cùng. Đó là một dạng tĩnh công. Lòng tĩnh lặng thì tạp niệm tiêu trừ, tà niệm không sinh, ác niệm không khởi, tâm-thần-khí-lực hợp nhất. Mặt khác, để lá bùa trị bệnh hiệu nghiệm, các đạo sĩ phải biết kết hợp với tri thức y dược học. Các nhà khoa học Trung Quốc đã khám phá ra rằng các loại giấy, mực để vẽ bùa của các đạo sĩ là có công dụng trị bệnh theo đông y. Chẳng hạn, giấy ma chỉ có tác dụng cầm máu, giấy thanh chỉ làm lành vết thương, giấy thảo chỉ làm tan khối u… Các loại chu sa, hùng hoàng dùng vẽ bùa là các dược liệu có tác dụng dưỡng thần, trấn kinh… và còn rất nhiều phương pháp phối dược khác tùy theo trình độ của đạo sĩ. Bùa chú và tâm lý Mức độ linh nghiệm của bùa chú còn phụ thuộc vào khả năng nắm bắt liệu pháp tâm lý và tự kỷ ám thị của đạo sĩ hay thầy pháp. Người giỏi khí công hoặc có công năng đặc biệt lại biết lợi dụng sức mạnh của dược liệu và ý niệm để chữa bệnh thì hiệu quả rất cao, nhưng dạng này rất hiếm gặp. Có nhiều trường hợp thầy pháp không biết gì cả, chỉ áp dụng phương thức đốt bùa đọc chú sơ sài nhưng bệnh nhân vẫn khỏi bệnh. Mấu chốt nằm ở chỗ thầy pháp đã vận dụng liệu pháp tâm lý và tự kỷ ám thị để chữa bệnh, giải trừ tai họa… Nghiên cứu của tâm lý học cho thấy, trong con người luôn tồn tại dạng năng lực ám thị phổ biến. Trong tình huống không đối kháng, con người sẽ bị ảnh hưởng thông qua ngôn ngữ, ý đồ, biểu lộ, hành vi, ám hiệu của người khác, thể hiện trực tiếp qua hệ thống thần kinh thực vật, như khiến xuất mồ hôi, tim đập nhanh, ảo giác… Hiện tượng ám thị này chúng ta thấy rõ ràng nhất qua một ca khúc, nếu được một ca sĩ nổi tiếng hát thì phạm vi lan tỏa của nó rất rộng. Mặt khác, nhân tố tâm lý sẽ có tác động rõ rệt đến sinh lý. Nếu cơ thể nhận được ám thị tâm lý tích cực thì cảm thấy tâm tình thoải mái, ngược lại nếu bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực sẽ phiền não, u uất, từ đó tác động đến hành vi. Các đạo sĩ chuyên nghiệp trong quá trình vẽ bùa niệm chú đã gây tác động ám thị tâm lý rất mạnh đến tín đồ. Vì vậy có thể nói một trong những thành quả nghiên cứu nhân thể của người xưa cũng là mặt khoa học của thuật bùa chú. Hàn Phong

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/thethao/pages/201009/20100223082744.aspx