Thi lại Đại học - Hãy là một chiến binh bạn nhé!

Thành công đến muộn nhưng ngọt ngào sẽ gấp đôi!

Những ngày hè “nóng” nhất của các sĩ tử 12 đã qua, điểm thi của hầu hết các trường đã được công bố. Một số chắc đậu đã an lòng với một chuyến phượt hay những buổi liên hoan. Một số sau những thời gian khủng hoảng đang bắt đầu tìm cho mình một lối đi… Và không ít trong số đó chọn cách dành thêm một năm cho ước mơ đại học: Thi lại. Thêm một thách thức, thêm một cơ hội, nhưng đầy rẫy khó khăn.

Hơn một lí do

Đương nhiên phần đông các cư dân trong “cộng đồng” thi lại là những teen bị lỡ nhịp với cổng trường đại học vì thiếu một ít điểm, một chút tự tin hay một xíu may mắn. Bạn Thanh Lan (THPT Tĩnh Gia, Thanh Hóa) tâm sự: “Năm nay mình thi đại học Ngoại thương, thiếu mất một điểm, năm sau mình quyết thi lại cho kì đỗ”. Trượt đại học, có phải đa phần các bạn chọn cách đánh đổi thêm một năm nữa vì ước mơ đại học?

Không ít bạn thi lại khi đã là sinh viên một trường đại học nào đó. Ngọc (cựu sinh viên Học viện Ngân hàng) chia sẻ: “Cấp 3 mình học chuyên Văn, nhưng vì thấy ngành Ngân hàng hot quá nên quyết tâm thi, đỗ rồi nhưng càng học càng thấy vẫn còn duyên nợ với Văn chương nên mình quyết thi lại Khoa học Xã hội Nhân văn”.

Thế Dương (Đại học dân lập Phương Đông) thì rơi vào hoàn cảnh khác: “Mình học dân lập tốn kém mà bố mẹ cũng chỉ làm công chức nên quyết tâm năm nay thi lại cho đỡ tốn".

Bạn Ánh (Đại học Ngoại thương) bày tỏ: “Tớ đậu cả Y và Ngoại thương, nghe nói Y học vất vả con gái không nên học, nên đắn đo mãi tớ chọn Ngoại thương, nhưng mà vào rồi thấy mình “ù lì” quá không hợp với môi trường năng động ở đây nên tớ thi lại Y thôi”.

Thi trượt, môi trường học tập không phù hợp, sai lầm trong chọn ngành hay thậm chí chỉ bởi vấn đề học phí quá cao, nhiều bạn chấp nhận đánh đổi một năm để thực hiện được ước mơ, đam mê của bản thân.

Muôn vàn khó khăn

Sau một năm, kiến thức đã vơi đi rất nhiều. Hơn thế, các bạn lại không được ôn tập thường xuyên với sự “thúc giục dữ dội ” của thầy cô ở lớp. Bởi thế việc học nhiều khi không diễn ra liên tục, học theo hứng, kiến thức bị “nhảy tứ tung” cũng là điều dễ hiểu.

Tâm lí chán nản cũng là điều thường thấy, đồng thời là trở ngại lớn nhất đối với những bạn thi lại. Các bạn dễ bị tâm lý mệt mỏi, xì trét vì áp lực lớn. “Quyết tâm thì vẫn quyết tâm thế thôi nhưng ngẫm kĩ vẫn hơi sợ, đôi khi nghĩ hay chọn luôn nguyện vọng 2 đi cho đỡ mệt”, bạn Lan đang ở nhà ôn để thi lại chia sẻ.

Cố gắng nhé rồi sẽ tìm thấy ánh sáng thực sự cho chính mình!

Lo lắng. Sợ. Và bất an.

Đó là những điều rất dễ bắt gặp. Không chỉ phải vượt qua các bạn khác, teen thi lại còn phải vượt qua chính mình một năm trước. Các bạn đang là sinh viên thì càng dễ buông xuôi, chán nản, nhiều khi muốn “an phận” luôn. “Không ít lần ôn thi mệt quá, lại đúng đợt thi cuối kì trên trường, tớ cứ gọi là xoay như chong chóng, lắm khi mệt mỏi kinh khủng”, Ngọc nhớ lại.

