Thổ Nhĩ Kỳ “đánh ghen” người Kurd với Mỹ

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố rằng Mỹ phải lựa chọn giữa nước ông và Đảng Liên minh Dân chủ (PDS) của người Kurd ở Syria mà Ankara coi là một tổ chức khủng bố có quan hệ chặt chẽ với đảng Công nhân Kurdistan (PKK) bị cấm ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ John Bass (trái) cùng Phó Tổng thống Joe Biden trong một cuộc gặp với các nhóm xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul trong chuyến thăm nước này ngày 22/1/2016

Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng Mỹ không coi đảng của người Kurd ở Syria là một tổ chức khủng bố và tin tưởng rằng các thành viên của đảng này chiến đấu rất hiệu quả với IS.

“Làm sao có thể quan niệm rằng IS là một tổ chức khủng bố đáng lên án vì nó là cực đoan cấp tiến, còn PKK và PDS thì đáng trọng vì họ thân Nga? Cả ba tổ chức này đều là khủng bố, cùng một giuộc! Mỹ phải quyết định chọn đối tác của mình trong cuộc chiến chống IS và trong vấn đề Syria: chọn chúng tôi hay các tổ chức khủng bố? Chúng tôi đã truyền đạt quan điểm của mình cho người bạn tốt Joe Biden (Phó tổng thống Mỹ - BT), và cá nhân tôi đã nhiều lần giải thích cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng PDS là một phần của PKK. Trong khi coi PKK là một tổ chức khủng bố mà đồng thời lại hợp tác với PDS là điều chúng tôi không thể chấp nhận được” – Hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Cavusoglu trong chuyến thăm của ông tới Hungary.

Cũng cần biết tại sao Thổ Nhĩ Kỳ có động thái này. Một bước ngoặt mới vừa xảy ra trong quan hệ Mỹ - Thổ: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra một tối hậu thư cho Washington, yêu cầu Mỹ phải quyết định chọn người Kurd Syria hay chính quyền Ankara làm đối tác của mình.

Sở dĩ nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng dữ dội như vậy là vì đặc phái viên Rojava của Mỹ trong liên minh quốc tế chống IS vừa có chuyến thăm tới vùng Kurdistan của Syria. Giới quan sát cho rằng một trong những mục tiêu của chuyến đi này là để làm dịu sự bất mãn của các nhà lãnh đạo người Kurd do họ không được mời tham dự cuộc đàm phán các bên Syria tại Geneva. Quan chức này của Mỹ khẳng định với người Kurd rằng quyền lợi của họ vẫn được bảo đảm, và rằng họ thực sự là một phần của tiến trình giải quyết chính trị tại Syria. Erdogan, vốn coi người Kurd là kẻ thù đáng sợ hơn cả IS, rất tức giận về điều này. Tuy nhiên, với cách đặt vấn đề thẳng ruột ngựa như vậy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng đang lao vào một cuộc chơi vô cùng mạo hiểm. Thứ nhất, ông ta có thể phải nghe câu trả lời không như ông ta mong muốn. Và thứ hai, hành động của Washington, trên thực tế, đã cho thấy sự lựa chọn của người Mỹ.

Mỹ cung cấp vũ khí cho người Kurd ở Syria. Và khi Ankara đặt câu hỏi là tại sao những vũ khí ấy cũng xuất hiện trong tay người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ thì các chuyên gia Mỹ chỉ nhún vai, đại ý, chúng tôi đã kiểm tra, nhưng không tìm thấy bằng chứng những vũ khí ấy được tuồn từ tay người Kurd Syria sang tay người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ. “Chân lý” rất giản đơn: một khi không bị bắt quả tang thì không thể bị kết tội là kẻ trộm.

Nói chung, Washington rất ít quan tâm đến việc ổn định tình hình ở Trung Đông. Trên cơ sở đó, người ta có thể xác định rằng chính quyền Mỹ sẽ không đưa ra một sự lựa chọn nào và sẽ né tránh việc trả lời cụ thể đối với cái gọi là “tối hậu thư” của ông Erdogan, cốt là để khiến cho Ankara cay cú dồn sức phá hoại liên minh Nga-Syria và Thổ Nhĩ Kỳ không thể không mượn tay IS trong việc giải quyết một số vấn đề đối nội cũng như đối ngoại. Nói tóm lại, Washington cần cả người Thổ Nhĩ Kỳ lẫn người Kurd, và cần nhất là mối thù dai dẳng không dứt giữa hai lực lượng này. Đó chính là chiến thuật “tam giác yêu đương” khi một ông chồng cùng lúc có hai bà vợ!

Thiện Tâm

Nguồn:

Tass, RIA,

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/tho-nhi-ky-danh-ghen-nguoi-kurd-voi-my-382656.html