Thơ kháng chiến chống Mỹ qua một chuyên luận

- Một công trình nghiên cứu công phu, bao quát được nhiều phương diện nội dung và nghệ thuật của thơ kháng chiến chống Mỹ - Chuyên luận "Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước" - của tác giả Lê Thị Bích Hồng vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn giới thiệu đến bạn đọc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã lùi xa 35 năm. Cho đến nay, nền thơ chống Mỹ vẫn tiếp tục được phân tích, đánh giá với nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau. Những nhà thơ đã sống qua thời chiến trận vẫn trân trọng nó như một phần máu thịt của cuộc đời. “Ôi cái ngày xưa thương mến quá- Cái ngày xưa không biết cũ bao giờ” (Lê Thành Nghị). Nguyễn Đức Mậu thì “náo nức”, “bồn chồn” khi nhớ về những câu thơ của một thời trận mạc. Có nhiều câu thơ hay, có nhiều bài thơ hay. Hay bởi cảm xúc thăng hoa, hay bởi sức khái quát, hay bởi giọng điệu riêng biệt”. Chim Trắng cảm thấy “tự hào về một thời thơ có ích cho đất nước”. Trần Nhuận Minh tỏ ra nuối tiếc về việc “đến tận ngày hôm nay, những giá trị tinh thần to lớn của một thế hệ chủ lực của kháng chiến sắp đi qua vẫn không được tổng kết một cách đầy đủ và trí tuệ”. Bên cạnh những đánh giá tích cực và khẳng định, cũng đã có nhiều ý kiến đề cập và nhấn mạnh đến những nhược điểm, hạn chế của nó: nặng tính tuyên truyền minh họa; ít đề cập đến những tổn thất, đau đớn của con người trong chiến tranh; tính đồng ca - một giọng; ít có những cách tân nghệ thuật... Yêu cầu đánh giá một cách khoa học, vừa có thái độ trân trọng cần thiết đối với một chặng đường máu lửa hy sinh của dân tộc- và của cả thơ nữa, vừa mang tính chất “tổng kết một cách đầy đủ và trí tuệ” là một vấn đề đã và đang được tiếp tục đặt ra trước các nhà nghiên cứu thơ ca hiện đại. Chuyên luận "Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ" của Lê Thị Bích Hồng có nguồn gốc là một luận án Tiến sĩ, thuộc loại xuất sắc được bảo vệ năm 2007 ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một công trình khoa học cố gắng đáp ứng yêu cầu đó. Có thể thấy một cảm hứng khẳng định tràn ngập cuốn sách, trong nhiều trang văn giàu xúc cảm khi tái hiện lại không khí những ngày người và thơ xung trận, trong những đoạn thẩm bình những câu thơ làm sống dậy tình cảm mạnh mẽ của một thời. (Như tôi được biết, hình ảnh người cha từng gắn bó với kỷ niệm tuổi thơ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là một động lực tinh thần quý báu giúp tác giả lựa chọn và thực hiện đề tài này). Sự tâm huyết và tinh thần khoa học của tác giả được thể hiện qua từng chương sách nhằm đi sâu, khám phá và tổng kết chặng đường đặc biệt này của thơ ca. Một khối lượng tư liệu phong phú chứng tỏ sự thâm nhập kỹ lưỡng vào đối tượng nghiên cứu. Phương pháp khoa học và cái nhìn phân tích đã dựng nên được tầm vóc và cốt cách của cả nền thơ để từ đấy, đưa ra một cách nhìn, cách đánh giá thuyết phục về những giá trị và cả những hạn chế của nó. Nhiều tư liệu mới được bổ sung, kèm theo đó là một cách nhìn rộng rãi cởi mở về toàn cảnh cũng như các hiện tượng thơ đã ít nhiều tạo ra được những khác biệt so với nhiều bài viết, công trình về thơ chống Mỹ trước đây. Chẳng hạn, chuyên luận đã giành một phần thích đáng cho thơ ca yêu nước của tuổi trẻ miền Nam, những vần thơ khắc khoải đau đớn trong chiến tranh và hậu chiến của Lưu Quang Vũ, Việt Phương... và cũng không quên nhắc đến thơ Du Tử Lê, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền..., “những nhà thơ thuộc chiến tuyến bên kia đã trực tiếp bày tỏ nỗi đau khổ, bế tắc của thế hệ thanh niên ở các đô thị miền Nam”... Sự phong phú tư liệu, tâm huyết của người viết cùng một thái độ khách quan, khoa học và cởi mở của tác giả là những ấn