Thủ lĩnh Đoàn ở ấp trồng quýt trăm triệu

TP - Anh Trần Phúc Ngoan, Bí thư Chi đoàn ấp Phương Bình, xã Phương Phú (Phụng Hiệp, Hậu Giang), từ hộ nghèo đã phấn đấu vươn lên khá giả với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ trồng quýt đường. Anh còn vận động và cùng đoàn viên thanh niên xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Anh Trần Phúc Ngoan cạnh quýt vừa hái xong. Ảnh: Hòa Hội.

Khởi nghiệp từ 15 triệu đi vay

Gặp phóng viên, anh Ngoan đang thu hoạch vườn quýt 1,2 ha của mình. “Hôm nay thương lái chỉ hái 2 tấn, bán với giá 18.000 đồng/kg, hàng xô, còn lại hơn chục tấn tuần sau thương lái mới hái tiếp. Năm nay cầm chắc trong tay 200 triệu đồng ăn Tết”, anh Ngoan nói.

Anh Ngoan là con thứ 4 trong gia đình 7 anh em. Sau khi lập gia đình vào năm 2007, một năm sau vợ chồng anh ra ở riêng và được cha mẹ cho 0,5 ha đất lúa làm của hồi môn. Những năm đó, đất đai làm lúa năng suất thấp, vùng trũng nên rất khó khăn. Nhớ lại thời gian đó, anh Ngoan kể: “Hai vợ chồng chưa biết kỹ thuật nên làm đâu thua đó, nợ nần chồng chất. Đến năm 2000 tôi chuyển một nửa diện tích lên bờ trồng thử nghiệm quýt đường. Sau gần 3 năm quýt cho trái nhưng giá cả thấp và năng suất không đạt như mong muốn nên tiếp tục lỗ vốn”. Lúc đó, địa phương thấy hoàn cảnh anh khó khăn nên xét cho gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. “Khổ tâm lắm! Tôi ngày đêm làm thuê đủ nghề để lo 2 con đi học và ăn gạo hằng ngày nhưng bữa đói bữa no”.

Năm 2006, thấy anh khó khăn nhưng chí thú làm ăn, Đoàn xã Phương Phú giới thiệu Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 15 triệu đồng. Đồng thời, còn cho đi học nuôi trồng thủy sản, cây có múi. Có vốn trong tay, anh trồng hết 0,5 ha hơn 300 gốc quýt. Khi trái cho thu hoạch trúng giá lại được mùa. Năm đó, trừ chi phí đầu tư, trả lại vốn cho ngân hàng, anh còn lãi gần 20 triệu đồng. Anh trả sổ nghèo lại cho địa phương.

Ăn nên làm ra, anh Ngoan mua thêm 0,7 ha đất tiếp tục trồng quýt đường, cam sành. Đồng thời mạnh dạn áp dụng kỹ thuật cho trái nghịch vụ. Theo anh Ngoan, để quýt có năng suất cao như mong muốn phải chăm sóc tỉ mỉ đúng theo quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, giống, phân bón. Thông thường trung bình một cây có thể cho trái trên 30 kg và thu hoạch khoảng 5 năm nhưng chăm sóc kỹ thì có thể thu hoạch đến 15 năm. Tuy nhiên, cái khó nhất là cho trái mùa nghịch vì ở đây đất trũng nên vào mùa lũ dễ bị ngập. Hơn nữa, rất khó ra hoa nếu không xử lý đúng cách.

Anh Ngoan cho biết, trung bình mỗi năm trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu đồng. Sắp tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích. Đồng thời tiếp tục làm cây giống sạch bệnh cung cấp cho bà con trong vùng.

Chia sẻ kinh nghiệm

Năm 2009, anh Ngoan thành lập Câu lạc bộ (CLB) làm vườn ở ấp với mục đích trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau về vốn, kỹ thuật.

Hằng tháng CLB sinh hoạt xoay vòng ở từng nhà hội viên để trao đổi kinh nghiệm lý thuyết và thực tiễn tại vườn. Anh Ngoan tham mưu với Đoàn xã nhờ trung tâm khuyến nông huyện nhiều lần xuống hỗ trợ kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, tọa đàm bàn cách làm giàu và vận động thanh niên tham gia vào các hoạt động ở địa phương. Từ đó, giúp thanh niên nâng cao trách nhiệm trong phong trào “Thanh niên lập thân lập nghiệp và làm giàu chính đáng”. Năm 2010, anh Ngoan được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/gioi-tre/thu-linh-doan-o-ap-trong-quyt-tram-trieu-966483.tpo