Thêm xanh rừng, xanh đơn vị

QĐND - “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, mỗi độ Xuân về, các đơn vị toàn quân lại ra quân thực hiện “Tết trồng cây”, tạo phong trào hành động sôi nổi, với nhiều kinh nghiệm, cách làm phong phú, đạt hiệu quả thiết thực…

Bộ đội, nhân dân cùng góp sức

Trong chiến tranh “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Trong thời bình, với đặc thù hoạt động quân sự, cán bộ, chiến sĩ ta luôn nhận thức đầy đủ, sâu sắc lợi ích của rừng cũng như nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng. Nhiều đơn vị đóng quân, làm nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, gian khổ, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, do vậy việc xây dựng cảnh quan môi trường, trồng rừng trở thành yêu cầu tất yếu, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, đồng thời giảm tác động của khí hậu, thời tiết, môi trường đối với hoạt động quân sự, tăng cường sức khỏe của bộ đội. Những năm gần đây, nạn chặt phá rừng ở khá nhiều địa phương gây hậu quả nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, làm cho thời tiết diễn biến phức tạp, bão lũ, thiên tai ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cũng như hoạt động huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị quân đội.

Là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng từ nhiều năm qua được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của quân đội và là nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị, luôn được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ. “Tết trồng cây” hằng năm trở thành phong trào hành động sôi nổi, liên tục trong năm của cán bộ, chiến sĩ, gắn với phong trào “Xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, "xây dựng cảnh quan, môi trường văn hóa". Bộ đội tích cực trồng cây xanh trong đơn vị, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đồng thời tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân ở địa bàn đóng quân trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội là lực lượng xung kích, nòng cốt trong phòng, chống cháy rừng, chiến đấu với giặc lửa, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, của Nhà nước, quân đội và giữ màu xanh của rừng.

Đại tá Lê Thành Vinh, Trưởng phòng Sản xuất (Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần) cho biết: Trong 10 năm gần đây, các đơn vị quân đội, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã trồng hơn 30 triệu cây phân tán và 13 nghìn héc-ta rừng tập trung (chưa tính diện tích trồng rừng của các đoàn kinh tế-quốc phòng). Chỉ riêng năm 2011, toàn quân đã trồng hơn 240 nghìn cây ăn quả, gần 3 triệu cây bóng mát, cây lấy gỗ. Hằng năm, các đơn vị quân đội phát hiện, ngăn chặn hàng trăm vụ phá rừng, dập tắt hiệu quả hàng chục vụ cháy rừng, nhất là trong mùa hanh khô…

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội sôi nổi thực hiện Tết trồng cây. Ảnh: Hoàng Hải

Biện pháp, trách nhiệm cụ thể

Những ngày giáp Tết, đến đảo Bạch Long Vĩ, chúng tôi bị cuốn hút bởi màu xanh của cây cối trên đảo. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên không làm mất đi màu xanh cây trái. Công việc cuối năm bận rộn, nhưng các đơn vị đều xây dựng, triển khai kế hoạch trồng rừng đầu năm. Đại tá Đỗ Đình Nam, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 952 (Vùng 1 Hải quân), chia sẻ: Trồng cây trên đảo rất khó khăn, do thiếu nước ngọt, cây giống, khí hậu khắc nghiệt; tỷ lệ cây sống không cao, cây sinh trưởng chậm, phải chăm sóc rất vất vả, công phu, nhưng nhờ làm tốt công tác giáo dục, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều nhận thức rõ ý nghĩa của việc trồng rừng, chăm chút cho từng mầm xanh. Đến nay, toàn bộ diện tích doanh trại đơn vị quản lý đều phủ kín cây xanh, với nhiều chủng loại khác nhau, như thông, bàng, na dại… Cây xanh tạo môi trường sinh thái trong lành, che chắn gió bão, là một tiêu chí xây dựng đảo “đẹp về cảnh quan, vững về phòng thủ…”.

Ngày đầu năm mới, đến Lữ đoàn Công binh 575 (Quân khu 1) - một trong các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức làm điểm “Tết trồng cây” của toàn quân Xuân 2012, Thượng tá Đàm Khắc Kiểm, Lữ đoàn trưởng cho biết: Đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa “phát và động”, phấn đấu ngay trong ngày đầu ra quân của “Tết trồng cây” sẽ trồng mới 2000 cây; trong năm hoàn thành trồng 15ha rừng. Từ kết quả trồng rừng những năm trước, kinh nghiệm của đơn vị là phải nghiên cứu nắm chắc và tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị quản lý, gắn với trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ trong chăm sóc, quản lý, không để cây trồng bị chết, bị mất mát...

Tham gia dự án trồng rừng, trồng cây công nghiệp là một nhiệm vụ khá mới mẻ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình, nhưng bước đầu thu được kết quả tốt và còn giúp BĐBP tỉnh tìm ra hướng đi giúp đồng bào địa phương giảm nghèo. Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: “Từ thực tế địa bàn hoạt động của bộ đội ở vùng sâu, vùng xa, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai dự án trồng cao su, trồng rừng; tăng cường học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị bạn, tổ chức làm điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, từ đó hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân địa phương làm cùng, làm theo…”.

Gắn với địa phương, chú trọng tính hiệu quả

Tại Hội nghị quân chính triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Bộ tư lệnh BĐBP, Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy BĐBP khuyến khích, động viên các đơn vị trong toàn lực lượng tham gia các dự án trồng rừng của địa phương, góp phần phủ xanh biên cương, cải thiện đời sống của bộ đội và giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, hạn chế thấp nhất tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy…

Nhiều năm theo dõi công tác trồng cây, trồng rừng của các đơn vị toàn quân, Đại tá Lê Thành Vinh, chia sẻ: “Kết quả trồng cây, trồng rừng của các đơn vị là rất đáng khích lệ. Tuy vậy, cũng còn một số đơn vị chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức; tổ chức phát động rầm rộ, phô trương hình thức, trong khi chưa lựa chọn giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; không có kế hoạch trồng, chăm sóc chu đáo, nên tỷ lệ cây bị chết còn nhiều, lại không tổ chức trồng dặm, trồng bổ sung kịp thời. Việc tỉa cành, khai thác vườn, rừng kết hợp với trồng mới chưa có kế hoạch khoa học, lâu dài, nên hiệu quả trồng cây, gây rừng chưa cao”.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, kinh phí mua cây giống, phân bón, dụng cụ… hầu hết do các đơn vị tự trích từ quỹ vốn tăng gia sản xuất, trong khi nguồn vốn này khá hạn hẹp, nên việc triển khai gặp khó khăn. Để khắc phục, một số đơn vị đã chủ động ươm cây giống, vừa chủ động giống cây và góp phần giảm chi phí. Các đơn vị mong muốn có sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí, giống cây, phân bón nhiều hơn của cấp trên phục vụ trồng cây, trồng rừng. Những đơn vị, cá nhân làm tốt cần được biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Sau nhiều năm tổ chức trồng cây, diện tích đất trồng cây phân tán và tập trung ở các đơn vị còn lại không nhiều, trong khi diện tích đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn đóng quân còn khá lớn. Các đơn vị cần chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ngành nông-lâm nghiệp địa phương để triển khai các dự án trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời tăng thêm nguồn thu, cải thiện đời sống bộ đội. Các bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần có những chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm huy động, phát huy thế mạnh về nhân lực, công tác tổ chức chặt chẽ… của các đơn vị quân đội, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị tham gia hiệu quả các dự án trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trên địa bàn đóng quân.

Xuân Dân - Hà Anh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/39/39/174552/Default.aspx