Thịt gia súc được nuôi bằng thức ăn chăn nuôi chứa "độc" được tiêu thụ ở đâu?

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, gia súc, gia cầm được nuôi bằng thức ăn chăn nuôi chứa vàng ô có thể được phân phối vào các khu công nghiệp và đây có thể là lý do làm gia tăng số vụ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể thời gian vừa qua.

Danh tính 5 công ty sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa công bố danh tính 5 công ty có hành vi sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi.

Theo đó, 5 công ty vi phạm này đều thuộc các tỉnh miền Bắc gồm: Công ty TNHH Thức ăn Chăn nuôi Trường Phú (thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương), nhà máy Chế biến Thức ăn Chăn nuôi và Thủy sản Thăng Long (Khu công nghiệp Phố Nối, tỉnh Hưng Yên), công ty TNHH Thiên Tôn (tỉnh Hải Dương), công ty Vimark tỉnh (Bắc Giang), Công ty Đại An Tín (tỉnh Hải Dương).

Tin tức trên báo Tiền Phong, đến ngày 24/11, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi (TACN) Trường Phú (có nhà máy tại Km 50, thành phố Hải Dương) - đơn vị bị cơ quan chức năng phát hiện sử dụng chất cấm trong cám vẫn đang tạm dừng mọi hoạt động.

Công ty này đã sử dụng chất cấm tạo nạc “bung đùi, nở mông” Salbutamol và chất nhuộm màu công nghiệp vàng ô để tạo màu cho cám. Đặc biệt, có những mẫu cám, tỷ lệ dư lượng Salbutamol vượt trên 75 lần mức cho phép. Đây là hai chất bị cấm sử dụng trong chế biến TACN và có khả năng gây ung thư.

Cơ quan chức năng phát hiện Công ty TNHH Sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú đã sử dụng chất vàng ô để tạo màu cho cám.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Văn Thênh, Giám đốc Công ty Trường Phú cho biết, công ty đang cho thu hồi các lô cám “dính” chất cấm theo yêu cầu của đoàn thanh tra liên ngành. “Thấy người ta nói dùng các chất đó thì màu cám đẹp, lợn gà ăn sẽ tăng trọng, dân thích dùng thì chúng tôi làm, chứ chưa lường hết được tác hại của nó. Chúng tôi đang tuân thủ các yêu cầu từ đoàn thanh tra”, ông Thênh phân bua.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, các lô hàng vi phạm của Công ty Trường Phú, sau khi thu hồi sẽ tổ chức tiêu hủy toàn bộ, không cho chuyển đổi mục đích sử dụng, tái chế vì mức độ nghiêm trọng. Mức độ xử phạt vi phạm trong sử dụng 2 loại chất cấm trên có thể lên tới 280 triệu đồng. Hiện phía Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đang yêu cầu ông Thênh giải trình, để điều tra nguồn gốc chất cấm.

Trong khi đó, liên quan vụ phát hiện 1 thùng phuy chứa 20 kg chất vàng ô và 10 vỏ thùng phuy hóa chất tạo màu công nghiệp giấy tại kho của Nhà máy Chế biến TACN và Thủy sản Thăng Long (Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên) vẫn chưa có phương án xử lý. Các thùng hóa chất trên đều có xuất xứ “Made in China”, không được dùng cho chế biến thực phẩm và TACN. Các mẫu cám lấy tại khu vực sản xuất trên đang chờ kết quả phân tích chất cấm.

Đại diện Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, nhà máy Chế biến TACN và Thủy sản Thăng Long là nơi gia công cho Công ty CP Dinh dưỡng Việt Nhật (địa chỉ tại Yên Mỹ, Hưng Yên). Hai công ty này đang “đổ lỗi” cho nhau. Do vậy, việc truy các thùng chất cấm đã sử dụng đang gặp khó khăn. Hiện thùng 20 kg chứa chất vàng ô đang bị niêm phong, chờ xử lý.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, quá trình điều tra, còn phát hiện các công ty sử dụng chất Auramine (một loại phẩm màu công nghiệp) để nhuộm cám như chất vàng ô. Đây là những chất làm cho cám vàng như bột ngô, đánh lừa người tiêu dùng. Ngoài ra, chất tạo màu trên còn có công dụng diệt khuẩn, chống nấm mốc, giúp bảo quản được lâu hơn. Đặc biệt, loại cám màu mè trên, chuyển lên các vùng núi, trung du rất nhiều, vì nhìn màu là người dân thích.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế và Chức vụ (PC46) phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM khi tiến hành kiểm tra các điểm sản xuất, kinh doanh của Công TNHH Tino và Công ty Menon (Q.Bình Tân) đã phát hiện và ngăn chặn hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi chưa được phép lưu hành cùng số lượng lớn nguyên liệu nhập khẩu quá hạn sử dụng.

Đại diện Thanh tra Bộ NN&PTNT bày tỏ trên báo Đầu tư cho biết, các đối tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng tinh vi, và có nhiều tầng lớp bảo vệ. Do đó, để phát hiện ra các hành vi vi phạm, phải sử dụng đến các nghiệp vụ điều tra của phía công an mới phát hiện ra.

