Thừa Thiên - Huế: Giao dịch vàng ế ẩm

PNO - Trưa 11/1, Khảo sát trên 20 điểm kinh doanh vàng tại chợ Đông Ba, thành phố Huế, điều dễ nhận thấy các cửa hàng vàng không còn đông kẻ bán người mua như trước đây.

Bà Lương Thị Thu Hằng chủ tiệm Rừng Vàng cho biết: Sau khi chính phủ ban hành quy định các cơ sở kinh doanh lẻ không được kinh doanh vàng miếng, cửa hàng buôn bán rất ế, từ sáng đến giờ không có một khách hàng nào đến đổi, mua nhẫn trang sức. Trong khi cùng thời gian này năm ngoái tình hình kinh doanh rất rộn rịp. Không riêng tiệm Rừng Vàng, các quầy kinh doanh vàng khác tại chợ Đông Ba như Huế Vàng, Sao Vàng, Kim Phát, Bảo Ngọc, Hồng Quý… cũng rất ế ẩm.

Các quầy kinh doanh vàng ở chợ Đông Ba ế ấm

Qua hơn hai tiếng khảo sát các cửa hàng vàng ở chợ Đông Ba, chúng tôi nhận thấy một số chủ tiệm vàng cố tình “không biết” việc cấm kinh doanh vàng miếng ở những cơ sở nhỏ lẻ, nên khi chúng tôi “ngỏ ý” mua ít lượng vàng miếng thì một số cửa hàng hứa nếu chiều mai đến lấy sẽ được giảm 100 nghìn đồng/ lượng so với mức giá các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng tại Huế. Trong lúc đó giá vàng tại các quầy kinh doanh vàng ở chợ Đông Ba giao động từ 4,2 đến 4,3 triệu đồng/1 chỉ vàng 9999.

Theo lời bà Tôn Nữ Thị Quyên, chủ tiệm vàng Bòn - Bến Ngự, trước đây mỗi lần giá thế giới “chạy” chừng chục USD, giá trong nước cũng “chạy” theo vài trăm ngàn đồng/lượng. Nhưng tuần qua có ngày, giá thế giới tăng mấy chục USD mà giá vàng trong nước cũng chỉ tăng vài trăm ngàn đồng/lượng.

Việc không cho phép các cửa hàng, đơn vị nhỏ lẻ kinh doanh vàng miếng khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân, cửa hàng kinh doanh vàng bạc có uy tín ở Huế gặp rất nhiều khó khăn. Bà Hoàng Xuân Thảo, chủ DN kinh doanh vàng Thuận Thành-Duy Mong tâm sự: "Thương hiệu vàng Duy Mong trước nay vẫn được coi là uy tín và được nhiều người tiêu dùng ở Huế lựa chọn nhưng hiện tại, chiếu theo những quy định của NĐ24, DN này lại khó đáp ứng đủ điều kiện. Bên cạnh đó, cũng sẽ có nhiều tiệm vàng khác như tiệm của chúng tôi không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng vì không đủ vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong hai năm liên tiếp gần nhất.

Không chỉ có các cửa hàng “phi SJC” mà ngay cả chi nhánh của Công ty SJC tại Thừa Thiên - Huế cũng ít sôi động, cả lực mua vào và bán ra đều chậm. Theo bà Nguyễn Thị Nễ, Quyền Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Đà Nẵng tại Thừa Thiên - Huế, với quy định này, phần lớn các ngân hàng thương mại (NHTM) có đủ điều kiện hoạt động kinh doanh vàng miếng. Điều này giúp cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dễ dàng hơn trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, với NHTM chưa tham gia vào thị trường vàng chưa chắc đã “mặn mà” với loại hình kinh doanh này, bởi hoạt động kinh doanh vàng cần có chuyên môn, hệ thống riêng và đặc biệt phải có nghiệp vụ để quản lý rủi ro.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng trên dưới 100 hộ kinh doanh vàng nhỏ lẻ. Nếu chiếu theo NĐ24, số hộ được tiếp tục kinh doanh sẽ “đếm trên đầu ngón tay”, bởi những tiệm vàng này vốn nhiều nhất cũng không vượt quá chục tỷ đồng. Phần lớn các tiệm vàng ở Huế hiện nay sẽ không còn được kinh doanh vàng miếng nữa mà phải chuyển sang kinh doanh nữ trang nếu không muốn “đóng cửa”.

Bắt đầu từ ngày 10/1, hoạt động buôn bán vàng miếng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ diễn ra tại 24 điểm thuộc 7 chi nhánh ngân hàng
(Eximbank, Dong A bank, Techcombank, Sacombank, ACB, VP bank, Maritimebank) và 2 công ty cổ phần ( Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji).

THUẬN HÓA

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/doi-song/thua-thien-hue-giao-dich-vang-e-am/a83876.html