Thoát nghèo nhờ trồng sâm rừng

Hơn 1,5 công đất, thu nhập 50 triệu đồng/năm là điều không thể tưởng đối với gia đình anh Ngô Văn Tân (SN 1964) ở ấp 8, xã An Hiệp (huyện Ba Tri), bởi mảnh đất phèn mặn này từng làm anh đau đầu nghĩ cách trồng hoa màu sao cho phù hợp, có hiệu quả kinh tế. Đó là chuyện 4 năm về trước, hiện nay anh gia đình anh đã khá hơn vì chuyển sang trồng sâm rừng lấy lá, anh là người tiên phong và là nhà phân phối cho các mối lái ở địa phương.

Qua lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã về mô hình kinh tế mới của địa phương, tìm đến nhà anh Ngô Văn Tân ở ấp 8, xã An Hiệp. huyện Ba Tri. Ngôi nhà nằm sâu hút vùng ven biển. Trước mắt là những luống sâm dây xanh mướt leo trên bờ rào, bên dưới là rau ngót non mượt. Tiếp chuyện, chị Nguyễn Thị Mua (vợ anh Tân) nói: “Nhờ trồng sâm mà gia đình tôi thoát nghèo, kinh tế ổn định và có khả năng nuôi con ăn học”. Chị kể: “Gia đình tui rất khổ tâm với miếng đất phèn mặn này. Cứ hết trồng dưa lại cà, vụ này tới vụ khác, tiền không thấy chỉ thấy chán nản. Lúc đó chồng tui xin được vài dây sâm của người bạn đem về trồng, cho nó leo “tự do” lên bờ rào, sâm cho lá rất tốt, gia đình tôi ăn không xuể nên đem ra chợ bán kèm với rau màu khác, tưởng bán chơi ai ngờ ăn thiệt, bà con mua nhiều và thích ăn sâm vì nó giải độc, thanh nhiệt (theo sách nói), chồng tui bắt đầu nhân rộng trồng nhiều thêm và chịu khó tìm kiếm mối lái để bán khắp nơi. Từ một vài dây bắt đầu phủ khắp 1,5 công đất, để thu lá lâu dài vợ chồng tui trồng cây bình linh làm giàn cho sâm leo, bên dưới trồng thêm rau ngót để tăng thêm thu nhập.” Ban đầu, vợ chồng anh Tân chị Mua trồng 2 loại sâm cùng lúc, sâm lông (lá sâm có nhiều lông tơ) và sâm rừng (lá trơn). Sâm lông được ưa chuộng nhiều, giá thành rất cao, có lúc tới 50.000 đồng/kg lá. Nhưng loại này dễ chết vì sâu bệnh, chỉ thu hoạch vài lần là trụi lá. Sâm rừng dễ trồng hơn, ít tốn phân thuốc, dễ chăm sóc, trồng một lần thu hoạch dài lâu. Một kílôgram lá khoảng 12.000 đồng. Thế là vợ chồng anh Tân quyết định nhân rộng phủ khắp hết diện tích đất bằng cách trồng sâm rừng lấy lá. Cách trồng đơn giản lắm, có thể trồng bằng hạt hoặc bằng dây sâm già, chỉ cần khoảng 30 ngàn đồng tiền hạt giống, trồng được khoảng 2.000 dây sâm. Chi phí phân, thuốc các thứ cộng thêm cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng/năm. Thấy mô hình trồng sâm rừng của anh Tân đem lại hiệu quả nên khoảng chục hộ trong xóm đến học hỏi cách trồng. Hiện trong khu vực này diện tích trồng sâm khoảng 10 công đất, hàng ngày ngoài việc hái sâm của đất vườn nhà, anh còn thu gom tất cả sâm lá của bà con bỏ mối ở chợ Ba Tri, Bến Tre bán nhưng “cung” vẫn không đủ “cầu”, mỗi ngày ngày anh hái khoảng 15 – 20 kg lá bán kèm theo thu hoạch rau ngót. Ông Trần Văn Chận, Chủ tịch UBND xã An Hiệp nhận xét: “Trồng sâm rừng lấy lá là một trong những mô hình kinh tế mới ở địa phương, đơn giản và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Dây sâm rất chịu đất phèn mặn và thị trường rất chuộng, thế nhưng cung vẫn chưa đủ cầu, hiện tại địa phương đang khuyến khích nhân rộng”. Theo Cổng TTĐT Bến Tre, 13/07/2009

Nguồn Thiên Nhiên: http://www.thiennhien.net/news/159/ARTICLE/9043/2009-07-13.html