The Big Short: Cười ra nước mắt

“Đây là một câu chuyện có thật”. Đó là những gì The Big Short cam kết và thực hiện đúng. Các lớp phim cứ lần lượt xuất hiện, như một bộ phim tài liệu, kể lại “4 cư dân trong thế giới tài chính cao tầng của nước Mỹ đã đưa ra dự đoán về sự sụp đổ của thị trường bong bóng nhà đất và cơn khủng hoảng của thị trường tài chính trong thập niên đầu của thế kỷ 21. Họ quyết định đánh quả đậm để vạch trần sự tham lam đã cản trở tầm nhìn từ các chuyên gia sừng sỏ đến người dân chẳng hiểu tí gì về tài chính như thế nào.” Dĩ nhiên, họ cũng trúng đậm. The Big Short là một trong 5 ứng viên của giải Oscar dành cho bộ phim xuất sắc nhất. Vậy nó có gì để cạnh tranh?

The Big Short dựa trên cuốn sách cùng tên của Michael Lewis. Tên phim về Việt Nam được dịch là Đại suy thoái, còn cuốn sách lấy tên Bán khống. Tôi thích cách dịch Bán khống hơn, bởi nó vừa là động từ vừa là danh từ, biểu hiện quá trình mà không nói lên kết quả, đúng bản chất của những gã “thiên tài” dự đoán được về một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử, lại không tiết lộ có đúng chuyện khủng khiếp đó đã xảy ra hay không (dù chúng ta đều biết cả rồi). Trong khi đó, cái tên Đại suy thoái vô tình bộc lộ cái kết, đánh mất cái phập phồng, cái điên đúng nghĩa khi một nhóm nhỏ các tay giao dịch lao vào cuộc chơi “được ăn cả, ngã về không”. May mắn thay, tôi xem phim trước khi biết đến cái tên được dịch ra tiếng Việt của nó. Vì vậy, tôi hồi hộp và dù biết rõ mười mươi, các tay “điên” trong phim đúng, nhưng vẫn có tiếng nói “Ngộ nhỡ…” văng vẳng trong lòng. Đó là cái tài đạo diễn Adam McKay (Anchorman, The Other Guys) cùng dàn diễn viên ngôi sao Ryan Gosling (Drive, The Ides of March, The Notebook), Christian Bale (The Dark Knight, American Hustle), Steve Carell (Foxcatcher, The 40 Year-Old Virgin) và Brad Pitt (Fight Club, World War Z) mang lại cho khán giả.

Làm phim đã khó, làm phim mà người ta đã biết trước cái kết càng khó.

The Big Short thực sự là một phim đáng xem. Sẽ chẳng ngạc nhiên nếu nó “rinh” được tượng vàng Oscar danh giá nhất. The Revenant có những thước phim đậm chất điện ảnh, còn The Big Short được biên tập thật sự quá tốt, dường như không thể tìm ra được một sự “chểnh mảng” nào trong từng giây lên hình.

Một câu chuyện đen tối, nhưng lại được “vẽ” bằng ngôn ngữ rất có tính giải trí, một chút hài hước, mà không vô vị hay lố lăng. Theo quan điểm của tôi, cho dù The Big Short có là câu chuyện ở một nước nào khác, thì cũng chỉ có người Mỹ mới làm ra một The Big Short đúng tinh thần Bán khống. Bởi kinh doanh đã trở thành cách sống của người Mỹ . Nếu châu Âu làm The Big Short, thì sẽ quá ga-lăng kiểu “quý tộc”. Nếu Nhật làm The Big Short, thì quá nghiêm chỉnh, quá nghệ thuật và quá tôn kính. Nếu Hàn Quốc làm The Big Short, người xem sẽ không thấy được cái phong thái tự chủ, cái nghiêm túc lẫn trong cái “khùng”, cái “điên rồ” của người làm ăn được thể hiện rõ ngay trên nét mặt, ngay cả ở khóe mắt đầy chân chim của người diễn, bởi… trang điểm kỹ quá. Nếu Việt Nam làm The Big Short, chúng ta sẽ thấy một trường ca giảng dạy làm trôi tuột cái “máu” cần có của một bộ phim “thương trường như chiến trường”. Nhìn chung, cách làm phim của các nước bên ngoài biên giới Mỹ thường không đủ… vô lại.

Có thể nói, The Big Short thực sự là một tổ hợp đa phương tiện được khớp nối rất chặt chẽ. Từng hình ảnh, video, âm nhạc, dòng chữ… đều ẩn chứa một thông điệp nào đó, ngay cả những nhân vật tiếng tăm xuất hiện với tư cách “khách mời” trong phim. Tôi thích cái cách phim nhấn nút “tạm dừng”, một ai đó xuất hiện và giải thích theo cách dễ hiểu đến mức, một người chẳng biết gì về kinh doanh, chứng khoán, ngân hàng hay khủng hoảng kinh tế cũng có thể hiểu. Nếu bạn vẫn chưa hiểu hết, hãy đọc bài viết: Đánh quả với The Big Short như thế nào?