tượng đầu tiên của người viết bài này khi tiếp xúc với chuyên luận từ khi nó còn trong hình thức một Luận án Tiến sĩ. Tìm hiểu và đánh giá về một giai đoạn thơ ca với tư cách một mô hình thẩm mỹ, trước hết cần cảm thụ, phân tích trên chính cấu trúc của bản thân nó hơn là những mong muốn, đòi hỏi từ chỗ đứng của thời hiện tại, nhất là khi nó đã và đang trở thành một hiện tượng lịch sử với một quãng cách thời gian 35 năm. Thơ chống Mỹ là một chỉnh thể trong tổng thể thống nhất của nền văn học chiến tranh cách mạng, một nền thơ tương ứng với cấu trúc tinh thần dân tộc ở một tọa độ xã hội - lịch sử đặc biệt: thời kỳ toàn dân vượt qua những gian khổ hy sinh khốc liệt nhất trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là điểm xuất phát vững chãi của chuyên luận khi đi sâu khảo sát các phương diện khác nhau của nền thơ chống Mỹ. Chuyên luận, trong cách đặt và giải quyết vấn đề của nó, ít nhiều hàm chứa tính đối thoại với nhiều ý kiến đánh giá khác về thơ chống Mỹ. Liệu nền thơ này có chỉ là tuyên truyền, minh họa hay là những cảm xúc gan ruột của người viết, của cả một thế hệ, một dân tộc? Thơ chống Mỹ có là sự “đứt gãy” của quá trình hiện đại hóa thơ ca? Và đâu là những giá trị tinh thần - văn hóa được kết tinh trong cả nền thơ cũng như những kinh nghiệm nghệ thuật mà nó đã để lại như những hương hỏa quý báu cho sự phát triển thơ ca hiện đại? Cuốn sách đã đặt thơ chống Mỹ vào tiến trình thơ ca hiện đại để “định vị” và xác định giá trị nền thơ chống Mỹ. Sau công cuộc hiện đại hóa thơ khởi sự từ Thơ mới, thơ Việt Nam từ 1945 đã khai sinh một mô hình thơ ca mới, với một kiểu nhà thơ mới hoàn toàn khác biệt với trước đó. Thơ chống Mỹ là sự tiếp nối cái tôi trữ tình những giai đoạn trước và phát huy trong hoàn cảnh mới. Đây là giai đoạn phát triển đến đỉnh điểm cái tôi trữ tình công dân. “Cùng xương thịt với nhân dân”, nhà thơ nhập thành một thể thống nhất tuyệt đối với cả dân tộc để trở thành cái ta cộng đồng phát ngôn nhân danh Dân tộc và thời đại. Đặt mười năm thơ chống Mỹ trong tiến trình thơ thế kỷ, quan sát những đặc điểm nội dung và nghệ thuật của nó, có thể thấy thơ chống Mỹ đã có những đóng góp to lớn trong việc mở rộng và mài sắc khả năng tư duy nghệ thuật của thơ. Tác giả đã xem xét những khuynh hướng chính của dòng thơ chống Mỹ để thấy được những đóng góp quan trọng của nó vào nền thơ dân tộc. Thơ tăng cường khả năng phản ánh hiện thực, giàu có thêm phương thức tự sự như một sự bổ sung cần thiết cho khả năng nghệ thuật của thơ. Tính chính luận và chất trí tuệ đậm nét cũng là những phẩm chất của thơ chống Mỹ, nới rộng đường biên quen thuộc của tư duy trữ tình. Bản chất thơ chống Mỹ là một nền thơ trữ tình - sử thi. Có thể nhận ra hiện tượng thâm nhập, chi phối mạnh mẽ của phương thức sử thi vào thơ trữ tình giai đoạn này, hoặc ở dạng cô đặc, tập trung, hoặc như các yếu tố lan tỏa vào các cấp độ của tác phẩm trữ tình. Cùng với việc khẳng định cái tôi trữ tình sử thi có ý nghĩa bao trùm và phổ quát, chuyên luận đã chú ý đến nhiều dạng thức khác của cái tôi trữ tình: cái tôi thống nhất riêng- chung, cái tôi thế hệ và đặc biệt là cái tôi phi sử thi rõ nét dần vào giai đoạn cuối của chiến tranh. Nhận dạng và phân tích bản chất của các dạng thức cái tôi trữ tình, chuyên luận đã đạt được cái nhìn bao quát hệ thống cả nền thơ để có thể nhận rõ hơn những kết hợp và lưu chuyển bên trong của hệ thống: bên cạnh dòng chủ lưu, còn có những phụ lưu, chi lưu, và cả những chất giọng khác, xa lạ với giọng đồng ca chủ âm. Đó là những âm sắc riêng tạo nên phong cách, đó là những nhà thơ, những câu thơ ít nhiều vượt ra ngoài quỹ đạo chung để có một cách cảm nhận khác, như một sự bổ sung của thơ đối với cách nhìn chiến tranh và thể hiện cả sự đau đớn khắc