Thêm 20.000 tỉ đồng cho nông nghiệp

TT - Ngày 4-7, chỉ đạo tại hội nghị ngành kế hoạch - đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch đầu tư ngân sách 2013-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra một loạt giải pháp.

Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục dành thêm 20.000 tỉ đồng để đưa vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong ảnh: nông dân huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) thu hoạch hồ tiêu - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư (KHĐT) tại hội nghị cho biết sáu tháng đầu năm 2012, tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm, chỉ số phát triển công nghiệp chưa bằng một nửa tốc độ tăng cùng kỳ năm 2011, tồn kho của doanh nghiệp vẫn ở mức cao... Dù Bộ KHĐT có nêu một số “điểm sáng” trong khó khăn như lạm phát giảm, lãi suất giảm, tỉ giá ổn định, tăng trưởng kinh tế quý 2 đã cao hơn quý 1, nhập siêu giảm... nhưng cũng đánh giá năm nay tăng trưởng GDP sẽ chỉ đạt 5,4-5,7%.

Kiến nghị một số biện pháp mạnh

Để đạt các kế hoạch, Bộ KHĐT kiến nghị một loạt biện pháp mạnh. Cụ thể, về chính sách tiền tệ, tín dụng sẽ cho tăng trưởng khoảng 10% nhưng phải kiểm soát chặt, không để lạm phát cao trở lại; tăng cường bảo lãnh các khoản vay, nâng cao hiệu quả quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa; yêu cầu xử lý ngay nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro, không chờ thành lập công ty mua bán nợ...

Bộ KHĐT xác định cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ, vốn FDI, ODA. Dự kiến trong sáu tháng cuối năm 2012, mỗi tháng Nhà nước sẽ tung ra 22.900 tỉ đồng vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ. Theo ông Cao Viết Sinh - thứ trưởng Bộ KHĐT, điều này sẽ là một biện pháp hữu hiệu để tăng tổng cầu, giảm tồn kho và kích thích tăng trưởng kinh tế. Ông Sinh còn nói các bộ ngành sẽ triển khai các biện pháp huy động, bổ sung vốn để đầu tư hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn...

GDP - chỉ tiêu duy nhất có thể không đạt

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: cố điều hành để lạm phát năm 2012 không quá thấp, phải ở 6-7%. Thủ tướng nhận định tăng trưởng năm 2012 đạt mức Quốc hội đề ra (6-6,5%) là khó. Thủ tướng cho biết đã rà soát 15 chỉ tiêu Quốc hội giao, Chính phủ sẽ đạt và vượt 14 chỉ tiêu, chỉ tiêu duy nhất không đạt là tăng GDP.

Thủ tướng cho rằng nông nghiệp, nông dân vẫn khó khăn, nhất là thiếu vốn. Chính phủ đã đồng ý để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dành thêm trên 20.000 tỉ đồng (lãi suất 0%) để đưa vào nông nghiệp và chế biến xuất khẩu.

Với giải pháp tăng đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận sắp tới mỗi tháng sẽ giải ngân gần 23.000 tỉ đồng nhưng nguyên tắc là giải ngân không hết còn hơn giải ngân hết mà chất lượng kém, thất thoát, hiệu quả thấp. Việc tăng tín dụng khoảng 10% sẽ được thực thi vì “còn dư địa tốt, chứ không phải tăng ồ ạt để tăng lạm phát”.

Năm 2013 phải giữ lạm phát 5-6%

Về kế hoạch năm 2013, Thủ tướng nêu rõ “lạm phát chỉ 5-6%, không thể cao được. Tăng trưởng sẽ ở mức 6-6,5%”. Để thúc đẩy sản xuất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo phải đưa vốn vào khu vực doanh nghiệp đang cạnh tranh tốt, đang xuất khẩu có lợi thế. Doanh nghiệp gặp khó về thị trường nên phải đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, giảm nhập khẩu ngay những thực phẩm kém chất lượng.

Về thu ngân sách, Thủ tướng yêu cầu không tận thu nhưng không để trốn thuế. Về phương hướng đầu tư từ ngân sách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết năm 2013 đầu tư từ ngân sách sẽ chỉ khoảng 20% tổng đầu tư xã hội, 80% sẽ phải tìm cách huy động từ tư nhân, khu vực khác. “Đầu tư công phải thu hẹp lại, chú trọng vào công trình thiết yếu. Đầu tư từ tập đoàn cũng sẽ không lớn” - Thủ tướng nói.

Nhắc lại chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, Thủ tướng thẳng thắn: “Ai làm dàn trải? Chính chúng ta ngồi đây. Từ nay dự án chưa có vốn rõ ràng thì không được khởi công. Không thể cứ ghi tên dự án rồi để doanh nghiệp đi... chạy vốn”.

Theo Thủ tướng, phương hướng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là sẽ phải thoái vốn ở lĩnh vực không liên quan ngành chính. Tính toán quy mô cho phù hợp với thị trường, vốn, khả năng quản trị. Dù có vốn, thị trường nhưng khả năng quản trị không đủ thì cũng không nên mở rộng. Thời gian tới sẽ đẩy nhanh cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty. Không cho thành lập ngân hàng tràn lan, kinh doanh kém, nợ xấu, gây hậu quả cho nền kinh tế.

CẦM VĂN KÌNH

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/kinh-te/500317/them-20000-ti-dong-cho-nong-nghiep.html