Thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và Luật Thủ đô

Đại biểu QH tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: THANH CHƯƠNG

QH, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người nào?

Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và Ủy viên Đoàn Thư ký kỳ họp Lê Minh Thông đọc toàn văn dự thảo nghị quyết nói trên. Trên cơ sở đó, QH đã tiến hành biểu quyết thông qua ba nội dung quan trọng của nghị quyết. Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng được thông qua với 468 đại biểu tán thành, bằng 93,98% tổng số đại biểu QH. Theo đó, QH lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

a) Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

b) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

c) Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

d) Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

a) Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân.

Điều 8 quy định về quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp QH được thông qua với 462 đại biểu tán thành, bằng 92,77% tổng số đại biểu QH. Điều 10 quy định về hệ quả đối với người được QH, HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" được thông qua với 470 đại biểu tán thành, bằng 94,38% tổng số đại biểu QH. Điều này quy định người có quá nửa tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Ủy ban Thường vụ QH, Thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Nghị quyết này.

Sau đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo nghị quyết với 474 đại biểu tán thành, bằng 95,18% tổng số đại biểu QH.

Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai hay phòng, chống thiên tai?

Thảo luận dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, hầu hết các ý kiến phát biểu tán thành về sự cần thiết ban hành luật này. Bởi Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa nằm ở một trong năm ổ bão lớn của thế giới, hàng năm phải đối mặt nhiều loại thiên tai xảy ra. Trong những năm gần đây, diễn biến thiên tai và thời tiết ở Việt Nam ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp hơn. Biến đổi khí hậu và tình trạng trái đất ấm lên được cảnh báo sẽ làm cho thiên tai trở nên tồi tệ hơn trên phạm vi toàn cầu. Ở cấp độ quốc gia, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số càng làm gia tăng các nguy cơ, hiểm họa trước thiên tai.

Trong thảo luận, vấn đề nổi lên, được nhiều đại biểu cho ý kiến là tên gọi của luật. Theo Nghị quyết số 20/2011QH13 thì tên gọi của luật là "Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai". Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự án luật, để phù hợp nội dung của luật, Chính phủ xin phép Quốc hội cho đổi tên luật là "Luật Phòng, chống thiên tai". Với tên gọi này nhiều đại biểu đồng tình và cho rằng, đã thể hiện cô đọng nhất bản chất cũng như mục đích của dự án luật là tăng cường tính chủ động, ứng phó trong hoạt động phòng, chống thiên tai, là chủ trương đã được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, cụm từ "phòng chống" đã được sử dụng cho các văn bản như Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều 4 dự thảo luật quy định sáu nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai, được nhiều ý kiến phát biểu đồng tình. Đó là, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân, trong đó "cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau, nhà nước hỗ trợ"; Phòng, chống thiên tai thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ": chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ; Nội dung phòng, chống thiên tai phải được lồng ghép trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bộ, ngành, địa phương; Hoạt động cứu trợ phải bảo đảm tính nhân đạo, kịp thời, công bằng, hợp lý, đúng đối tượng và phù hợp các quy định của pháp luật; Phòng, chống thiên tai phải kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học - công nghệ, giải pháp công trình và phi công trình; bảo đảm bình đẳng giới và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc: Nhà nước thống nhất quản lý công tác phòng, chống thiên tai.

Các ý kiến phát biểu cũng đã đề cập nhiều vấn đề cụ thể khác trong dự thảo luật, như nguồn quỹ phòng, chống thiên tai quy định tại Điều 9; việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội; trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp khi thiên tai xảy ra.

Nhiều quy định mang tính đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội

Buổi chiều, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô, các đại biểu QH tiến hành bỏ phiếu thông qua dự án luật này với 377 đại biểu tán thành, bằng 75,7% tổng số đại biểu QH.

Luật Thủ đô có bốn chương, 27 điều, trong đó đưa ra nhiều chính sách xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô. Theo quy định của luật, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trong vùng Thủ đô và cả nước. Luật quy định, biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và quy định những điều kiện trao tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô. Luật cho phép HĐND thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá hai lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong ba lĩnh vực: văn hóa, đất đai và xây dựng. Về quản lý dân nhập cư vào Thủ đô, các quy định của luật cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật Cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành... Với những trường hợp khác muốn đăng ký thường trú ở nội thành phải có điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành từ ba năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013.

Đẩy mạnh phòng ngừa hoạt động khủng bố

Thảo luận dự án Luật Phòng, chống khủng bố (PCKB), đa số ý kiến phát biểu cho rằng, việc ban hành luật này là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho công tác đấu tranh PCKB, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Các đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, thời gian qua, các hoạt động khủng bố quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng Việt Nam. Trong khi đó, hiện nay chưa có văn bản quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành về công tác PCKB. Do vậy, cần khẩn trương ban hành đạo luật này và triển khai thực hiện. Các đại biểu đề nghị, luật cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác PCKB, nhất là quy định rõ trách nhiệm của lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ PCKB cũng như trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chỉ đạo PCKB. Đại biểu Phạm Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng, cần chú trọng các biện pháp phòng ngừa khủng bố, nhất là phòng ngừa từ xa, thông qua việc hoàn thiện các chính sách pháp luật và giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội có thể phát sinh, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế nhằm kịp thời, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi khủng bố.

Nhiều đại biểu đề nghị, trong thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay, chúng ta chưa nên thành lập lực lượng chuyên trách PCKB, mà chỉ nên giao thêm nhiệm vụ, quyền hạn về PCKB và đầu tư thêm một số trang thiết bị, tăng cường huấn luyện cho lực lượng sẵn có của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị, các quy định trong dự án luật này phải thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết tham gia.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/2.670/thong-qua-ngh-quy-t-v-vi-c-l-y-phi-u-tin-nhi-m-b-phi-u-tin-nhi-m-i-v-i-ng-i-gi-ch-c-v-do-qh-h-nd-b-u-ho-c-phe-chu-n-va-lu-t-th-o-1.378473