Thủ tướng Antonis Samaras: “Nợ nần Hy Lạp nặng quá sức”

(Tamnhin.net) - Thủ tướng mới đắc cử của Hy Lạp Antonis Samaras nhậm chức ngày 20/6/2012 sau khi Đảng Tân Dân chủ của ông cùng với hai đảng khác thành lập chính phủ ngày 17/6/2012. Ngày 6/7/2012 ông Samaras đã đưa ra “Cương lĩnh hành động mới” thúc đẩy kinh tế. Nhưng gánh nặng nợ công hiện đang quá sức của bản thân ông và Chính phủ mới.

Ngày 6/7/2012, Thủ tướng mới của Hy Lạp ông Antonis Samaras đã đệ trình lên lên Quốc hội “Cương lĩnh hành động” của Chính phủ mới về thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và giải quyết nợ công đang chồng chất hiện nay của Hy Lạp. Ông Samaras nói, kinh tế Hy Lạp đã liên tục suy thoái 5 năm liền và hiện đang trong ngõ cụt. Hy Lạp muốn nhanh chóng thoát khỏi ngõ cụt này để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Kinh tế không tăng trưởng thì không thể nào ra khỏi khủng hoảng nợ công hiện nay.

Tuy nhiên ông cho biết Hy Lạp cần thảo luận thêm một số vấn đề trong “Hiệp định cứu trợ” do lãnh đạo eurozone và các chủ nợ đưa ra, đồng thời cam kết tuân thủ các điều trong Hiệp định cứu trợ. Ông cam kết mọi quyết định thực hiện đều được cân nhắc kỹ lưỡng sau khi đã thỏa thuận với các chủ nợ. Vì vậy, việc thảo luận nhằm gạt bỏ một số trở ngại chứ không phải thay đổi nội dung Hiệp định cứu trợ.

Ông Samaras nói trong tình hình hiện nay, điều then chốt để thoát khỏi khủng hoảng nợ công là kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng và thắt chặt. Kinh tế không tăng trưởng mà cứ chìm đắm trong nợ nần thì không thể thoát khỏi khủng hoảng và việc cơ cấu lại nền kinh tế đất nước cũng không thể thực hiện được. Ông khẳng định Chính phủ mới Hy Lạp sẽ giữ “chữ tín” và thực hiện những yêu cầu do eurozone cũng như các chủ nợ đưa ra, bởi vì Hy Lạp không muốn bị gạt ra khỏi eurozne. Rút ra khỏi eurozone không phải là lối thoát ra khỏi khủng hoảng hiện nay.

Thời gian qua, kinh tế Hy Lạp bi đát tới mức có khả năng phải rút ra khỏi Khu vực đồng euro. Hai từ “Greece” và “Exit” (Hy Lạp và Ra đi) đã bao trùm lên Cuộc họp thượng đỉnh EU không chính thức hai ngày cuối tháng 5/2012 vừa qua tại Bruxelles. Trong hội nghị này lãnh đạo EU lần đầu tiên đã công khai đưa ra phương án gạt Hy Lạp khỏi eurozone.

Ngay cựu Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos cuối tháng 5/2012 cũng cho rằng “Nguy cơ Hy Lạp rút khỏi eurozone là hiện thực và hiện nay đang chuẩn bị cho sự kiện này”. Cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đẩy nền kinh tế nước này tới bờ vực thẳm, làn sóng đấu tranh của dân chúng liên tiếp nổ ra, đẩy Hy Lạp tới khủng hoảng chính trị. Tháng 11/2011, Thủ tướng George Papandreou sau thời gian chèo chống không nổi tình hình nợ công đã phải nhường ghế Thủ tướng cho ông Lucas Papademos ngày 10/11/2011. Sau khi làm Thủ tướng, ông Lucas Papademos đã chạy vạy các nơi, trước tiên sang cầu cứu EU và Eurezone, tiếp đó là Trung Quốc và một số nước khác, nhưng vẫn không thể xoay chuyển nổi tình hình. Bởi vậy, sau 7 tháng cầm quyền, Lucas Papademos đã phải nhường ghế Thủ tướng cho ông Antonis Samaras ngày 20/6/2012.

Antonis Samaras sinh ngày 23/5/1951 tại Athen trong gia đình y học. Cha ông là Constantine Samaras, giáo sư, bác sĩ nội khoa. Năm 1974, ông tốt nghiệp học vị kinh tế Trường đại học Amherst, năm 1976, ông theo học tại Đại học Harvawd, Mỹ và tốt nghiệp khoa MBA. Ông từng là nghị sĩ bang Messenia và từng giữ các chức vụ trong Chính phủ như Bộ trưởng ngoại giao từ 1990 tới 1992, năm 2009 là Bộ trưởng văn hóa. Ngày 30/11/2009 được bầu làm lãnh tụ thứ 7 của Đảng Tân Dân Chủ và được bổ nhiệm làm Thủ tướng ngày 20/6/2012 thay ông Lucas Papademos.

Antonis Samaras là nhà hoạt động chính trị và kinh tế, nhưng dư luận cho rằng tình hình kinh tế Hy Lạp hiện nay đang bi đát và gánh nặng nợ nần quá sức chịu đựng của ông. Sau hơn 11 năm gia nhập eurozone kể từ năm 2001 tới nay, đồng Drachma của Hy Lạp bị trượt giá tới 50%, nợ công của Hy Lạp chồng chất tới trên 350 tỉ EUR ( khoảng 450 tỉ USD), chiếm 160% GDP. Hy Lạp hiện nay là nước có tình trạng thất nghiệp rất cao như năm 2011 tới 18,5%, đứng thứ 5 trong số 17 nước có tỉ lệ thất nghiệp cao trên thế giới. Du lịch là một ngành thế mạnh thu ngoại tệ của Hy Lạp nhưng năm 2011 chỉ thu nhập có 10,5 tỉ EUR, năm 2012 dự kiến giảm 15% so với năm 2011. Thị trường nhà đất sụt giảm tới 59% so với năm 2005.

Báo chí Hy Lạp cho biết khủng hoảng nợ công tới mức khiến Hy Lạp bán cả “đất nước” để trả nợ, như đã bán 20-30 khu đất, đang rao bán tiếp 11 đảo nhỏ, kể cả đảo Mykonos, một thắng cảnh du lịch nổi tiếng. Tiếp đó là bán đường sắt, bán cảng biển, bán đá quý... nghĩa là cái gì có giá đều có thể bán để tiến hành thắt chặt kinh tế có tiền trả nợ và tuân thủ theo điều kiện cứu trợ của EU.

Sau hơn 11 năm gia nhập eurozone, kinh tế Hy Lạp từ chỗ ổn định, đang tăng trưởng nay trở nên bi đát, thậm chí có nguy cơ bị gạt ra khỏi eurozone. Một gánh nặng, một hành trang kinh tế ốm yếu đang đè nặng lên Chính phủ mới của Thủ tướng Antonis Samaras.

K.Tỉnh

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/quoc-te/22007/thu-tuong-antonis-samaras-no-nan-hy-lap-nang-qua-suc.html