Thông tin đối ngoại 2015: Để hình ảnh Việt Nam thêm sáng

Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu vào đời sống quốc tế, hoạt động thông tin đối ngoại cần được đẩy mạnh để đáp ứng những yêu cầu mới.

Nghị định 72 về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại (TTĐN) đã được Chính phủ ban hành. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất cho đến nay trong lĩnh vực TTĐNBáo Bưu điện Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục TTĐN, Bộ TT&TT, về vấn đề này.

Theo ông, vì sao có thể nói Nghị định 72 là bước tiến quan trọng trong công tác quản lý hoạt động TTĐN?

Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu vào đời sống quốc tế, hoạt động TTĐN cần được đẩy mạnh để đáp ứng những yêu cầu mới.

Thứ nhất, thế giới hiện nay thay đổi rất nhanh, phức tạp và rất khó dự đoán. Việt Nam cũng như các nước phải chuẩn bị ứng phó kịp thời, nhanh chóng và chuẩn xác để tận dụng được những cơ hội mới, đồng thời hạn chế được những thiệt hại. Và muốn ứng phó kịp thời, nhanh chóng, chuẩn xác với những sự đổi thay đó thì công tác thông tin, nắm bắt tình hình trong nước và quốc tế phải tốt hơn. Đây là một yêu cầu mới.

Thứ hai, Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập rất tự tin, nhanh và vững chắc vào đời sống thế giới. Chính phủ Việt Nam giống như đầu tàu đang tiến nhanh về phía trước trên hành trình hội nhập, nhưng phía sau vẫn còn nhiều toa tàu chưa chạy theo kịp, đó là những cán bộ, người dân, doanh nghiệp còn rất thiếu thông tin và nhận thức về hội nhập quốc tế. Công tác TTĐN phải giúp cho mọi cán bộ, Đảng viên, doanh nghiệp, người dân có đủ hành trang thông tin để tự tin hội nhập, có thể cạnh tranh thành công trên thị trường quốc tế. Công tác TTĐN cần phải được triển khai ngày càng tốt hơn, với nhiều hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ ba, công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của chúng ta được triển khai trên rất nhiều mặt trận. Trong đó, mặt trận thông tin là một trong những mặt trận nóng bỏng hàng đầu. Dù bước đầu đã có hiệu quả nhất định, nhưng thời gian tới, công tác TTĐN còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để đóng góp thiết thực vào việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Trước những yêu cầu mới nêu trên, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước ở các cấp, các ngành còn hạn chế và bất cập. Hoạt động TTĐN của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí, xuất bản, các tổ chức đoàn thể hiện nay, trên nhiều mặt nói chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác TTĐN.

Còn nhiều Bộ, ngành, địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa có kế hoạch hoạt động và chưa có nhiều hoạt động TTĐN hiệu quả.

Công tác thông tin đối ngoại đang được tích cực triển khai ở ngoài nước nhằm tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...

Để huy động tối đa sức mạnh tổng lực của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức đoàn thể, lực lượng báo chí xuất bản... nhằm đáp ứng yêu cầu mới của công tác TTĐN, Nghị định 72 về quản lý hoạt động TTĐN đã được Chính phủ ban hành. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất cho đến nay trong lĩnh vực TTĐN, có tính ràng buộc trách nhiệm để chính quyền các cấp và toàn xã hội đồng loạt ra quân triển khai các hoạt động TTĐN trong tình hình mới.

Công tác TTĐN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, song hiện vẫn còn nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa có nhiều hoạt động hiệu quả. Bộ TT&TT có biện pháp gì để tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều làm “tròn vai” của mình trong năm tới?

Trách nhiệm của Bộ TT&TT là hướng dẫn triển khai công tác TTĐN, đưa Nghị định 72 đi vào cuộc sống. Trong tháng 10 và tháng 11/2015, Bộ TT&TT đã tổ chức 2 hội nghị lớn để quán triệt, phổ biến Nghị định 72 đến 63 tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành, cơ quan báo chí... Hiện Bộ TT&TT đang xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị định 72, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương.

Bộ TT&TT cũng đang và sẽ xây dựng một số thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 72. Hiện đã có dự thảo lần thứ 3 Thông tư hướng dẫn việc quản lý và triển khai hoạt động TTĐN của các tỉnh, thành phố (dự kiến ban hành trong quý 2/2016). Trong năm 2016 có thể ban hành các văn bản hướng dẫn việc quản lý và triển khai hoạt động TTĐN của các Bộ, ngành, hướng dẫn hoạt động TTĐN của các cơ quan báo chí. Với những văn bản hướng dẫn đó, các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí có thể đồng loạt triển khai hoạt động TTĐN một cách thống nhất, hiệu quả.

Năm 2016 được đánh giá là năm hội nhập quốc tế của Việt Nam với 2 dấu mốc quan trọng nhất là Hiệp định TPP đã được ký kết và Cộng đồng ASEAN ra đời. Ông đánh giá thế nào về vai trò của hoạt động TTĐN trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của đất nước?

Ngày 5/5/2015, Thủ tướng đã ban hành Kế hoạch TTĐN giai đoạn 2015 – 2017, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động TTĐN phục vụ hội nhập quốc tế. Hiện “đầu tàu” Chính phủ đã tăng tốc mở đường hội nhập để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước. Trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý từ các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và người dân Việt Nam phải nỗ lực vươn lên, tăng tốc để bắt kịp “đầu tàu”, chứ không phải níu kéo đầu tàu chạy chậm lại. Các cán bộ quản lý phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, thách thức cụ thể trong tiến trình hội nhập. Còn người dân, doanh nghiệp cũng phải nỗ lực trang bị cho mình hành trang thông tin cần thiết để có thể làm ăn hiệu quả trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cạnh tranh thành công kể cả trên sân nhà và sân khách.

Ông có thể cho biết kỳ vọng lớn nhất của cá nhân ông về bức tranh TTĐN của Việt Nam trong năm 2016 và thời gian tới?

Tôi mong rằng trong năm 2016, Nghị định 72 và các thông tư, hướng dẫn sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, đưa công tác TTĐN vào kế hoạch thường xuyên, với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, làm cho hình ảnh Việt Nam sẽ sáng hơn, uy tín, vị thế của Việt Nam sẽ cao hơn trên trường quốc tế.

Ngọc Mai(Thực hiện)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thong-tin-doi-ngoai-2015-de-hinh-anh-viet-nam-them-sang-post190407.info