Thị trường vàng thế giới 2016 dưới góc nhìn chuyên gia

Cuối năm nay, nước Mỹ sẽ chọn ra vị Tổng thống mới, sau khi ông Barack Obama hết nhiệm kỳ. Thống kê cho thấy trong các năm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng USD thường tăng giá. Đây cũng là một trong những lý do để nhà đầu tư vàng cân nhắc.

Vàng sẽ nhận được ít sự quan tâm hơn do trái phiếu hay các tài sản của Mỹ đang dần được ưa chuộng. (Ảnh: wsj.com)

Trước tiên, hãy cùng nhìn lại những con số thống kê để thấy được chặng đường giá vàng đã đi trong suốt năm vừa qua. Vàng thế giới kết thúc năm 2015 quanh mốc 1.060 USD/oz, giảm hơn 100 USD/oz so với mức giá đầu năm. Đây là năm thứ 3 liên tiếp kim loại quý này giảm giá.

Kể từ thời điểm bắt đầu thế kỷ 21, chưa bao giờ giá vàng lại có chuỗi giảm liên tục dài như vậy. Đỉnh giá hiện tại của vàng thế giới giao ngay vẫn nằm ở mức 1.900 USD/oz, được thiết lập vào đầu tháng 9/2011.

Trong năm 2015, giá vàng SJC Việt Nam cũng nằm trong xu hướng giảm. Kết thúc ngày giao dịch 31/12/2015, giá mua vào SJC là 32,59 triệu đồng/lượng và cũng chính là mức giá mua vào thấp nhất năm, thấp hơn 2,51 triệu đồng/lượng so với đầu năm. Thời điểm nóng nhất, giá mua vào SJC chạm 35,63 triệu/lượng, vào giữa tháng 1/2015.

Khủng bố Paris 2015. Trong bối cảnh hỗn loạn, giới đầu tư sẽ nhớ đến vàng như một tài sản phòng tránh rủi ro hiệu quả. (Ảnh: abc.net.au)

Nhìn lại năm cũ và triển vọng cho năm mới

Nhiều sự kiện kinh tế chính trị đã có những tác động nhất định đến vàng trong năm vừa qua. Đó là sự thay đổi chính sách của Ngân hàng Trung ương các quốc gia hàng đầu; các xung đột chính trị trở nên căng thẳng hơn hay sự thay đổi trong cung cầu của chính kim loại quý này.

Sự kiện được xem là cột mốc, tác động hàng đầu đến giá vàng là đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Vào kỳ họp cuối cùng của năm, tháng 12/2015, Fed đã quyết định, lần đầu tiên trong gần một thập kỷ, nâng lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng (Fed funds/rate) lên thêm 0,25%, kết thúc giai đoạn dài giữ lãi suất gần mức 0%.

Hành động nâng lãi suất này như một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ, bắt đầu từ 2007, dường như đã chấm dứt. Các quan chức Fed kỳ vọng lãi suất sẽ được tiếp tục nâng lên, đạt mức 1,375% vào cuối 2016, tức là sẽ tăng khoảng 1% so với hiện nay.

Trong bối cảnh các quốc gia và khu vực hàng đầu khác trên thế giới như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga... đang phải đối mặt với những khó khăn và đã phải hoặc chuẩn bị tung ra các chính sách kích thích nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế thì việc siết chặt lãi suất từ Fed khiến USD trở nên có giá hơn.

Sự sai biệt chính sách tiền tệ giữa các quốc gia hàng đầu chính là lời lý giải cho việc USD đã tăng mạnh trong năm 2015. Với cách được định giá bằng đồng USD, không khó hiểu khi đà tăng của USD là nguyên nhân chính khiến vàng mất giá.

Sự leo thang căng thẳng chính trị cũng là một điểm nhấn mạnh mẽ. Thường trong bối cảnh hỗn loạn, giới đầu tư sẽ nhớ đến vàng như một tài sản phòng tránh rủi ro hiệu quả, tuy nhiên, sự hấp dẫn của đồng USD với lãi suất đang được nâng lên đã khiến giá vàng chưa được “để mắt” đến nhiều.

