Thêm “trần” cho lãi suất

Trái với nhận định có thể bỏ trần lãi suất (LS), từ tháng 6 tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại quy định thêm trần đối với LS cho vay...

Nhiều ý kiến nghi ngờ hiệu quả của việc áp dụng “trần” lãi suất. Ảnh minh họa

Vào 12 - Ra 15

Cuối tuần qua, NHNN đã ban hành Thông tư số 14/2012/TT-NHNN quy định LS cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Tại buổi tọa đàm “Hướng tới ổn định tài chính quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế” do Bộ KH&ĐT tổ chức mới đây, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nếu tình hình thanh khoản cải thiện đáng kể, thì NHNN có thể loại bỏ trần LS huy động hoàn toàn trong tháng 6 hoặc tháng 7 tới.

Ông Trịnh Quang Anh, Trưởng ban nghiên cứu kinh tế, NH Thương mại Hàng Hải (MaritimeBank) cho rằng, nếu đặt thêm trần LS cho vay thì sẽ càng khó kiểm soát hơn, bởi NHNN không thể ép các NH cho vay được.

Thực tế, các NH thà giữ tiền lại còn hơn cho vay để rồi mất. Nếu NH theo đuổi mục tiêu lợi nhuận cao để cho vay những tín dụng có rủi ro lớn thì chắc chắn LS cho vay sẽ bị đẩy lên cao...

Theo đó, từ ngày 8/5/2012, LS cho vay ngắn hạn bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay tối đa bằng (=) LS tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên do NHNN quy định cộng (+) 3%/năm.

Các khoản cho vay ngắn hạn bằng VND được áp dụng LS cho vay tối đa theo quy định này là các khoản cho vay nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn: Phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án, dự án SXKD hàng xuất khẩu quy định tại Luật Thương mại; Phục vụ SXKD của DNNVV; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, trần LS cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên này sẽ có mức tối đa 15%/năm. Riêng đối với Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở, LS cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 04 lĩnh vực nêu trên hiện nay tối đa là 15,5%/năm.

Thông tư cũng nói rõ, để được áp dụng, các khách hàng vay vốn thuộc các nhóm đối tượng trên phải đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định của NHNN, được TCTD đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Khách hàng vay vốn phải chứng minh mục đích vay vốn thuộc nhóm đối tượng áp dụng cơ chế LS cho vay nói trên, phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin chứng minh đó.

Đặc biệt, Thông tư cũng lưu ý: Các TCTD khi cho vay những nhóm đối tượng này không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản quy định theo Thông tư số 05/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 của NH Nhà nước.

Tiếp tục "chữa cháy"?

Sau hai lần liên tiếp hạ LS huy động (từ 14%/năm xuống 13%/năm và từ 13%/năm xuống 12%/năm), LS cho vay rốt cuộc cũng chỉ là “kỳ vọng sẽ giảm”. Với việc ban hành Thông tư 14/2012/TT-NHNN, theo đánh giá của một số chuyên gia, đó như là giải pháp bổ sung khiếm khuyết theo kiểu “vừa làm vừa chỉnh”. Thông tư này được ban hành ngay sau cuộc họp giữa Thống đốc NHNN với các NH thương mại và trước thềm kỳ họp Quốc hội cũng cho thấy tính chất cấp bách của vấn đề.

Trước đó, trao đổi với phóng viên PLVN, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, khống chế LS cho vay cũng không giải quyết được việc gì. Theo ông Đức, việc này cũng đã từng làm và cũng đã thất bại. “Mong muốn hạ LS là chính đáng và cấp bách, tuy nhiên đó là thị trường, thì phải điều khiển được thị trường, chứ không phải cứ muốn là được. Đặt ra trần chỉ là giải pháp tình thế, bất đắc dĩ và đương nhiên sẽ làm méo mó thị trường...”- ông Đức phát biểu.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5, đại diện NHNN, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng thừa nhận đây là biện pháp hành chính có tính chất tạm thời và với một phạm vi nhất định. Ông Tiến cho biết, việc NHNN đưa ra các biện pháp có tính chất hành chính như khống chế trần LS cho vay với một số lĩnh vực có sự cân nhắc và đặt trong bối cảnh doanh nghiệp, nền kinh tế đang vô cùng khó khăn, phù hợp với các giải pháp của Chính phủ, cũng nhằm để hạ thấp LS cho vay, tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn...

Luật sư Trương Thanh Đức:

“BỎ TRẦN MỚI GIẢM ĐƯỢC LÃI SUẤT”

Theo tôi nếu gỡ bỏ trần LS huy động thì chắc chắn sẽ góp phần giảm LS. Vì hiện nay, ngoài LS thị trường vẫn cao hơn trần, thì yếu tố tù mù, mờ ảo, nửa kín nửa hở chính là một trong những thủ phạm đẩy LS lên cao hơn giá thực. Bỏ trần LS thì trước hết LS sẽ phản ánh đúng cung cầu và đúng giá cả thật.

Thứ hai, khi tất cả đều công khai, các NH sẽ sợ công bố LS cao hơn mặt bằng chung, vì như vậy sẽ mặc nhiên thừa nhận NH mình thuộc diện yếu kém, nguy cơ rủi ro lớn.

Thứ ba, tránh được sự gian lận, tiêu cực rất dễ xảy ra của nhân viên NH cũng như những người thay mặt cho các DN, tổ chức gửi tiền. Khi bỏ trấn LS huy động, có thể LS sẽ cao hơn so với khi có trần, nhưng cuộc đua trong trường hợp này có đích là mặt bằng LS thật, cũng giống như từ cơ chế bao cấp chuyển sang thị trường, giá thường cao hơn mức giá phân phối nhưng điều quan trọng là thấp hơn giá chợ đen trước đó. Đặc biệt, hiện nay NHNN hoàn toàn có đủ khả năng để kiểm soát được tình hình....

Hiểu My

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/kinh-doanh/201205/Them-tran-cho-lai-suat-2066624/