Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng hơn 65% vào năm 2020

Hiệp hội kiểm toán và công chứng Anh Quốc và xứ Wales ICAEW vừa công bố báo cáo hàng quý Economic Insight. Theo bản báo cáo này, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục trên quỹ đạo tăng trưởng, do giá cả ngày một gia tăng ở Trung Quốc làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà sản xuất quốc tế.

Bản báo cáo cho biết, mức thu nhập bình quân đầu người của khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng hơn trong thập niên này, mặc dù sự chênh lệch lớn về mức sống giữa các nước trong khối ASEAN có thể sẽ gia tăng cùng với sự chênh lệch về GDP đầu người hàng năm giữa một người Singapore và mức trung bình của một người dân ASEAN tăng lên từ 42,00 USD cho tới 54,00 USD. Việc tăng dân số nhanh ở Malaysia cũng như Philippine rất có thể sẽ gây trở ngại lên mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Những quốc gia có thu nhập thấp hơn như Lào, Campuchia, được dự kiến sẽ đạt được 2/3 mức tăng trưởng GDP trên đầu người vào cuối thập niên này, Việt Nam sẽ đạt được thu nhập bình quân đầu người tương đương Philippine hiện nay vào năm 2020.

“Các quốc gia trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục làm tốt theo những tiêu chuẩn quốc tế, như vấn đề đầu tư, các mặt hàng tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tăng trưởng. Trong khi chúng ta cho rằng GDP sẽ tăng trong tất cả các thị trường, nhưng cũng cần được lưu ý rằng, thu nhập bình quân trên đầu người thì không tính đến sự phân bố giàu nghèo. Mặc dù GDP đang tăng và có khả năng sẽ tiếp tục tăng ở ASEAN nhưng có thể là phần lớn dân số sẽ không hưởng lợi ngay lập tức. Tuy nhiên, việc liên tục tăng trưởng sản lượng của quốc gia sẽ nâng cao mức đời sống của người dân”, ông Douglas Mc William, Cố vấn kinh tế ICEAW - Giám đốc điều hành CEBR chia sẻ.

Bản báo cáo của Hiệp hội kiểm toán và công chứng Anh và xứ Wales mang tên Economic Insight do trung tâm nghiên cứu kinh tế và thương mại CEBR đưa ra. Bản báo cáo đánh giá lại tình hình kinh tế của khu vực Đông Nam Á, nhấn mạnh vào 6 quốc gia lớn: Indonesia, Malaysia, the Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Cũng theo bản báo cáo này, vai trò của các thị trường trong nước đã góp phần rất lớn giúp cho khu vực thoát khỏi sự suy thoái. Những thị trường mới nổi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế khối ASEAN trong khi nhu cầu từ những khách hàng truyền thống ở những quốc gia phát triển sẽ mất đi một chỗ đứng trong những năm tới.

Tuy nhiên, hiện tại sự tăng trưởng chung đang chậm lại ở các thị trường mới nổi. Giá cả hàng hóa giảm, những nhu cầu xuất khẩu chậm lại đang là nguyên nhân thúc đẩy Ngân hàng Trung ương các nước trong khu vực đưa ra gói kích thích. Chỉ tính riêng nửa sau của tháng 1, Ngân hàng Trung ương của Indonesia, Thái Lan và Philippine đã cắt giảm chính sách tỷ giá của họ. Kim ngạch xuất khẩu phải chịu đựng tổn thất ở Đông Nam Á và hơn thế nữa, sự tăng trưởng đang chậm lại với tốc độ nhanh hơn so với dự đoán của CERB trước đó.

“Những thị trường mới nổi đang chịu ảnh hưởng bởi những nhu cầu phương Tây giảm và sự ảnh hưởng không rõ ràng từ khu vực đồng tiền chung Châu Âu vẫn đang là một vấn đề khá nhức nhối cho nền kinh tế thế giới. Sự không ổn định của nền kinh tế ở phương Tây cũng đồng nghĩa là các nguồn quỹ và các nhà đầu tư quốc tế sẽ để ý đến những thị trường mới nổi như ở Việt Nam để đầu tư. Việc chứng minh khả năng quản lý tài chính vững chắc qua giai đoạn này là cực kì quan trọng để thu hút đầu tư. Các công ty phải đảm bảo báo cáo tài chính của họ là rõ ràng và đạt tiêu chuẩn quốc tế”, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW, ông Mark Billington cho biết thêm...

Theo bản báo cáo này, tăng trưởng xuất khẩu không còn là sự tăng trưởng chính yếu cho các quốc gia ASEAN. Cụ thể, tăng trưởng GDP ở Philippine và Indonesia ít phụ thuộc hơn vào nền kinh tế toàn cầu với chỉ số XK/GDP khoảng 30%. Không giống như Singapore (hơn 208%) và Malaysia (gần 100%) - 2 quốc gia dự kiến có sự tăng trưởng ổn định qua giai đoạn suy yếu của nhu cầu xuất khẩu. Tỉ lệ XK/GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng gấp 3 lần từ 1995 đến 2014, khi mà Viêt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất cần nhiều nhân công do việc tăng tiền lương ở quốc gia láng giềng Trung Quốc.

Bên cạnh đó, không giống như khu vực đồng tiền chung Châu Âu, Mỹ và Nhật, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có chỉ số nợ/GDP khá thấp, cũng như là khá ổn định Mặc dù Singapore có chỉ số nợ/ GDP cao nhất trong khu vực, 94% vào năm 2011, hơn một nửa số nợ công thuộc về quỹ lương hưu quốc gia và trái phiếu. Chỉ số nợ của Malaysia là 55% và được dự kiến sẽ tăng nhẹ trong khi Indonesia đang trong quá trình giảm gánh nặng nợ công xuống 20% vào 2016. Rủi ro chính đối với tài chính trong khu vực có thể phát sinh từ khủng hoảng ngân hàng cần những gói cứu trợ lớn, đặc biệt ở Singapore - quốc gia có có khu vực tài chính với quy mô giống như nước Anh khi nói đến vấn đề đầu ra.

Các quốc gia trong khu vực ASEAN sẽ bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái ở Châu Âu và mức tăng trưởng chậm ở Trung Quốc, nhưng mặc dù có dự đoán suy giảm về mức độ tăng trưởng trong năm 2012, CEBR vẫn hy vọng những khu vực có mức tăng trưởng hợp lý (như Indonesia 5,6%, Việt Nam 5,3%, Malaysia và Philippin 3,8%, Singapore 3,2%).

“Thâm hụt tài khoản vãng lai tiếp tục đe dọa Việt Nam và có thể làm nền kinh tế suy giảm trong năm 2012, khi kim ngạch xuất khẩu chậm lại. Lạm phát cao đang ảnh hưởng đến sức mua hàng hóa, và những nhân tố này tác động tổng hợp lên triển vọng tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu vấn đề kinh tế vĩ mô có thể khắc phục và tiền đồng không quá biến động thì sản lượng của Việt Nam dự kiến đạt mức 6.8% trong năm 2014”, báo cáo cho biết…

(KD)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-cua-viet-nam-se-tang-hon-65-vao-nam-2020/20123/121464.dfis