Nếu ai nghĩ The Big Short chỉ dành cho dân kinh tế thì nhầm to, nó hướng đến tất cả mọi người, những người đang è cổ trả nợ những khoản tiền “vô hình” nhưng lại nghĩ mình giàu có lắm. Không ngạc nhiên khi The Big Short đả kích tất cả chúng ta đang quá quan tâm đến chiếc iPod có bài hát nào, hay sao nào đi cai nghiện, trong khi điều đang ảnh hưởng đến túi tiền của mình như tài chính là chẳng biết chút gì, nếu có thì cũng mờ mờ. Cái hay của The Big Short là không chỉ đả kích mấy gã tham lam trong giới tài chính, nó đả kích tất cả mọi người, những kẻ sống trong ảo tưởng, và thậm chí cả những tay “bán khống” tự coi mình là thiên tài khi dự đoán được thị trường sẽ đi xuống.

Có thể nói, The Big Short tổng hợp tất cả tam độc của loài người: tham, sân, si, bằng giọng phim hài mỉa sâu cay, chứ không phải giảng đạo giáo dục. Điện ảnh thường ngợi ca anh hùng và người lương thiện, những kẻ ác rồi sẽ bị tiêu diệt, như tinh thần của bất kỳ một câu chuyện cổ tích nào. Nhưng không phải với The Big Short. Cả bộ phim, người xem sẽ chỉ thấy những kẻ đang cố gắng đánh quả thật đậm. Họ đặt cược thị trường xuống, vì họ biết điều đó sẽ xảy ra, nhưng không phải vì tinh thần nhân đạo kiểu như tố cáo tội ác tham lam của giới ngân hàng. Không hề. “Tôi chỉ thích kiếm tiền” - câu nói của tay nhân viên ngân hàng Jared Vennett (Ryan Gosling), nhân vật dựa trên hình tượng Greg Lippmann, một nhà đầu tư Phố Wall đã từng là ngôi sao buôn chứng khoán của Deutsche Bank, nổi tiếng với biệt danh “anh bong bóng”. “Tôi có thể kiếm lời trên sự ngu ngốc của họ (các ngân hàng - PV)” - câu nói của Mark Baum (Steve Carell), nhân vật lấy từ Steve Eisman, một doanh nhân Phố Wall thế hệ thứ hai, một con người thô tục, nói lời cay độc, không một chút lịch thiệp…

Tất cả thể hiện đúng bản chất của các nhân vật chính, những “anh hùng” (ít nhất là sẽ có người tưởng thế): Họ chỉ đang vụ lợi, nhưng họ không che giấu điều đó. Họ có thể chạy đến tòa soạn báo yêu cầu truyền thông phanh phui sự thật đằng sau các giao dịch của ngân hàng. Nhưng họ làm điều đó vì tinh thần nhân đạo ư? Không! Nếu tòa soạn báo khi ấy chấp nhận đăng tin thì kết quả vẫn vậy, chỉ là thời gian sụp đổ sớm hơn. Hưởng lợi lớn nhất là ai? Chính là những kẻ báo tin! Nếu phải nói trong bộ phim có một chút tinh thần nhân đạo truyền thống thì chỉ có nhân vật của Brad Pitt, nói đúng một câu duy nhất thể hiện chủ nghĩa lương tri, lúc hai kẻ đầu cơ khởi nghiệp từ gara ăn mừng hớn hở. Nhưng, cũng như câu nói của Mark Baum nói với nhân viên của mình về Jared Vennett: “Cậu không thể ghét anh ta được. Anh ta không hề che giấu mình là kẻ vụ lợi, tôi tôn trọng anh ta vì điều đó.” Thật khó lòng thích được những người đã làm giàu trên sự sụp đổ, nhưng, cũng không thể ghét cay ghét đắng. Nếu con người không “tham, sân, si”, những kẻ như Jared Vennett có thể trục lợi không?

Ryan Gosling vai Jared Vennett

Tôi thích hình ảnh chiếc điện thoại BlackBerry xuất hiện trong phim, với tư cách là một công cụ theo dõi tình hình chứng khoán. Đó là một chi tiết cực đắt. 2007-2008 là khoảng thời gian cực thịnh của thương hiệu điện thoại nổi tiếng này. Nó gần như là một biểu tượng của giới doanh nhân. Nó cũng gắn liền tên tuổi với Tổng thống Obama, người đã giành được thiện cảm của người dân Mỹ đang khủng hoảng với giới ngân hàng và lên chiếc ghế đứng đầu nước Mỹ năm 2008. Người Mỹ tin một Tổng thống da màu với hình ảnh gia đình ấm cúng sẽ là bờ vai nương tựa cho họ sau sự đổ vỡ của thị trường. Chiếc điện thoại BlackBerry xuất hiện cuối phim, liên tục cập nhật tình hình của Bear Stearns, đối chọi chan chát với vẻ cố tỏ ra tự tin của một nhà đầu tư luôn đứng về phía ngân hàng như thể cảnh báo: Ông hết thời rồi, đảng Cộng hòa sẽ phải nhường bước cho đảng Dân chủ.

Sự táo bạo của đạo diễn Adam Kay, sự hài hước rất Mỹ được thể hiện với liều lượng thích hợp, sự cứng tay của dàn diễn viên, sự mỉa mai châm biếm đa chiều… Tất cả giúp cho The Big Short là một ứng viên xứng đáng cho giải Oscar.

Xem thêm:

Du Du

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/the-big-short-cuoi-ra-nuoc-mat