Gia súc, gia cầm được nuôi bằng thức ăn chăn nuôi "bẩn" được tiêu thụ ở đâu?

Thông tin trên báo Sức khỏe đời sống,

Cũng theo lực lượng thanh tra chuyên ngành - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều lo lắng nhất là những thức ăn này bị đưa vào các khu công nghiệp, bởi vì người dân sống bên ngoài thì có thể lựa chọn được nhiều cơ sở ăn uống khác nhau, còn công nhân trong các khu công nghiệp thì cho gì ăn nấy, rất nguy hiểm.

Việc sử dụng vàng ô và salbutamol làm đẹp màu, tăng trọng cho gia súc, gia cầm đã được nhắc đến khá nhiều trong suốt thời gian qua, nhưng người dân có rất ít thông tin về việc phân biệt thế nào là thịt gà chứa vàng ô, hay thịt bò, thịt lợn chứa chất tạo nạc salbutamol. Ngay cả các tiểu thương bán thịt lợn được hỏi cũng rất khó phân biệt được đâu là thịt được nuôi bằng các chất cấm, chất tạo nạc. Còn cơ quan chức năng cũng chỉ có thể phân biệt thực phẩm tồn dư các nhóm chất cấm này bằng các công cụ mang tính chuyên ngành, khó được phổ biến rộng rãi.

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 7/15 công ty sản xuất, phân phối thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong thức ăn cho gia súc gia cầm. Thế nhưng việc xử lý mới chỉ dừng ở xử phạt hành chính với tổng số tiền 2 tỷ đồng, đồng thời cho thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm độc hại chứ chưa thể tiến hành xử lý hình sự. Đây là vấn đề rất bức bách và người dân cũng chưa đồng tình.

Nguyên nhân theo cơ quan chức năng mặc dù các văn bản luật hiện hành đã có quy định hình sự về xử lý hành vi buôn bán tàng trữ chất cấm tại Điều 155 và vi phạm an toàn thực phẩm tại Điều 244 Bộ luật Hình sự. Nhưng việc hiện thực hóa cả 2 điều luật này đều vô cùng khó bởi vì về cơ chế xử lý hành vi sản xuất buôn bán, tàng trữ, vận chuyển chất cấm, Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định chỉ phạt tù khi phạm tội có tổ chức, hàng phạm pháp số lượng lớn và tái phạm nguy hiểm. Muốn xử lý hình sự hành vi buôn bán vận chuyển sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi phải hội tụ đủ các yếu tố như tái phạm nhiều lần hoặc phải chỉ ra được mức độ thiệt hại nghiêm trọng của hành vi này. Đây là điều kiện vô cùng khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý hình sự hành vi buôn bán vận chuyển sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi.

Trong khi đó, Điều 244 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm, quy định xử phạt tù từ 1 năm đến 15 năm với các điều kiện gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng vì chúng ta quy định khi phát hiện có tổn hại về sức khỏe rồi mới xử lý vi phạm thì rất bất hợp lý, vì không lẽ khi chúng ta chết rồi thì mới xét lại chúng ta ăn gì, ăn như thế nào để xử lý vi phạm, mà có quay lại truy xuất để xử lý được hay không?

Trong khi chờ kiến nghị sửa đổi luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị và được chấp thuận tăng mức xử phạt hành chính và bổ sung 5 hợp chất vàng ô vào nhóm chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Thế nhưng, trước những mối lợi khổng lồ mà ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi mang lại, khó có thể tin, việc tăng xử phạt hành chính lại có tính răn đe đối với các chủ cơ sở sản xuất, tiêu thụ thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc, người dân lại tiếp tục là người gánh chịu hậu quả về nguy cơ mắc nhiều thứ bệnh, trong đó có bệnh ung thư từ những kẻ hám lợi đặt đồng tiền lên trên tính mạng đồng loại.

Tố giác dùng chất cấm chăn nuôi được thưởng 5 triệu đồng

Tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp sử dụng chất cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép gia tăng ở mức báo động. Bộ NN&PTNT đã công bố đường dây nóng nhằm tiếp nhận thông tin của nhân dân phản ánh về các hành vi vi phạm trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân khi phát hiện các hành vi nêu trên, có thể liên hệ qua đường dây nóng theo số điện thoại: 08042526 hoặc 0917808113.Ngoài ra, nhân dân cũng có thể liên hệ trực tiếp với Thanh tra Bộ NN&PTNT theo địa chỉ: Tầng 3, nhà B6, số 2 phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

Các tổ chức, cá nhân khi cung cấp thông tin tố giác về dấu hiệu, hành vi vi phạm sẽ được giữ bí mật danh tính theo quy định của pháp luật. Khi tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chính xác, có giá trị phục vụ cho công tác thanh tra, xử lý vi phạm sẽ được thưởng theo quy định, mức tối đa là 5 triệu đồng.

AN NHIÊN (Tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/danh-tinh-5-cong-ty-su-dung-chat-cam-trong-chan-nuoi-a122161.html