Thủ tục chuyển tuyến khám, chữa bệnh

(Chinhphu.vn) - Ông Trần Văn Nên (TP. Hải Phòng) bị bệnh viêm gan B mạn tính và đã điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, TP. Hà Nội được gần 2 năm. Hàng tháng, ông Nên phải đến Bệnh viện khám lại và được phát thuốc với hình thức ngoại trú, chi trả viện phí theo mã thẻ.

Mỗi lần ông Nên đi khám lại theo hẹn, Bệnh viện đều yêu cầu phải có giấy chuyển viện của trung tâm y tế nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và giấy chuyển viện của bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng thì mới chi trả viện phí. Ông Nên muốn được biết yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai có đúng quy định không?

Ông Nên đề nghị được giải thích: Vì sao khi ông điều trị theo phác đồ - lamivudine và adrefovir tại Bệnh viện Bạch Mai thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng nếu điều trị phác đồ này ở Hải Phòng thì không được quỹ BHYT chi trả viện phí?

Vấn đề ông Nên thắc mắc, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư số 10/2009/TT-BYT ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT, khi vượt quá khả năng chuyên môn, kỹ thuật, người bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên điều trị.

Đồng thời, Khoản 5, Điều 13 Thông tư 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT quy định, trường hợp đến khám lại theo yêu cầu điều trị của cơ sở y tế tuyến trên không qua cơ sở đăng ký ban đầu, thì phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này và phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở y tế.

Mỗi giấy hẹn chỉ có giá trị sử dụng một lần theo thời gian ghi trong giấy hẹn. Cơ sở y tế chỉ hẹn người bệnh khám lại theo yêu cầu điều trị khi vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở tuyến dưới.

Như vậy, khi khám, chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai, ông Nên phải xin giấy giới thiệu chuyển viện là đúng quy định.

Tuy nhiên, bệnh viêm gan B mà ông Nên mắc phải hoàn toàn có thể được điều trị tại bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng. Các loại thuốc mà ông nêu đều có danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả.

Vì vậy, ông Nên có thể đến trực tiếp tại Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng để đề nghị được đảm bảo quyền lợi.

Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân

Tin liên quan:

- Thủ tục hưởng bảo hiểm y tế khi chuyển tuyến khám chữa bệnh

- Thanh toán bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh trái tuyến

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/thu-tuc-chuyen-tuyen-kham-chua-benh/20136/170931.vgp