Thiết kế mâm lễ ăn hỏi với 7 tráp

Các tráp lễ vật thường xếp theo hình tháp, đặt trên mâm và phủ vải nhung đỏ để nhà trai mang tới nhà gái.

Ở miền Bắc, số lượng mâm quả (tráp ăn hỏi) luôn là số lẻ, ít nhất từ 3 tráp, tới 5, 7, hoặc nhiều gia đình có thể chọn tới 13, 15 tráp. Tuy nhiên đa số các gia đình chọn 7 tráp cho ngày ăn hỏi, vì đây là số lượng vừa phải, tiện lợi lại có đầy đủ các lễ vật cần thiết.

Trong số 7 tráp, lễ vật thường bao gồm:

- Trầu cau
- Bánh cốm
- Chè
- Bánh đậu xanh
- Mứt sen trần
- Rượu và thuốc lá
- Hoa quả

Một số gia đình còn thay bánh đậu xanh bằng lợn sữa quay, gà quay hoặc xôi để làm mâm lễ vật thêm phong phú, có cả đồ mặn, đồ ngọt. Tuy mâm quả là số lẻ, nhưng số lượng lễ lại là số chẵn, để mọi vật đều có đôi có cặp, sinh sôi nảy nở.

Về cách trang trí, các tráp bao gồm bánh cốm, chè, bánh đậu xanh, hạt sen thường được xếp theo hình tháp, kết hoa đỏ, gắn chữ hỷ, tín hiệu may mắn cho đám cưới. Các tráp còn lại sẽ được đặt trong khay, sắp xếp tùy thuộc gu thẩm mỹ của từng gia đình. Sau khi hoàn tất, toàn bộ lễ vật sẽ được đặt lên mâm tráp và phủ vải nhung đỏ để nhà trai mang tới lễ ăn hỏi tại nhà gái.

Để chuẩn bị các tráp ăn hỏi, các đôi uyên ương tại Hà Nội có thể tìm thấy những cửa hàng cung cấp dịch vụ cưới hỏi trọn gói tại phố Hàng Than, Hàng Giấy, Cửa Đông để được tư vấn cụ thể, phù hợp nhất.

Tráp mứt sen trần.

Tráp chè Tân Cương, Thái Nguyên.

Tráp bánh cốm.

Tráp buồng cau và lá trầu.

Tráp rượu và thuốc lá.

Tráp hoa quả.

Một số gia đình còn có thêm xôi gấc hoặc lợn quay, gà quay.

Khi sắp xếp cạnh nhau, những lễ vật này sẽ tạo nên một mâm tráp ăn hỏi đẹp, thể hiện truyền thống cưới hỏi chỉn chu trong đám cưới của người Việt.

Bài và ảnh: Linh Phạm

Nguồn Ngôi Sao: http://ngoisao.net/tin-tuc/cam-nang/2012/10/thiet-ke-mam-le-an-hoi-voi-7-trap-215339/