Thị trưởng Thiên Tân: Phải bảo vệ ông Tập Cận Bình bằng mọi giá

Ông Quốc phá vỡ sự im lặng của mình ngày 8/1 với một tuyên bố táo bạo: "Chúng ta phải bảo vệ Tổng bí thư Tập Cận Bình bằng mọi giá.

Hoàng Hưng Quốc, Quyền Bí thư - Thị trưởng Thiên Tân, ảnh: Đa Chiều.

Nikkei Asian Review ngày 11/2 đưa tin, ngay trước thềm năm mới Bính Thân, một sự kiện chính trị quan trọng đã diễn ra tại Trung Quốc. Ông Hoàng Hưng Quốc - Quyền Bí thư - Thị trưởng thành phố Thiên Tân và là một phụ tá thân cận của ông Tập Cận Bình, lần đầu xuất hiện trước công chúng từ khi xảy ra một loạt vụ nổ kho hàng làm gần 1000 người thương vong.

Ông Quốc phá vỡ sự im lặng của mình ngày 8/1 với một tuyên bố táo bạo: "Chúng ta phải bảo vệ Tổng bí thư Tập Cận Bình bằng mọi giá". Hoàng Hưng Quốc phát biểu điều này trước các quan chức địa phương do ông quản lý.

Hoàng Hưng Quốc gọi ông Tập Cận Bình là "hạt nhân lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc". Nikkei Asian Review bình luận, những lời của ông Quốc là một sự thừa nhận rằng, cơ chế tập thể lãnh đạo trong đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoàn toàn chuyển sang "hạt nhân lãnh đạo". Nói cách khác, mọi quyền lực đã tập trung về tay ông Tập Cận Bình.

Ông Quốc từng là thuộc cấp của ông Bình khi còn ở Chiết Giang. Hoàng Hưng Quốc bị lu mờ trên bầu trời chính trị Bắc Kinh bởi hàng loạt vụ nổ kho hóa chất ở Thiên Tân. Nhưng nay với lời ca ngợi "thái quá" dành cho Tập Chủ tịch, dư luận đang đặt câu hỏi về tiền đồ, quan lộ của ông Quốc có thênh thang, rộng mở trong đại hội 19 vào năm tới hay không.

Đặng Tiểu Bình đã mất rất nhiều tâm sức để phá bỏ tàn dư chủ nghĩa sùng bái cá nhân, vấn nạn đã đẩy Trung Quốc vào hỗn loạn trong những năm đại Cách mạng Văn hóa mà Mao Trạch Đông phát động từ 1966 đến 1976.

Năm 1989 Đặng Tiểu Bình đề bạt Giang Trạch Dân lên làm Tổng bí thư trong bối cảnh xảy ra vụ Thiên An Môn. Để củng cố uy tín cho ông Dân, Đặng Tiểu Bình đã gọi Giang Trạch Dân là "hạt nhân lãnh đạo thế hệ thứ 3", sau Mao Trạch Đông và Đặng.

Tuy nhiên người kế nhiệm ông Dân, Hồ Cẩm Đào ở ngôi 10 năm nhưng không được gọi là "hạt nhân lãnh đạo". Bản thân ông Đào không có đủ sức mạnh lẫn ham muốn đòi danh hiệu đó.

Giang Trạch Dân thì khác. Khi rời ghế Tổng bí thư và Chủ tịch nước năm 2002, 2003, ông Dân vẫn giữ lại cho mình ghế Chủ tịch Quân ủy trung ương cho đến mùa thu năm 2004. Khi rời hết các chức vụ chính thức, Giang Trạch Dân vẫn có ảnh hưởng lớn đến bộ máy nhân sự và thống trị nhiều đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Muốn tránh lặp lại bi kịch của ông Hồ Cẩm Đào, từ khi lên nắm quyền ông Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng mà theo Nikkei Asian Review, là nhằm mục đích xóa bỏ ảnh hưởng, tàn dư của Giang Trạch Dân.

Tuyên bố của Hoàng Hưng Quốc là một phản ứng dây chuyền sau một loạt các tuyên thệ trung thành với ông Tập Cận Bình của lãnh đạo các tỉnh Tứ Xuyên, An Huy, Hồ Bắc và một vài chiến khu. Tất cả đều gọi Tập Cận Bình là "hạt nhân lãnh đạo".

Nếu như ông Giang Trạch Dân có được danh hiệu "hạt nhân lãnh đạo" là do Đặng Tiểu Bình ban cho, thì ông Tập Cận Bình lại được chính các thuộc cấp xưng tụng. Rõ ràng đây là một trong những nỗ lực có ý thức để đôn vai trò cá nhân ông Tập Cận Bình ngang bằng với Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông, Nikkei Asian Review bình luận.

Hồng Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/quoc-te/thi-truong-thien-tan-phai-bao-ve-ong-tap-can-binh-bang-moi-gia-post165655.gd