Thu Phí bảo trì đường bộ : Điều chỉnh những vấn đề “chưa hợp lý”

(DĐDN) Ngày 1/1/2013, Nghị định 18/CP của Chính phủ và Thông tư 197/TT của Bộ Tài chính về việc thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) có hiệu lực thi hành. Đây là chủ trương mới, có tác động lớn tới người dân và DN, nhất là các DN vận tải. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều quan điểm khác nhau về các quy định hướng dẫn thực hiện (Xem loạt bài về Phí bảo trì đường bố trên DĐDN số 89, 91, 93, 95, 97, 99, 101/2012). DĐDN có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường xung quanh vấn đề này.

“Phí BTĐB chỉ tác động một phần rất nhỏ vào con đường. Quỹ BTĐB là số tiền rất nhỏ so với số tiền làm đường. Nếu hàng năm chúng ta thu được khoảng 3.000 tỉ đồng tiền phí, số tiền này sẽ dùng để bảo tr bảo dưỡng cho hàng chục ngàn km đường giao thông trong cả nước. V thế yâu cầu cỉ một con đường tốt ngay th chưa thể có được, cần có thời gian. Trách nhiệm của mỗi người dân đóng góp vào quỹ là giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước”.

- Thưa Thứ trưởng, theo các DN vận tải, điều bất hợp lý nhất trong Thông tư 197/TT là tách rời hai phương tiện xe đầu kéo và sơmi rờmoóc để tính phí ?

Việc này, chúng tôi đã làm việc với cơ quan đăng kiểm. Theo số liệu Cục Đăng kiểm VN, số sơmi rờmoóc bằng 120% xe đầu kéo tính chung trên cả nước, nhưng ở từng đơn vị thì có thể một đơn vị số sơmi rờmoóc nhiều hơn 120% số đầu kéo. Do vậy trong cách tính phí sơmi rờmoóc chúng tôi tính mức phí có giảm đi so với xe đầu kéo cùng trọng lượng.

- Với những quy định nói trên, nhiều DN cho biết họ có thể phải đóng “phí oan” lên tới hàng tỉ đồng mỗi năm, thưa Thứ trưởng ?

Để đảm bảo dễ dàng trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã quy về 11 loại phương tiện để thu phí. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nếu có những bất cập, chúng tôi sẽ lưu ý đến ý kiến của DN. Như vậy trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức trách sẽ nghiên cứu lại và có thể điều chỉnh những vấn đề chưa hợp lý.

- Nhưng lúc đó DN cũng đã đóng phí rồi, liệu Nhà nước có hoàn trả lại những phần DN đóng “phí oan” ?

Ở đây chúng ta không nên dùng từ “phí oan”, mà hãy dùng từ “chưa hợp lý”. Trong quá trình thay đổi lại những quy định, nếu đối tượng nào đã nộp phí thuộc trường hợp “chưa hợp lý” thì chắc chắn sẽ được trừ vào kỳ thu tiếp theo.

- Một trong những điều mà DN cho là chưa hợp lý, đó là những sơmi rờmoóc không lưu thông trên đường mà vẫn phải đóng phí, thưa Thứ trưởng ?

Nếu có số lượng sơmi rờmoóc không hoạt động trên đường, các DN có thể mời cơ quan chức năng công an, chính quyền địa phương tới thẩm định. Chúng tôi sãn sàng giao cơ quan đăng kiểm không thu phí các phương tiện đó. Trách nhiệm của chúng tôi là phải làm tất cả để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và đảm bảo thu phí rõ ràng minh bạch.

- Còn đối với các loại ôtô - Thông tư hướng dẫn quy định cơ quan đăng kiểm thu phí theo kỳ đăng kiểm. Quy định này có thể làm cho DN phải vay tiền để đóng phí ?

Thông tư 197/TT quy định các loại ôtô sẽ đóng phí BTĐB theo kỳ đăng kiểm 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc một năm, nhưng nếu DN nào có yêu cầu đóng phí hàng tháng, thì cơ quan đăng kiểm sẽ linh động đưa ra hình thức phù hợp đúng với nguyện vọng của DN.

- Việc thu phí xe môtô giao cho chính quyền địa phương, liệu có khả thi ?

Hàng năm, các địa phương đều triển khai thu thuế nhà đất, nên có thể kết hợp để thu phí bảo trì đường bộ. Việc thu phí môtô các loại, Bộ Tài chính chỉ quy định mức trần thu từ 50.000 đ đến 100.000 đ/chiếc/năm, còn mức thu bao nhiêu thì do địa phương quyết định tùy từng giai đoạn. Tuy nhiên thời gian thu vẫn áp dụng từ ngày 1/1/2013.

- Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bộ máy thu phí quá cồng kềnh, sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng của quỹ ?

Điều 8 về “Quản lý và sử dụng phí” trong Thông tư 197/TT quy định : đối với khoản thu phí từ ôtô: Hội đồng quản lý quỹ sẽ trích chuyển về Cục Đăng kiểm VN 3% số tiền phí được để lại (là 1% trên tổng thu). Đối với xe môtô, các phường được để lại tối đa không quá 15% số phí sử dụng đường bộ thu được, đối với các xã được để lại tối đa không quá 30% số phí thu được để trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định.

Ngoài việc chi cho bộ máy tổ chức thu, còn lại nguồn quỹ này sẽ được sử dụng đúng theo quy định Nhà nước và đúng mục đích là đưa vào sửa chữa duy tu con đường có sự giám sát của các cơ quan liên quan.

- Vậy thưa Thứ trưởng, tại sao chúng ta không thu qua xăng dầu để không phải chi thêm cho bộ máy thu phí BTĐB ?

Việc thu phí qua xăng dầu chúng ta đã thực hiện từ năm 1994. Tuy nhiên, còn có các phương tiện khác cũng sử dụng xăng dầu nhưng không sử dụng đường bộ, như sản xuất nông nghiệp, vận tải thủy, vận tải biển... Vì thế nếu thu qua xăng dầu, việc hoàn trả lại cho các đối tượng không sử dụng đường bộ là hết sức phức tạp.

Chủ trương thu phí bảo trì đường bộ có được sự ủng hộ của DN, của người dân thì mới thành công!

Hiện rất nhiều nước trên thế giới đã dùng phương thức thu qua đầu phương tiện. VN là một trong những quốc gia áp dụng phương pháp này và tôi cho rằng đây là hình thức thu tương đối tiên tiến và công bằng cho các phương tiện tham gia giao thông.

- Như vậy sẽ có những xe không tham gia giao thông vẫn phải đóng phí ?

Trong Thông tư 197/TT quy định rất rõ điều này. Trường hợp xe ôtô bị hủy hoại do tai nạn; bị tịch thu; bị tạm giữ, bị tai nạn không sử dụng từ 30 ngày trở lên thì không phải nộp phí tương ứng với khoảng thời gian không sử dụng. Trường hợp phương tiện đó đã nộp phí thì người nộp phí được trả lại phí đã nộp hoặc được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau nếu có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 thông tư này.

- Tại sao lại là 30 ngày ? Những xe không hoạt động dưới 30 ngày họ vẫn phải đóng phí, thưa Thứ trưởng ?

Cái này có hai trường hợp : thứ nhất nếu xe hư hỏng không hoạt động dưới 15 ngày thì tính 15 ngày, nếu trên 15 ngày cho tới 30 ngày thì tính 30 ngày. Quy định như thế để đơn giản hóa thủ tục trong thực hiện. Tuy nhiên, trong Thông tư 197/TT chưa thể hiện rõ điều này.

- Với các trạm thu phí BOT, người dân sẽ phải đóng “phí chồng phí” ?

Khi chúng tôi xây dựng Nghị định 18/CP trình Chính phủ, trong nghị định đó đã khẳng định, đối với việc thu phí BTĐB thì không tính đến các trạm BOT. Các trạm BOT dùng nguồn vốn của nhà đầu tư để xây dựng một đoạn đường nào đó tốt hơn và các nhà đầu tư phải thu hồi vốn lại. Còn phí BTĐB chỉ phục vụ cho việc duy tu sửa chữa đường giao thông. Vì thế các trạm BOT vẫn chấp nhận thu. Chúng ta hiểu phí chồng phí là không đúng.

Sau thời gian thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tiễn nảy sinh vấn đề gì, Bộ Giao thông vận tải sẽ cùng Bộ Tài chính - trên cơ sở đề nghị của DN, của nhân dân - có thể giải quyết linh động, trên tinh thần thu đúng, thu đủ, đảm bảo công bằng. Chủ trương thu phí BTĐB có đi được vào cuộc sống, có được sự ủng hộ của DN, của người dân thì chủ trương đó mới thành công.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Thủy thực hiện

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20121227022723699cat69/thu-phi-bao-tri-duong-bo--dieu-chinh-nhung-van-de-chua-hop-ly.htm