Thủ tướng: Lạm phát năm 2012 xuống 9%

“Không thể chủ quan, thấy 6 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm xuống mà bằng mọi cách đưa tiền ra để thúc đẩy tăng. Chính phủ tính toán các mặt và phấn đấu lạm phát năm tới giảm xuống còn khoảng 9%” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

>> Thủ tướng: Tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát
>> Tỷ giá và lạm phát: Hai vấn đề của nền kinh tế
>> Việt Nam có thể kiềm chế lạm phát dưới 10%?
>> “Nóng” chuyện lạm phát
>> Lạm phát 2011 và kịch bản ‘thà một lần đau’

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (ảnh: Chinhphu.vn).

Phát biểu chỉ đạo trong Hội nghị triển khai công việc với các tỉnh và bộ ngành hôm nay, 22/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại vẫn chưa thực sự vững chắc, đe dọa mất ổn định và rất phức tạp. Vẫn còn khả năng lạm phát cao sẽ quay trở lại. Sản xuất đang gặp khó khăn do Chính phủ ưu tiên kiểm soát lạm phát. Sản xuất công nghiệp có chiều hướng chậm lại.

Kết quả của các biện pháp kiềm chế tăng giá, liên tiếp 6 tháng qua, CPI đã giảm nhiệt. tháng cuối cùng của năm, mức tăng giá tiêu dùng lại “nhúc nhắc” lên mức 0,53%. Tính chung cả năm, chỉ số lạm phát 18,12%, đạt chỉ tiêu đặt ra.

Mục tiên ưu tiên kiềm chế lạm phát trong cả năm sau, 2012, Thủ tướng nhắc lại, không thể chủ quan. “Không thể thấy 6 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm xuống mà bằng mọi cách đưa tiền ra để thúc đẩy tăng. Chính phủ tính toán các mặt và phấn đấu đưa lạm phát năm tới giảm xuống còn khoảng 9%” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cụ thể hóa mục tiêu Quốc hội giao giữ lạm phát năm 2012 về mức 1 con số, xuống dưới 10%.

Theo đó, các chỉ tiêu cơ bản được xác định, tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 15 - 17%, phấn đấu giảm bội chi xuống dưới 4,8%.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường vàng, ngoại tệ. Giám sát thực hiện chỉ số an toàn của hệ thống tài chính. Kiểm soát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nghiên cứu xây dựng định hướng cải cách tiền lương, bố trí kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương công chức, góp phần nâng cao chất lượng và chống tham nhũng.Hoàn chỉnh cơ chế quản lý nợ Chính phủ, nợ công bảo đảm luôn trong giới hạn an toàn. Bố trí nguồn trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn.

Phương án tăng trưởng mà Chính phủ lựa chọn là chỉ tăng khoảng 6% GDP, nếu điều kiện thuận lợi có thể nhích lên 6,5%. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý thêm yêu cầu tháo gỡ khó khăn để duy trì và tạo mới công ăn việc làm cho người lao động.

Kiên quyết giải thể, phá sản tập đoàn thua lỗ

Theo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, các giải pháp cụ thể thực hiện tái cơ cấu kinh tế được liệt kê rõ. Chính phủ cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan chủ trì thực hiện đề án tái cơ cấu.

Vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, Chính phủ giao NHNN chủ trì tăng cường kiểm soát, giám sát thực hiện các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và tỷ lệ về an toàn hoạt động ngân hàng; bảo đảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn; giảm tỷ lệ nợ xấu, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro; bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết là trong cơ quan nhà nước, thu thuế, phí dịch vụ điện, điện thoại, nước.

Về tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và triển khai các giải pháp tái cơ cấu với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước. Thí điểm lựa chọn tái cơ cấu tài chính một số tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước.

Bộ Tài chính sẽ phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của các tập đoàn, TCty nhà nước, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý giá như xăng, dầu, điện, than… để xác định đúng lãi lỗ, thúc đẩy công khai, minh bạch.

Vấn đề tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay nợ, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, phá sản do không trả được nợ cũng được nhấn mạnh. Theo đó, Chính phủ kiên quyết sẽ thực hiện việc giải thể, phá sản các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả, mất vốn nhà nước.

Các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, lãnh đạo các tập đoàn, TCty nhà nước được giao tiết giảm 5 - 10% chi phí quản lý, tập trung giảm giá thành sản phẩm; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nguồn DNSG: http://doanhnhansaigon.vn/online/tin-tuc/kinh-te/2011/12/1060677/thu-tuong-lam-phat-nam-2012-xuong-9/