Thủ tướng Nhật đang xây "vòng cung" quanh Trung Quốc?

Trong bối cảnh ­căng thẳng trên biển Hoa Đông ngày một leo thang, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ráo riết thiết lập quan hệ gần gũi hơn với các nước Đông Nam Á, củng cố quan hệ với đồng minh Mỹ và bắt tay với các đối tác mới như Nga, Ấn Độ… nhằm thiết lập một “chiếc thòng lọng” treo lơ lửng trên đầu Trung Quốc.

Theo bài viết của tác giả Raja Mohan – một học giả Ấn Độ đăng trên tờ “The Indian Express”, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không hề giấu diếm ý đồ này của mình nhằm chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự có thể nổ ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngay trong năm 2013 bởi vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngay từ khi mới nhậm chức Thủ tướng, ông Abe đã tuyên bố một cách rất dứt khoát: “ Senkaku là của Nhật Bản! ” đồng thời cam kết sẽ tăng ngân sách cho quốc phòng và an ninh quốc gia.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Phát biểu trên tờ “Yomiuri”, ông Abe cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường liên minh lâu đời với Mỹ và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với đối tác mới với Ấn Độ, Indonesia, Australia. Nhật Bản hiện đã có các tuyên bố chính thức về hợp tác an ninh với Ấn Độ và Australia và cũng đang hy vọng sẽ có một mối quan hệ tương tự như vậy với Indonesia.

Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi trước đây (2006-2007), ông Shinzo Abe đã nói đến việc xây dựng một “vòng cung” giữa các nước châu Á như một phần của kế hoạch được các nhà bình luận quốc tế cho rằng thực chất là việc thiết lập một chiếc thòng lọng quấn quanh cổ Trung Quốc. Nếu để ý một chút tới những cái tên quốc gia mà Nhật Bản hối hả “củng cố quan hệ” đều ít nhiều có những sự khó chịu với Trung Quốc và các tham vọng “mở rộng lãnh hải” của nước này.

Ngay sau khi vừa nhậm chức hồi đầu năm 2013, ông Abe đã lập tức có các cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và Thủ tướng Australia Julia Gillard. Nhưng đáng chú ý hơn cả là ông Abe cũng đã điện đàm với Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. “Nga và Việt Nam trước đây không nằm trong “vòng cung” mà ông Abe muốn thiết lập nhưng hiện nay cả 2 nước này đều nắm giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình cán cân lực lượng tại châu Á và quan trọng nhất họ đều là láng giềng của Trung Quốc”, tờ The Indian Express bình luận.

Việc thiếu các mối quan hệ láng giềng tốt với Nga từ lâu đã trở thành điểm yếu trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Hai quốc gia này cũng chưa bao giờ ký hiệp định hòa bình chính thức do vẫn đang tranh chấp về 4 hòn đảo (Nga đặt tên là Kuriles) trên Thái Bình Dương. Thủ tướng Nhật Bản mới đây đã nói về trách nhiệm của thế hệ lãnh đạo hiện nay phải chấm dứt tranh chấp lãnh thổ với Nga trong khi ông V.Putin đang tìm cách củng cố chỗ đứng của Nga tại Đông Á chắc chắn cũng sẽ không bỏ qua cơ hội “thân thiện” với Nhật Bản. Ông Shinzo Abe thậm chí còn lên kế hoạch đến thăm Nga ngay trong đầu năm nay. Đằng sau sự “thân thiện” bất ngờ ấy là gì? Câu trả lời chưa mấy rõ ràng nhưng người ta nhìn thấy bóng dáng Trung Quốc ở đâu đó trong những quyết định của 2 nhà lãnh đạo này.

Song song với việc thiết lập, củng cố và đẩy mạnh quan hệ với các nước châu Á, ông Shinzo Abe còn tỏ ra mạnh tay hơn nữa trong các hành động đáp trả những hoạt động của Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nếu như trước kia, dưới thời ông Noda, Nhật chỉ cử tàu cảnh sát biển để đối đầu với tàu hải giám của Trung Quốc mỗi khi các tàu này chuẩn bị xâm nhập vào vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản thì nay, ông Abe đã liên tục cho phép chiến đấu cơ F-15 xuất kích để xua đuổi máy bay hải giám Y-12 của Trung Quốc. Trong các ngày 22, 24, 25 và 26/12/2012 vừa qua, cứ mỗi khi máy bay hải giám của Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku là F-15 của Nhật Bản lập tức có mặt và chính thái độ này của Nhật đã khiến một số tướng lĩnh quân đội Trung Quốc kêu gọi đưa SU-30 ra đối đầu với F-15 .

Theo kế hoạch của ông Abe, lần đầu tiên sau 11 năm, Nhật Bản sẽ gia tăng chi tiêu dành cho quốc phòng vào khoảng 2%, lên mức hơn 4,7 nghìn tỷ yên (53,4 tỷ USD) vào năm tài chính sắp tới (kể từ ngày 1/4/2013). Dự kiến, khoản ngân sách tăng thêm này sẽ được sử dụng để tăng cường sức mạnh cho lực lượng phòng vệ mặt đất, nâng cấp khí tài, vũ khí cho các lực lượng không quân – hải quân của nước này.

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/The-gioi/Thu-tuong-Nhat-dang-xay-vong-cung-quanh-Trung-Quoc/50114.info