Thị trường đầu thu số DVB-T2 nhộn nhịp đón ngày tắt sóng analog

ICTnews – Thị trường đầu thu số DVB-T2 những ngày giáp Tết Bính Thân đã tăng từ 1,5 đến 2 lần so với tháng trước Tết. Các doanh nghiệp đều chuẩn bị sẵn hàng để bán sau Tết, đón ngày tắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố sắp đến cận kề.

Thị trường đầu thu số DVB-T2 đã rất sôi động do ngày tắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố đã cận kề.

Tết Nguyên đán Bính Thân cũng là thời điểm tắt sóng mềm truyền hình analog ở 4 thành phố lớn đã cận kề, cùng với nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân đều tăng lên, do đó thị trường đầu thu truyền hình số DVB-T2 trước Tết khá sôi động.

Đại diện công ty LTP Vietnam cho biết, thị trường đầu thu số DVB-T2 những ngày giáp Tết tăng lên đáng kể, nhất là ở thị trường miền Bắc. Tại miền Bắc số lượng đầu thu số DVB-T2 của LTP Vietnam bán ra tăng từ 1,5 đến 2 lần so với tháng bình thường. Tại thị trường miền Nam có tăng nhưng không đáng kể.

Đại diện công ty Tân Nguyên An cho hay, theo số liệu từ hệ thống đại lý cung cấp thiết bị thì số lượng đầu thu DVB-T2 tiêu thụ cách đây khoảng hơn 1 tháng có tăng lên nhiều so với trước nhưng đến thời điểm sát Tết hơi chững lại do có thông tin thời điểm tắt sóng mềm sẽ được điều chỉnh.

Hiện tại đã có hơn 43 mẫu đầu thu DVB-T2 của các doanh nghiệp thực hiện công bố hợp quy đang dần được cung ứng ra thị trường. Giá của các loại đầu thu DVB-T2 chênh lệch nhau đáng kể, dao động từ 450.000 – 500.000 đồng/bộ, có một số loại cao cấp như iGate của VNPT và sản phẩm của GBS có giá 890.000 đồng/bộ.

Sức mua những ngày giáp Tết có tăng lên nhưng thực tế giá bán các sản phẩm không tăng mà còn có phần giảm nhẹ do một số doanh nghiệp tung ra các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm dịp Tết.

Một lý do khác khiến mặt hàng đầu thu DVB-T2 không bị tăng giá là do sức ép của thị trường này đang khá lớn, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu hàng lậu về cạnh tranh với hàng chính hãng, giá rẻ hơn từ 50.000 – 100.000 đồng/bộ, cho nên hàng chính hãng khó lòng tăng giá.

Do các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc và Đài Loan nghỉ Tết dài hơn Việt Nam 1 tuần, cho nên phần lớn các doanh nghiệp đều “găm” sẵn hàng để bán ngay sau Tết. Vì vậy, thị trường đầu thu DVB-T2 đủ hàng cung ứng ra thị trường.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chia sẻ rằng các doanh nghiệp đều muốn nhập nhiều thiết bị để chuẩn bị cho tắt sóng mềm analog tại 4 thành phố nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc áp mã HS cho mặt hàng đầu thu DVB-T2 nên nhiều doanh nghiệp dè dặt không dám nhập ồ ạt, vì nhập về nhiều cũng chưa được thông quan ngay, hoặc sau này bị truy thu thuế ở mức cao.

Không ít doanh nghiệp lo ngại, nếu tình trạng nhập khẩu hàng chính hãng vẫn bị khó khăn do chính sách thuế chưa rõ ràng thì hàng không chính thống (hàng nhập lậu) sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị phần, do các doanh nghiệp kinh doanh hàng lậu chủ động được nguồn hàng dễ dàng hơn, bán giá rẻ hơn.

Khi Việt Nam triển khai Đề án số hóa truyền hình, nếu tính theo số lượng tivi analog đang được lưu hành trong dân cư sẽ tạo ra một thị trường đầu thu số DVB-T2 cực lớn, lên đến 20 triệu bộ. Thị trường đầu thu số DVB-T2 được dự tính có thể đạt 500 triệu USD trong vòng 5 năm, từ 2015-2020. Nhưng trên thực tế các doanh nghiệp kinh doanh đầu thu số DVB-T2 đang phải cạnh tranh khá chật vật. Các doanh nghiệp đều tìm cách hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh, dẫn đến nguy cơ có nhiều sản phẩm giá rẻ chất lượng kém sẽ được tung ra thị trường, khiến người tiêu dùng bị thiệt hại.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã chỉ đạo, Cục Viễn thông cần phối hợp với các đơn vị như Cục Tần số Vô tuyến điện, các Sở TT&TT tiến hành lấy mẫu đầu thu bán trên thị trường về tiến hành đo kiểm xem doanh nghiệp có cung cấp sản phẩm đúng tiêu chuẩn đã đăng ký trong hồ sơ hay không. Nếu phát hiện sai phạm phải xử phạt một số vụ trọng điểm để răn đe. Phải tính cực kiểm soát việc gian lận thương mại đối với mặt hàng đầu thu số DVB-T2.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/vien-thong/so-hoa-truyen-hinh/thi-truong-dau-thu-so-dvb-t2-nhon-nhip-don-ngay-tat-song-analog-135354.ict