Theo vết chân thợ săn trộm thú rừng

Trong những khu rừng bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, rừng đầu nguồn Hương Sơn không khó để bắt gặp dấu chân của nhóm người chuyên đi bẫy trộm săn bắt thú rừng.

Không dấu vết

Vào buổi trưa ngày cuối năm chúng tôi đã có cuộc hành trình xâm nhập vào rừng sâu để tận mục sở thị săn bắt thú. Khoảng 1 giờ chiều chúng tôi được ông Lê Văn P một thợ săn thú chuyên nghiệp ở xã Kỳ Thượng, Kỳ Anh dẫn vào rừng bẫy thú. Cuộc hành trình bắt đầu đi săn, tôi thấy ngạc nhiên vì “hành trang” chẳng có gì ngoài những nhu yếu phẩm như: Gạo, mắm, muối và cái cây rà sắt, ông P. giải thích: “Bẫy thú đặt trong rừng chứ ai lại mang đi mang về. Còn cái cây rà sắt này đem theo để không ai nghĩ mình đi săn”.

Sau hơn 20 phút đi xe máy đến bìa rừng bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, chúng tôi giấu xe rồi tiếp tục lội bộ, trên đường đi người thợ săn không quên căn dặn một mớ nguyên tắc như: Đi phải bước nhẹ nhàng trên lá không được để dấu chân lại kể cả váng nhện bắc qua cây cũng không được làm đứt, nhằm tránh cán bộ bảo tồn hoặc thợ săn khác phát hiện.

Ngoài ra ông P còn giảng cho tôi hiểu sơ qua về cách đặt bẫy, cũng như làm cách nào để biết được đâu là nơi mà con thú đi ngang qua trên đất hay trên lá cây. Loại bẫy mà họ sử dụng là loại bẫy nhỏ, chỉ có thể bẫy được những con thú nhỏ như khỉ, chồn, sóc, nhím, gà rừng… Loại bẫy này dễ làm, chỉ cần sử dụng một sợi dây thép mỏng, ngụy trang dưới một lớp lá, bên dưới là một hố nhỏ có đường kính khoảng 10cm bắt ngang qua lối đi của con thú. Chiếc vòng tròn bằng dây thép được nối với một sợi dây thắng xe đạp và thân cây nhỏ ven đường đi của thú. Chỉ cần một cử động nhẹ là lập tức cần bẫy bật lên treo con thú thòng lòng trên không.

Hình thức đặt bẫy của các thợ săn tuy đơn giản nhưng không có con thú nào thoát khỏi

Theo ông P thì mỗi thợ săn đặt khoảng 40 đến 50 cái bẫy nằm rải rác trong khu rừng. Một ngày đi thăm bẫy 2 lần, buổi sáng khoảng 6 giờ và buổi chiều khoảng 4 giờ. Mỗi lần đi như vậy mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại họ làm những công việc khác như làm bẫy mới, nấu ăn... Mà mùa mưa là mùa săn thú rừng, tuy có cực nhọc trong việc đi lại nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn.

Một con nhím bị mắc bẫy lâu ngày bị phân hủy dần đôi chân

Ông P cho biết thêm : "Trước năm 1995, vùng đất này còn hoang sơ, ít người đi lại nên hoẵng, nai, lớn, khỉ nhiều nhưng 15 năm nay gần như thú rừng đã biến mất, giờ tìm con chồn đã khó huống gì nai, heo".

Hồi trước, người dân chỉ bẫy thú để nhậu và cải thiện bữa ăn, đến khi thịt rừng trở thành đặc sản ở các nhà hàng, thì giá thú rừng sống hấp dẫn hơn công lao động cật lực cả ngày trên nương rẫy, vì vậy nhiều người rủ nhau vào rừng giăng bẫy kiếm thú để bán. Ai bẫy được thú thì có người trong làng gom mua ngay.

