Thiên tình sử ngài tổng trấn khai mở đất Hà Tiên và sư nữ trụ trì Phù Dung Tự

Hà Tiên là vùng đất chót mũi Tây Nam của nước ta, thuộc tỉnh kiên Giang, là điểm du lịch nổi tiếng. Đến Hà Tiên, du khách không thể không đến thăm khu di tích của dòng họ Mạc đã có công khai phá vùng đất này. Cách đó không xa là ngôi chùa xưa nhất và nổi tiếng nhất nơi đây - Phù Dung Tự.

Cảnh Hà Tiên.

Để rồi, trong khói hương bàng bạc của nhà chùa, du khách được nghe kể về thiên tình sử giữa vị nữ sư trụ trì đầu tiên của ngôi chùa với ngài tổng trấn có công khai mở vùng đất Hà Tiên.

Kỳ 1: Nơi họ Mạc dựng cơ đồ

Vùng đất Hà Tiên (Tiên ở trên sông) hình thành cùng lúc với những người họ Mạc từ phương Bắc chạy loạn đến đây dựng cơ đồ. Hiếm có vùng đất nào ở phương Nam vừa đậm chất sử thi, vừa bàng bạc những chuyện tình như huyền thoại, lại vừa đậm chất văn chương như Hà Tiên.

Ra đi vì “phản Thanh, phục Minh”

Khi nhà Minh bị diệt, nhà Thanh lên cầm quyền, ở Trung Hoa có phong trào “phản Thanh, phục Minh” - nhằm lật đổ nhà Thanh, khôi phục lại nhà Minh - khá rầm rộ. Thế nhưng, nhà Thanh quá mạnh, các lực lượng “phản Thanh phục Minh” dần tan rã, bị truy lùng ráo riết, buộc họ phải đưa cả gia đình, dòng tộc chạy lánh nạn ra ngoài biên giới Trung Hoa. Một bộ phận “phản Thanh, phục Minh” hàng chục ngàn người vượt biên giới sang nước ta xin cư trú, trốn tránh sự truy lùng của nhà Thanh cuối thế kỷ 17.

Các chúa Nguyễn đã đồng ý tiếp nhận và tạo điều kiện cho họ cư trú, sinh sống lâu dài trên đất nước ta. Nhiều người trong họ đã góp công sức xây dựng nước Việt Nam như là quê hương thứ hai của họ, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm bản sắc văn hóa của nước Nam. Dân ta gọi họ là người Minh Hương.

Một bộ phận người Minh Hương do Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn cho đến định cư ở cù lao Phố bên sông Đồng Nai (thuộc Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay) và họ đã có công làm cho cù lao này trở thành nơi giao thương nhộn nhịp sau đó nửa thế kỷ. Một bộ phận người Minh Hương khác do Dương Ngạn Địch được chúa Nguyễn cho đến định cư ở Mỹ Tho bên bờ sông Tiền (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay).

Khoảng 5 ngàn người Minh Hương do Dương Ngạn Địch đứng đầu, sau khi đến định cư ở Mỹ Tho, đã cùng với cư dân người Việt từ miền Trung đến khai phá vùng đất này trước đó nhanh chóng xây dựng nên đô thị Mỹ Tho phồn vinh, sầm uất vào giữa thế kỷ 18 ở miền Tây Nam bộ. Cùng lúc ấy, cù lao Phố cũng trở thành đô thị sầm uất ở miền Đông Nam bộ. Đến nửa sau thế kỷ 18, Mỹ Tho (lúc đó mệnh danh là “Mỹ Tho đại phố”) và cù lao Phố là 2 đô thị sầm uất nhất Nam bộ, hơn hẳn Sài Gòn - Bến Nghé mới bắt đầu nhộn nhịp.

Mạc Cửu (1655-1735), cũng chung hoàn cảnh như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, phải dắt díu gia đình, dòng tộc bỏ nước ra đi để tránh sự truy sát của triều đình nhà Thanh. Nhưng nhóm người Minh Hương của Mạc Cửu không ghé vào Việt Nam xin cư trú mà dong thuyến đến tận Nam Vang (nước Chân Lạp) mới dừng lại. Đến vùng Chân Lạp, ông bỏ tiền ra mua chức Ốc Nha và làm quan tại đây. Sau, ông về vùng Sài Mạt (sau này là Hà Tiên) và gầy dựng cơ đồ.

