Thủ đoạn diễn biến “hòa bình” và “không hòa bình”

Làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình"

Mưu đồ chống phá toàn diện Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã sử dụng các hình thức, biện pháp phi vũ trang để chống phá Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cả ở trong nước và ở nước ngoài. Đây là cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt, nhằm làm suy yếu nền kinh tế, rối loạn về xã hội, làm chệch hướng đường lối chính trị, làm mất sức chiến đấu của các LLVT, cô lập và hạ thấp vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN), từ đó chuyển hóa chế độ XHCN theo con đường tư bản chủ nghĩa. Dạng thức này được chủ nghĩa đế quốc thực hiện chống Việt Nam từ mấy chục năm qua, nhưng tập trung nhất, quyết liệt nhất là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nội dung của dạng thức này bao gồm chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm cho việc thực hiện chủ trương, đường lối không thành công trên thực tế; chống phá các cơ quan, tập thể và cá nhân lãnh đạo Đảng và Nhà nước; chống phá hệ tư tưởng giai cấp công nhân, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng; chống phá sự nghiệp đổi mới đất nước, âm mưu làm chệch hướng công cuộc đổi mới; ngăn trở, kìm hãm làm chệch hướng sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam; chống phá sự nghiệp quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân; âm mưu xóa bỏ sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, công an, “vô hiệu hóa” LLVT... Để thực hiện dạng thức trên, chủ nghĩa đế quốc sử dụng nhiều phương tiện, nhiều lực lượng, con đường và biện pháp phi vũ trang rất xảo quyệt, tinh vi, trong đó chú trọng sử dụng hệ thống thông tin-truyền thông toàn cầu (các đài phát thanh, truyền hình, sách, báo, tạp chí...) để tuyên truyền chống phá về chính trị, tư tưởng, tuyên truyền chống Đảng, chống chế độ, kích động, gây hoang mang trong nhân dân, gây rối loạn xã hội. Can thiệp, gây sức ép, làm chuyển hóa chế độ là dạng thức “diễn biến hòa bình” mà chủ nghĩa đế quốc đã áp dụng đối với nhiều nước và có những kết quả nhất định. Đối với Việt Nam, dạng thức này được chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch áp dụng từ khi Việt Nam chủ trương đổi mới toàn diện, mở rộng quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập kinh tế thế giới, nhằm can dự và can thiệp sâu hơn, nhiều hơn vào công việc nội bộ của Việt Nam, âm mưu từng bước chuyển hóa “êm thấm” Việt Nam. Nhiều chuyên gia “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc cho rằng, đối với các nước cộng sản, hình thức chống phá “giấu mặt” bằng can dự, can thiệp, gây sức ép, chuyển hóa thường có kết quả hơn hình thức đối đầu trực tiếp. Nó làm cho đối phương dễ mất cảnh giác, chủ quan, không có sự đề phòng cao. Khi việc can thiệp và chuyển hóa đến một mức độ nhất định, thì nếu có nhận ra cũng đã muộn và hậu quả sẽ khó lường. Phạm vi can dự, can thiệp và chuyển hóa của chủ nghĩa đế quốc trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện thông qua hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đầu tư, viện trợ, chuyển giao công nghệ; các hoạt động du lịch; thông qua các tổ chức phi chính phủ, các đoàn ngoại giao, các diễn đàn quốc tế và khu vực, thông qua đối ngoại cấp cao; thông qua người Việt Nam định cư ở nước ngoài... Dạng thức chống phá này rất nguy hiểm, khó nhận diện và hậu quả rất nghiêm trọng. Không dừng ở phương thức “hòa bình” Kết hợp “diễn biến hòa bình” với bạo loạn lật đổ là một dạng thức mới được chủ nghĩa đế quốc áp dụng chống phá cách mạng Việt Nam trong nhiều năm qua; rất nguy hiểm, tác động trực tiếp đến an ninh chính trị của quốc gia. Bạo loạn lật đổ là một phương thức chống phá cách mạng nhằm mục tiêu lật đổ chế độ, giành chính quyền trung ương và địa phương bằng các hoạt động có tổ chức (bao gồm hoạt động chính trị và hoạt động quân sự) của bọn phản động trong nước khi đã lôi kéo, tập hợp được số đông quần chúng, được đế quốc và các thế lực phản động quốc tế chỉ đạo, giúp đỡ, thậm chí có thể sử dụng một bộ phận lực lượng trực tiếp tham gia chi viện. Bạo loạn lật đổ gồm bạo loạn chính trị và bạo loạn quân sự. “Diễn biến hòa bình” và bạo loạn lật đổ tuy khác nhau về phương thức, thủ đoạn, nhưng đều thống nhất về mục tiêu là lật đổ chế độ, giành chính quyền. Trong quá trình tiến hành “diễn biến hòa bình” chống cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch thường kết hợp “diễn biến hòa bình” với bạo loạn lật đổ, trong đó “diễn biến hòa bình” giữ vai trò xung kích, đi trước, chuẩn bị lực lượng, điều kiện (chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức, lực lượng, quần chúng, địa bàn, thời cơ…) để tiến hành bạo loạn lật đổ khi có thời cơ. Bạo loạn lật đổ là hệ quả tất yếu của các hoạt động “diễn biến hòa bình” trước đó. Kết hợp “diễn biến hòa bình” với bạo loạn lật đổ là sự kết hợp hai phương thức “hòa bình” và “không hòa bình” trong một chiến lược chống phá cách mạng Việt Nam; có thể diễn ra đồng thời, đan xen trên một hay nhiều khu vực. Bạo loạn chính trị thường là đòn tiến công ban đầu đối với chính phủ, “châm ngòi” cho toàn bộ cuộc bạo loạn và áp lực toàn diện đối với chính phủ trong suốt quá trình diễn ra bạo loạn. Quy mô bạo loạn tùy thuộc vào tương quan lực lượng, vào điều kiện và thời cơ, mục đích thực sự của bạo loạn. Có loại “bạo loạn lật đổ” chỉ mang tính cục bộ, quy mô nhỏ, trên địa bàn hẹp và cũng chỉ nhằm mục đích tập dượt, chuẩn bị, gây thanh thế cho các cuộc bạo loạn quy mô lớn hơn, có mục đích cao hơn. Có loại bạo loạn nhằm hỗ trợ cho các hoạt động “diễn biến hòa bình”, như gây rối loạn chính trị-xã hội để tăng sức ép đối với chính phủ, buộc chính phủ thay đổi đường lối, chính sách theo hướng có lợi cho “diễn biến hòa bình” và tạo điều kiện cho các hoạt động “diễn biến hòa bình” tiếp theo. Ở nước ta, hai cuộc bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên trong những năm 2001 và 2004 rất nguy hiểm, gây hậu quả trực tiếp, tiêu cực đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch không đơn thuần thực hiện một dạng thức mà thường sử dụng nhiều dạng thức; không chỉ tiến hành các hoạt động “diễn biến hòa bình” mà còn kết hợp với bạo loạn lật đổ để tăng thêm hiệu quả chống phá. Do vậy, trong đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, chúng ta cần đề cao cảnh giác, chủ động phát hiện, ngăn chặn sớm, đập tan các âm mưu, mầm mống gây bạo loạn của các thế lực thù địch phản động, không để xảy ra “điểm nóng”, tụ tập biểu tình, khiếu kiện đông người, diễn biến phức tạp trên diện rộng. Đại tá, Tiến sĩ DƯƠNG VĂN LƯỢNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/5/5/5/93781/Default.aspx