Khi hỏi về giá thịt thú rừng, ông P cho hay: "Thịt thú rừng còn sống nguyên vẹn thì giá khá cao, cheo 480.000 đồng/kg, chồn hương 700.000 đồng/kg, nhím 150.000 đồng/kg, nếu bị gãy chân, dập đầu, thì mổ bỏ phủ tạng nhưng phải giữ nguyên bộ lông mới chứng minh được đó là thú rừng. Các quán thịt rừng mua từ người bẫy thú rừng mỗi cân thịt chồn ngận, chồn dơi từ 120 đến 150 ngàn đồng, chồn đèn trên dưới hai trăm, chồn mướp trên ba trăm ngàn.

Điểm nóng

Hà Tĩnh là một trong những địa phương được xem là “điểm nóng” về buôn bán động vật hoang dã. Ở đây không chỉ dừng lại ở số vụ đã bị phát hiện bắt giữ số lượng động vật quý hiếm mà còn liên quan trực tiếp đến hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã dọc tuyến biên giới Việt – Lào.

Các quán hàng đặc sản rừng mọc lên như nấm

Trong vai một người mua hàng đang tìm thú rừng sống, tôi đến nhà hàng S tại khu vực Ngã Tư Cảng Vũng Áng, thuộc xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh. Vừa bước chân vào quán chủ nhà hàng nhanh chóng chạy tới giới thiệu từng món thịt rừng và không quên kèm theo các mức giá không “mềm” chút nào. Tiếp thị xong bà chủ lôi tuột vào gian bếp, mở cả nắp chiếc tủ lạnh đựng đầy thú rừng được làm sẵn. “Ngoài tê tê hơi hiếm, còn lại loại từ chồn, cheo, heo rừng, mang, nai, nhím, rắn và dúi thì không thiếu... Chỉ cần khách hàng gọi điện thoại sẽ cho người giao hàng tới tận nhà.

Tiếp tục tìm đến nhà hàng Q. ở Ngã Tư Cảng Vũng Áng, nhìn qua thực đơn chúng tôi nhận thấy nhiều loài như rắn, chồn; cheo; nhím; lợn rừng... đều được công khai giới thiệu cho thực khách.

Theo con số thống kê từ đầu năm đến nay đây, các lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã phát hiện và xử lý tới 29 vụ vi phạm buôn bán vận chuyển ĐVHD, tịch thu hơn 5 tấn động vật hoang dã các loại như tê tê, rùa, hổ, tê giác kỳ đà.

Đặc biệt trong thời điểm cuối năm. Các đối tượng buôn bán động vật hoang dã càng hoạt động mạnh mẽ. Trong gần 1 tháng cuối năm, lực lượng liên ngành của Hà Tĩnh đã bắt giữ nhiều vụ buôn bán vận chuyển động vật hoang dã với quy mô lớn. Điển hình như vụ bắt giữ 500kg tê tê vào 26/12/2012.

Hà Tĩnh luôn là nạn săn bắt, mua bán (ĐVHD) vụ vận chuyển tê lớn bị cảnh sát môi trường bắt giữ

Ngày 11/1/2013, Công an huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã mật bắt giữ một ôtô chở 80 con kỳ đà (322,6kg) và 68 con rùa (386,9kg). Tổng số lượng động vật hoang dã là 700kg. Riêng từ ngày 23 đến 27/1, kiểm lâm Hương Sơn bắt giữ hơn 300 kg rùa và tê tê.

Địa điểm trung chuyển chủ yếu là khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo là con đường vận chuyển động vật hoang dã từ Myanmar, Thái Lan qua Lào rồi vào Việt Nam, rồi sau đó được các đầu nậu trung chuyển đi các địa phương khác.

Mặc dù cơ quan chức năng tăng cường lực lượng kiểm tra kiểm soát nhưng do lợi nhuận từ nguồn thu này rất cao nên các đối tượng dùng mọi thủ đoạn nhằm gia tăng các hoạt động buôn bán trái phép.Khi có số lượng ĐVHD trong tay, chúng chia nhỏ rồi dùng phương tiện nhỏ lẻ chuyên chở. Bên cạnh đó, ở địa bàn huyện Hương Sơn, có nhiều tuyến đường liên xã, việc kiểm soát của các lực lượng chức năng hết sức khó khăn”.

Xuân Bắc

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Doi-song/Theo-vet-chan-tho-san-trom-thu-rung/60360.info