Thị trường mua bán tàu biển: Sôi động trở lại

Cùng với sự sôi động trở lại của thị trường tàu hàng rời thì thị trường mua bán tàu dầu cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Nhu cầu mua tàu dầu đang tăng trở lại, thể hiện qua các thương vụ mua bán thành công tại nhiều cỡ tàu. Tuy nhiên, mức giá cả vẫn chưa thực sự như mong đợi.

Cùng với sự "lao dốc" của giá cước vận tải biển do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, giá các loại tàu vận tải biển cũng giảm đáng kể. Sau hơn một năm đi xuống, lần đầu tiên, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển đã có thể sử dụng cụm từ "sôi động trở lại" để nói về hoạt động mua bán tàu biển. Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 5, chỉ số BDI (Baltic Dry Index) tăng gần gấp đôi, từ 1.806 đến 3.494 điểm. Thị trường tàu biển thế giới đã ghi nhận những thương vụ mua bán tàu biển thành công với mức giá cao đến bất ngờ. Đầu tháng 5/2009, tàu “Tai Shan” trọng tải 169.000 DWT đóng năm 1999 đã được bán với giá 38 triệu USD. Chưa đầy một tháng sau, một con tàu tương tự có tên “Mineral Azalea” đã được bán với giá 46,35 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với mức giá ước tính trước đó. Trên thực tế, không chỉ tàu cỡ Capesize mà giá các tàu cỡ khác như Panamax cũng tăng đáng kể. Thống kê cho thấy, cuối tháng 5, đầu tháng 6, có 19 thương vụ mua bán tàu thành công được báo cáo. Đáng nói hơn, có vẻ như càng giữ lâu thì khoản tiền thu về càng nhiều. Trong khi con tàu “Nord Jupiter” 76.000 DWT đóng năm 2006 được bán đầu tháng 5 với giá 33 triệu USD thì đến cuối tháng, những con tàu tương tự đang được chào bán ở mức giá khoảng 38 triệu USD. Với thị trường tàu đóng mới, sau một thời gian gần như đóng băng, đã bắt đầu có những hợp đồng đóng mới được ký kết. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, mặc dù vẫn còn khá sớm để dự báo rằng thị trường tàu đóng mới sẽ sôi động trở lại nhưng có thể thấy rằng một số chủ tàu bắt đầu có nhu cầu đóng mới và nếu tình hình tài chính ổn định dần lên, nguồn cung tăng lên thì hoàn toàn có thể tin vào sự ấm trở lại của thị trường này. Trở lại với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển Việt Nam, cùng với sự đi xuống của ngành vận tải biển trên toàn thế giới, các doanh nghiệp trong nước cũng đã phải chật vật cầm cự chỉ để "mong thoát lỗ". Cước vận tải đi xuống, hàng hóa khan hiếm, đa phần tàu phải chạy rỗng một chiều. Nhưng thế cũng đã là quá tốt. Không phải nằm tàu, dừng tàu đã là may. Cần phải nói rằng, tình trạng buộc phải dừng tàu không phải chỉ riêng có ở Việt Nam. Thống kê cho thấy, tại Singapore - một trong những cảng biển bận rộn nhất thế giới - số tàu dừng hiện tại đã lên tới hơn 700 tàu. Trong bối cảnh hàng khan, tàu thừa này, mua tàu có vẻ như là "chuyện ngược đời". Tuy nhiên, những công ty tính "chuyện ngược đời" đã và đang khẳng định sự đúng đắn trong quyết định của mình. Thực tế cho thấy, thời gian qua, có khá nhiều doanh nghiệp vẫn tích cực đầu tư mua mới tàu để tận dụng thời cơ giá tàu rẻ và đón đầu cơ hội khi thị trường hồi phục. Ngoài “đại gia” Vosco đã mua rẻ được 3 tàu từ hồi đầu năm thì mới đây, một trong những công ty vận tải biển lớn nhất Việt Nam: Vitranschart, trong đại hội cổ đông đã thông qua phương án phát triển đội tàu gồm mua 1 tàu hàng khô 28.000 DWT (trị giá 20 triệu USD) và đóng mới 1 tàu cũng có tải trọng 28.000 DWT (28 triệu USD). CTCP container Việt Nam Viconship cũng có kế hoạch đầu tư 1 tàu chở container có sức chở 300-350 TEU, giá mua khoảng 3 triệu USD. Chi nhánh Vinalines TP.HCM cũng có đề xuất đầu tư 1 - 2 tàu cỡ handy size hoặc panamax ngay trong năm 2009 này. Thời điểm hiện tại, khi giá tàu đang dần tăng trở lại, cái mà nhiều người vẫn gọi là "cơ hội trong khủng hoảng" cũng dần hiện thực hóa.

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/News/kinh-te-xa-hoi/Thi_truong_mua_ban_tau_bien_-Soi_dong_tro_lai/