Sau nhiều biến động, dẹp tan bọn cướp biển trong vùng và thoát khỏi sự chèn ép của nước Xiêm La (Thái Lan ngày nay), Mạc Cửu đã cát cứ một vùng, như thể một sứ quân. Ông nhận ra một điều, nếu cứ đứng chơi vơi một mình, không thể nào thoát khỏi sự thôn tính của nước Xiêm chuyên kiếm chuyện gây hấn, từ đó Mạc Cửu đi đến một quyết định lịch sử: Xin thần phục các chúa Nguyễn của nước Nam.

Lúc này ở Gia Định, các chúa Nguyễn đã lập xong phủ Gia Định, cơ bản ổn định nền hành chính vùng đất mới khai phá phương Nam. Người Việt và các di thần người Hoa đã định cư yên ổn, làm ăn thuận tiện. Chính điều đó khiến Mạc Cửu nhận thấy rằng, muốn tồn tại phải có thế lực đủ mạnh để bảo vệ, che chở cho lãnh địa mà ông đã tốn công gây dựng. Sau khi họp cả dòng tộc họ Mạc tại đất Hà Tiên để bàn luận nhiều ngày, cuối cùng Mạc Cửu đi đến một quyết định hệ trọng: Năm 1708, ông cùng các thuộc hạ tên là Lý Xá, Trương Cầu đem lễ vật đến Phú Xuân (Huế ngày nay) xin thần phục, để Hà Tiên trở thành lãnh địa của nước Nam.

Mạc Cửu có nhiều vợ, nhưng không có tài liệu nào nói rõ là bao nhiêu. Chỉ biết theo “Gia định thành thông chí” thì ông có người vợ cả tên Bùi Thị Lẫm, người huyện Đồng Môn (Biên Hòa) và sinh được con trai đầu lòng tên Mạc Sĩ Lân tức Mạc Thiên Tứ (còn có tên Mạc Thiên Tích), người tiếp tục sự nghiệp của cha làm rạng danh đất Hà Tiên sau đó. Và cũng chính Mạc Thiên Tích với khả năng và lòng đam mê văn chương, cùng sự hào hoa của mình đã để lại cho đất Hà Tiên hai di sản văn hóa rất có giá trị, đó là Tao đàn Chiêu Anh Các và chuyện tình giữa ông với nữ sư trụ trì chùa Phù Dung Tự.

Mộ Mạc Thiên Tích.

Giữa bốn bề giặc giã và cướp biển

Khi Tổng binh Mạc Cửu - người được chúa Nguyễn phong là Tông Đức hầu - qua đời (1735), lúc ấy Mạc Thiên Tích mới 18 tuổi, nhưng ông nối nghiệp cha mở mang đất Hà Tiên, được chúa Nguyễn Phúc Trú phong chức Tổng binh Đại đô đốc. Mạc Thiên Tích tiếp tục sự nghiệp khai khẩn miền Tây bộ, biến vùng đất Hà Tiên trở thành đất văn hiến, phồn vinh, nhiều lần chống trả lại các cuộc xâm lấn của các lân bang Xiêm La và Chân Lạp. Thế nhưng, do đây là vùng đất “tam giác” gần 3 nước Việt, Chân Lạp, Xiêm La, thường xuyên xảy ra chiến tranh, cộng thêm bọn cướp biển “đông như rươi” trên biển Đông nên Mạc Thiên tích phải liên tục chống trả thù trong giặc ngoài. Trong khi triều đình các chúa Nguyễn thì ở quá xa, không tiếp ứng kịp thời cho Hà Tiên.

Năm 1739, quốc vương Chân Lạp là Nặc Bồn mang quân tới đánh Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ điều động binh sĩ chiến đấu suốt ngày đêm. Quân xâm lấn bị Mạc Thiên Tứ đánh tan, họ Mạc được chúa Nguyễn khen ngợi, đặc cách cử ông làm Đô đốc tướng quân và ban cho áo bào đỏ cùng mũ, đai.

