Thủ tục sản xuất thử giống lúa mới

Hoạt động công nhận giống lúa cho sản xuất được thực hiện từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Tác dụng của hoạt động này trước hết thể hiện ở hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các giống lúa mới được dùng trong sản xuất đại trà là những giống đã được Hội đồng khoa học (HĐKH) xem xét và tham mưu với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

Từ đầu những năm 80, tên gọi có thay đổi lúc đầu công nhận với hai loại: cho khu vực xác định; và cho sản xuất đại trà. Tiếp đó gọi là giống công nhận tạm thời, giống công nhận chính thức; tới nay là giống sản xuất thử và giống quốc gia, mà tiêu chí cho giống quốc gia có dễ dãi... Hồi mới giải phóng, ở Nam Bộ có đến khoảng 80% giống lúa mới nhập từ Viện Lúa quốc tế (IRRI), tỷ lệ này đến nay ngược lại, và giống tạo chọn trong nước chiếm ưu thế. Người nông dân lựa chọn giống lúa nào để đưa vào sản xuất đâu có cần biết từ đâu và của ai! Rà soát thủ tục hành chính trong việc tổ chức sản xuất thử giống lúa mới tại Cục Trồng trọt, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng có ý kiến: Bỏ thủ tục công nhận giống lúa sản xuất thử được nhiều cán bộ liên quan tán thành. Bởi vì, giảm thủ tục này sẽ vừa giảm bớt sự rườm rà trong thủ tục hành chính, lại vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm với nông dân sản xuất lúa, với thu nhập của nông hộ trồng lúa. Dù mới chỉ có số ít nông hộ sử dụng giống 'sản xuất thử', nhưng lại làm trên ruộng 'sản xuất thật' của hộ mình. Hơn nữa, nhiều khi nông dân, có khi cả cán bộ khuyến nông khó phân biệt rạch ròi giống công nhận sản xuất thử với giống công nhận cho sản xuất, nên có khi ngộ nhận, nhầm lẫn, dẫn đến giảm thu nhập của nông hộ như đã xảy ra tuy lẻ tẻ như lúa lai hiện trỗ lai rai ở Kiên Giang, dù trong phạm vi có thể chấp nhận được. Để đưa nhanh những kết quả nghiên cứu giống lúa mới vào sản xuất, đề nghị rà soát thủ tục hành chính và hoàn thiện quy trình xem xét công nhận giống cây trồng, trước hết là đối với giống lúa, vì đã thể hiện tầm quyết định với an toàn lương thực, có quan hệ tới phần lớn nông dân, và hằng năm các viện, trường đại học giới thiệu được khá nhiều giống lúa, chứ không còn thiếu giống như 30 năm trước đây. Vừa qua có tình trạng khi đưa ra khuyến cáo không có giống lúa IR 50404 và OM 576, nhưng khi tổng hợp ở địa phương lại thấy có, lại có với tỷ lệ cao, và hàng thập kỷ cứ như thế. Cũng như vậy với việc làm ba vụ lúa/năm của nông dân Nam Bộ, ngành nông nghiệp đã thấy và có điều chỉnh hợp lý sự chỉ đạo này. Có thể phân quyền cho vùng, cho địa phương nhiều hơn, dưới sự chỉ đạo và giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng như Cục Trồng trọt, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng; đầu tư thỏa đáng vốn và sử dụng hiệu quả vốn cho hoạt động của HĐKH xem xét giống lúa để tham mưu với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với giống lúa đạt tiêu chí hạn chế cho vùng thì cơ quan hữu trách địa phương xem xét và ra quyết định công nhận. Cần đầu tư thế nào để thành viên HĐKH tiếp cận trực tiếp với nông dân, với cán bộ địa phương trước khi quyết định.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhan-dan-i-n-t/th-i-s/chinh-tr/cung-suy-ng-m/th-t-c-s-n-xu-t-th-gi-ng-lua-m-i-1.270882