Chuyên gia James Steel, Giám đốc Bộ phận phân tích kim loại quý của HSBC. (Ảnh: www.bloomberg.com)

Nhận định của chuyên gia và các tổ chức lớn

Đánh giá về tình hình giá vàng trong năm 2016, ông James Steel, Giám đốc Bộ phận phân tích kim loại quý của HSBC, cho rằng giá sẽ tăng nhẹ và mức giá bình quân sẽ đạt 1.205 USD/oz năm nay. Bởi vì vàng đóng vai trò dự trữ an toàn và giúp các nhà đầu tư tại các quốc gia ngoài Mỹ có thêm kênh lựa chọn trong trường hợp muốn tránh rủi ro do đồng tiền quốc gia đó yếu đi.

Ở chiều ngược lại, Rob Haworth, chuyên gia phân tích đầu tư cao cấp của US Bank Wealth Management, lại cho rằng rủi ro lạm phát tại châu Âu cùng với giá dầu thô và giá gas thấp tại Mỹ sẽ khó lòng gây ra lạm phát. Đồng thời, báo cáo việc làm tháng 1/2016 sẽ cho Fed cơ hội để nâng lãi suất thêm nữa. Vì vậy, ông cho rằng giá vàng sẽ giảm hơn nữa trong năm 2016.

Một số ngân hàng và tổ chức tài chính lớn khác cũng đã đưa ra những dự báo về giá vàng của mình trong năm mới. UBS Group AG cho rằng mức giá bình quân sẽ là 1.250 USD/oz, trong khi ngân hàng Barclays (Anh) chọn mốc 1.054 USD/oz, gần sát mức thấp nhất 2015 là 1.050 USD/oz. Dự báo của Citigroup cho 2016 là 1.050 USD/oz và Bank of America Corporation thì cho rằng giá vàng có thể chạm mốc 1.000 USD/oz trước khi bật lên 1.250 USD/oz vào quý 4/2016.

Chuẩn bị gì cho năm 2016?

Dự báo luôn là một công việc cực kỳ khó khăn. Rất khó để có thể đoán định được những diễn biến sắp tới, đặc biệt là các yếu tố bất ngờ. Giá vàng đã tăng nóng trong suốt những năm đầu của cuộc khủng hoảng Mỹ, bắt đầu từ 2007 và đã giảm lại trong 3 năm vừa qua.

Sự phục hồi của đồng USD cùng với chu kỳ tăng lãi suất manh nha trở lại tại Mỹ sẽ khiến giới đầu tư chuyển vốn vào các tài sản Mỹ nhiều hơn với mong muốn hưởng lãi suất cao, trong khi đầu tư vào vàng thì không có lãi suất.

Mặc dù được giới đầu tư toàn cầu xem là tài sản giúp phòng tránh rủi ro, vàng cũng sẽ nhận được ít sự quan tâm hơn do trái phiếu hay các tài sản của Mỹ đang dần được ưa chuộng.

Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục đà phục hồi ấn tượng, với tăng trưởng việc làm tốt, tỷ lệ thất nghiệp giảm, chi tiêu tiêu dùng mạnh, tâm lý người tiêu dùng ổn định và thị trường nhà đất ấm lên thì giá vàng sẽ khó tăng mạnh được.

Cuối năm nay, nước Mỹ sẽ chọn ra vị tổng thống mới, sau khi ông Obama hết nhiệm kỳ. Một thống kê của Quỹ đầu tư BK Asset Management cho thấy rằng trong các năm diễn ra bầu cử tổng thống, đồng USD thường tăng giá (tăng 8/10 lần bầu cử gần đây), với mức tăng bình quân là 5%. Đây là một lý do nữa khiến những nhà đầu tư muốn mua vàng nên cân nhắc thêm.

Dương Huy (tổng hợp)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/thi-truong-vang-the-gioi-2016-duoi-goc-nhin-chuyen-gia-d39610.html