Khó khăn từ phía bạn bè gia đình không ít. Bạn sẽ phải đối mặt với đủ thứ áp lực từ bốn phương, tám hướng luôn. Hàng xóm thì xì xào khi thấy bạn cả ngày ở nhà: “Con bé đó nghe nói năm nay thi lại trường A, B, C đó, năm ngoái đã đỗ năm nay vẫn trèo cao thế…trượt chắc”. Hay thậm chí: “Học không đến đâu thì ở nhà lấy chồng luôn đi cho bố mẹ đỡ tốn”. Nhìn bạn bè xách ba lô từ trường về trong hãnh diện cũng hơi bị “tủi thân” luôn. Bố mẹ cũng vì lo lắng mà nói ra nói vào, hay tỏ vẻ không vui lắm hoặc sớm mong bạn chọn một trường tầm thấp hơn nữa chứ. Tóm lại, khó khăn là vô kể và trở ngại là vô cùng.

Thành công... sẽ ngọt ngào gấp đôi

Thêm một cơ hội để bạn chứng tỏ bản thân và đi theo con đường mà mình mơ ước. Các bạn mình đỗ từ năm đầu hẳn sẽ không có được cái cảm giác vỡ òa của Thế Dương khi xem điểm thi của mình trên mạng: “Mình đỗ rồi, cảm giác lần này rất khác, thấy tuyệt lắm… dù sẽ ra trường chậm hơn một năm, nhưng với mình có lẽ đây là điều cực kì đáng giá”. Thành công đến muộn càng quý báu và đáng trân trọng hơn hết. Đúng không các bạn?

“Tớ thấy mình rất sáng suốt khi chọn thi lại vào trường Nhân văn, được học tiếp về Ngữ văn, được tiếp tục với ước mơ của mình… Đó có lẽ là điều tuyệt vời hơn hết”. Ngọc ngậm ngùi chia sẻ khi nhớ lại khoảng thời gian thi lại của mình. Hiện giờ bạn í là sinh viên năm nhất trường Nhân văn rồi.

Một năm với nhiều khó khăn và thử thách hẳn cũng giúp các bạn í nhận ra được mình muốn gì và thực sự yêu điều gì để có lựa chọn hoàn hảo nhất cho mình. Một lần đã ngồi thi, hẳn các bạn í có thêm vô số kinh nghiệm quý báu cho bài thi của mình. Thành công bắt đầu từ nỗ lực hết mình hẳn sẽ ngọt ngào lắm đấy!

Thi lại - những điều bạn cần

“Một tinh thần thép”, Ngọc nói. Đúng vậy, các bạn cần có bản lĩnh đủ lớn, cái đầu đủ rắn như kiểu một “chiến binh”. Chỉ vậy mới có thể vượt qua mọi lời xì xào của hội đồng buôn lê bán vịt trong khu phố nhà bạn và cả những phút “yếu lòng”, xì trét, chán nản mọi thể loại… Bạn cũng cần có quyết tâm đủ lớn và một kế hoạch hoàn hảo đi kèm. Để tránh những “cám dỗ” từ phim ảnh, nhạc nhẽo, hội hè và đủ thứ trò vui vẻ, sung sướng hơn việc “cắm đầu” vào mấy trang sách chi chit chữ. Chỉ có thế bạn mới lấp đầy được lượng kiến thức còn thiếu và “bồi bổ” thêm cho nó vô số điều mới.

Và nhớ thêm một điều: “Sức khỏe là bạn, mất bạn là mất… tất”. Thế nên đừng có cố quá để thành quá cố. Chọn cho mình phương pháp khoa học và hiệu quả để đi đến thành công, cấm chỉ định thức quá khuya và lao đầu vào học quên cả ăn uống đó nha!

Nào, nếu bạn lỡ thiếu một chút gì đó để thành công trong năm nay, hãy đứng lên và trở thành “chiến binh thực thụ” để trở bước vào cuộc chiến mới với niềm tin mãnh liệt: “Năm sau, mình sẽ thi lại và đỗ”. Tại sao không, nếu bạn có tất cả những điều trên?

Trượt đại học có phải điều kinh khủng?

Lengkeng

Theo dòng sự kiện:

Nguồn VnExpress: http://ione.net/tin-tuc/hoc-duong/cong-truong/2012/08/32882-thi-lai-dai-hoc-hay-la-mot-chien-binh-ban-nhe.html