khoải khi nhìn vào những mất mát, hy sinh của dân tộc và mỗi con người. Thơ chống Mỹ có dáng dấp một dàn đồng ca, một dàn hợp xướng lớn bởi nó được sinh thành trong một bối cảnh tinh thần đặc biệt- “những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt” (Chế Lan Viên), và khi nhà thơ “tự hát” thì cũng ý thức được: “nhưng giọng anh đơn lẻ-sánh sao bằng đồng ca” (Phạm Tiến Duật). Tuy thế, trong dàn hợp xướng của cả nền thơ, người ta nhận ra nhiều chất giọng khác nhau. Chuyên luận đã chú ý thích đáng đến vấn đề này trong việc phân tích kỹ phong cách của một số nhà thơ tiêu biểu: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo... Không có sự đa dạng về phong cách và giọng điệu như thế, nền thơ chống Mỹ không thể có được tầm vóc và sự phong phú cũng như sức mạnh nghệ thuật như nó đã từng thể hiện. Những diễn giải khá thấu đáo của chuyên luận đã nhằm tới khẳng định này: thơ cách mạng từ sau 1945, đặc biệt thơ kháng chiến chống Mỹ không phải là một “khúc gẫy” hay bước thụt lùi trong quá trình vận động theo hướng hiện đại của thơ Việt, mà là đưa quá trình ấy theo hướng phù hợp với những yêu cầu của một giai đoạn lịch sử, tạo nên diện mạo riêng với những biến đổi về thi pháp của một giai đoạn trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Quy luật vận động của nội dung thơ, cảm hứng thơ quy định và thúc đẩy những tìm tòi hình thức. So với Thơ mới và thơ ca kháng chiến chống Pháp, nền thơ chống Mỹ đã làm phong phú rất nhiều khả năng biểu hiện của thơ ca - từ việc sử dụng linh hoạt các thể thơ, mở rộng quy mô và các phương thức thể hiện cho đến cấu trúc thơ, ngôn ngữ thơ... Thể trường ca với nhiều thành tựu đỉnh cao là một đóng góp quan trọng của thơ chống Mỹ vào kinh nghiệm thể loại. Chuyên luận đã dành một chương khảo sát khá kỹ những vấn đề hình thức của thơ chống Mỹ, từ xu hướng tự do hóa hình thức đến sự đa dạng trong giọng điệu, từ những tìm tòi mới trong kết cấu toàn bài cho đến đơn vị câu thơ cùng với những thống kê về việc sử dụng các thể thơ... Như vậy, cho dù thơ chống Mỹ không nhiều những cách tân đột biến và độc đáo, thì cũng khó có thể nói rằng thơ ít chú ý đến những tìm tòi hình thức. Nói đúng hơn, nó chỉ tìm tòi những hình thức, những phương thức diễn đạt cần thiết và phù hợp với nó. Nếu như quan niệm nội dung là nội dung của hình thức và hình thức là hình thức của nội dung thì thơ chống Mỹ cũng đã làm hết sức cho sự tìm tòi hình thức phù hợp với bản chất tinh thần của nó nhằm chuyển tải hiệu quả nhất nội dung hiện thực và năng lượng cảm xúc của thời đại. Cùng với thử thách của thời gian, cho đến nay, có thể khẳng định rằng thơ chống Mỹ ngày càng khẳng định vị trí vững vàng của nó trong lịch sử thơ ca: gần 40 năm qua, nó vẫn tồn tại như một vầng sáng, như một tầm cao trong thơ Việt Nam hiện đại. Nhiều bài thơ hay vẫn sống trong lòng người yêu thơ và thế hệ trẻ. Truyền thống của nó như một mạch ngầm vẫn tiếp tục lưu chuyển hồng cầu vào sự sống của thơ đương đại … Từ sau 1975 và nhất là trong mười năm trở lại đây, thơ Việt Nam đang nỗ lực cách tân với nhiều hướng tìm tòi. “Trên hành trình tìm đường đổi mới, việc vượt qua những giới hạn của chặng đường trước là lẽ tất yếu. Nhưng đổi mới không có nghĩa là xóa bỏ và phủ định những giá trị đích thực của quá khứ. Thơ kháng chiến chống Mỹ là một phần không thể phủ định trong các giá trị tinh thần của một thời đại lịch sử, đã và sẽ còn được lưu giữ, trân trọng bởi những thế hệ hôm qua và cả hôm nay”. Có thể đồng tình chia sẻ với những lời tác giả kết thúc chuyên luận. Và đó cũng là tinh thần cơ bản mà chuyên luận này muốn chuyển đến người đọc qua những trang sách với những phân tích lý giải có lý, có tình....

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=433964&co_id=30470