Năm 1747, giặc biển Đức Bụng vào cướp phá vùng ven biển đạo Long Xuyên (Cà Mau) cũng bị đội quân của Mạc Thiên Tứ đánh đuổi. Giữa năm 1771, vua Xiêm tự xưng là Trình Quốc Anh đích thân chỉ huy đạo quân 20.000 người tiến đánh chiếm Hà Tiên. Trình Quốc Anh thiêu rụi thành phố, chiếm tất cả các đảo lớn nhỏ quanh Hà Tiên, mang về rất nhiều vàng bạc. Con cháu, hầu thiếp và người con gái út của Mạc Thiên Tứ bị Trình Quốc Anh bắt sống đem về Bangkok. Mạc Thiên Tứ cùng các con trai phải rút về Rạch Giá, cho người về Gia Định cầu cứu chúa Nguyễn. Năm 1772, chúa Nguyễn mang 10.000 quân cùng 300 chiến thuyền sang Chân Lạp đánh quân Xiêm. Năm 1773, Trình Quốc Anh rút quân khỏi Hà Tiên, Phú Quốc và Hòn Đất, trả lại người con gái bị bắt làm tù binh cho Mạc Thiên Tích.

Vào khoảng năm 1776, khi quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, truy kích tàn quân chúa Nguyễn đến tận Rạch Giá, Hà Tiên, Mạc Thiên Tích (vốn phò chúa Nguyễn) chạy sang Xiêm lánh nạn. Nhưng tháng 4.1780, vua Xiêm là Taksin (Trịnh Quốc Anh) nghi ngờ ông làm gián điệp cho Gia Định, bắt giết các con lớn của ông là Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Dung cùng các phó tướng và 50 người tùy tùng, chỉ để lại con nhỏ là Mạc Tử Sanh và một cháu nhỏ bắt phải đi đày. Quá phẫn uất, ông tự tử tại Bangkok. Về sau, Mạc Tử Sanh được thả, trở về Gia Định phò giúp Nguyễn Ánh, được phong chức Tham tướng trấn thủ vùng Trấn Giang, có tiếng là tướng giỏi dù chỉ mới 19 tuổi, nhưng mất sớm.

Phồn vinh một thời

Trong thời kỳ Mạc Thiên tích trấn thủ Hà Tiên, vùng đất này phát triển kinh tế rất nhanh. Sách “Đại Nam liệt truyện tiền biên” ghi: “Bính Thìn năm thứ 11 (1736). Mùa xuân chúa cho Thiên Tứ làm Hà Tiên trấn Đô đốc, ban cho ba thuyền Long Bài, được miễn thuế, lại sai mở lò đúc tiền để việc mua bán được thông thương. Thiên Tứ mở rộng phố chợ, thương nhân và lữ khách các nước tụ họp rất đông”. Dẫn lại đoạn sử trên, tác giả nghiên cứu Hà Tiên khen: Ngay khi lãnh nhiệm vụ, Thiên Tích đã vực dậy nền kinh tế, tạo dựng Hà Tiên thành một cảng khẩu trù phú, sung túc. Điều đó cho thấy năng lực của người lãnh đạo Hà Tiên (ý nói Thiên Tích) thời đó quả không nhỏ.

Mạc Thiên Tích còn có công tạo lập vùng đất Hà Tiên như là đất văn chương. Cùng với Trần Trí Khải tự Hoài Thủy, một danh sĩ người Việt Đông (Trung Quốc), Mạc Thiên Tích đã tổ chức thành công Tao đàn Chiêu Anh Các vào năm 1736 ở Hà Tiên. Kể từ đó cho tới năm 1771, tao đàn trên đã đóng góp cho nền văn học Việt nhiều tác phẩm có giá trị như: Hà Tiên thập cảnh, Thụ Đức Hiên tứ cảnh, Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, Minh bột di ngư...

Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích cũng từng có ý tưởng biến Hà Tiên thành sòng bạc quốc tế như Ma Cau sau này. Cùng với việc biến Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang Thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác, họ Mạc còn lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển: Mán Khảm, Long Kỳ, Cần Bột, Hương Úc, Sài Mạt, Lình Quỳnh và Phú Quốc (đảo Koh Tral). Tiếng đồn vang xa, lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp, dần dần vùng đất này trở thành một lãnh địa phồn vinh với tên gọi mới: Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc, tức “vùng đất giàu có”.

Kỳ tới: Thiên tình sử mang tên Chiêu Anh Các

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/thien-tinh-su-ngai-tong-tran-khai-mo-dat-ha-tien-va-su-nu-tru-tri-phu-dung-tu-384582.bld