Thấy gì từ chất lượng xe tải Trung Quốc nhập khẩu?

Xe “hổ vồ” là một trong những dòng xe tải tự đổ được nhập vào Việt Nam nhiều nhất trong hai năm gần đây.

Xe tải Trung Quốc vào Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng - Ảnh minh họa

Hai năm gần đây, lượng ô tô nhập khẩu vào nước ta gia tăng đột biến. Do những lỗ hổng về công tác quản lý, đã xuất hiện một số loại xe, dòng xe có vấn đề về chất lượng và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như làm bùng phát xe quá tải, phá hủy đường sá, gây TNGT…

Báo động đỏ

Ngày 15/6, tại khu vực cầu Bãi Cháy, Quảng Ninh, xảy ra vụ chiếc xe tải Howo BKS 14C-02263 đâm xe máy BKS 14T7-0632 lưu thông cùng chiều, kéo lê chiếc xe máy gần 200 mét, khiến hai người trên xe máy chết thảm nhưng lái xe và phụ xe không hề hay biết. Chỉ đến khi người dân đuổi theo chiếc xe mới dừng lại.

Khoảng 13h ngày 31/5, trên QL1 đoạn qua thị trấn Diễn Châu, chiếc xe Howo biển số 38C-054.65 lưu thông trên QL1 hướng Nam - Bắc với tốc độ cao thì bất ngờ đâm thẳng vào chiếc xe 16 chỗ, biển số 29B-09024 đang đỗ bên lề đường và kéo đi khoảng 10 mét. Sau đó, chiếc xe “hổ vồ” này còn kéo sập rạp một đám tang và đâm sập cổng nhiều nhà xung quanh, làm một người bị trọng thương phải đi cấp cứu và hàng chục người dân hoảng loạn bỏ chạy.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ năm 2014 đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến xe tải nhập từ Trung Quốc và từng buộc tái xuất nhiều lô hàng hàng trăm xe ô tô Trung Quốc nhập khẩu.

Theo thống kê của Thanh tra Sở GTVT tỉnh Nghệ An, đến nay, toàn tỉnh có khoảng hơn 1.100 xe tải các loại, trong đó có gần 300 xe Howo. Một khảo sát của lực lượng chức năng vào cuối năm 2014 cho thấy, 100% xe tải Howo đều cơi nới thùng, thành xe quá tải. Không chỉ gây nhiều tai nạn chết người, điều khiến dư luận bức xúc nhất là xe Howo đều bị coi là “hung thần” hủy diệt đường sá.

Qua tìm hiểu, được biết, Ông Trịnh Ngọc Minh, Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Cơ quan này từng phải cắt thùng nhiều xe “hổ vồ” có chiều cao gấp 5 lần so với quy định. nhiều xe chở đầy cát ngày đêm phá đê bởi tải trọng vượt quá quy định tới 500-600%.

Không chỉ “hổ vồ”, xe tải có nguồn gốc Trung Quốc thời gian gần đây xuất hiện nhiều tại các tỉnh phía Bắc bởi giá rẻ hơn nhiều loại xe khác.

Xe tải Trung Quốc “đổ bộ” ồ ạt và “lỗ hổng” chất lượng

Từ đầu năm 2014 đến nay, số lượng xe ô tô nhập khẩu tăng đột biến. Riêng xe tải có thùng, lượng nhập đã tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2013. 6 tháng đầu năm nay, cả nước nhập khẩu 56 nghìn ô tô nguyên chiếc, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xe tải, xe khách chiếm 2/3. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm, lượng xe Trung Quốc nhập khẩu tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Còn theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2015, thị phần xe nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm tới 45,30% (28.509 xe) trên tổng số xe nhập khẩu (62.933 xe).

Chính cơ quan quản lý cũng có nhiều nghi ngại về xe nhập khẩu. Ông Từ Việt Dũng, đăng kiểm viên xe cơ giới nhập khẩu (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, có hiện tượng thông số kỹ thuật của xe khác với hồ sơ có thể từ nhà sản xuất Trung Quốc và cũng không loại trừ nguyên nhân doanh nghiệp trong nước đặt hàng theo yêu cầu với giá thành rẻ, dẫn đến xe không đảm bảo chất lượng. Thậm chí, có trường hợp kiểm định phát hiện động cơ xe không đạt đã yêu cầu đại diện công ty ký xác nhận vào biên bản kiểm nghiệm, nhưng… không ai ký.

Ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới từng thừa nhận đã từ chối kiểm tra, buộc tái xuất và có biện pháp xử lý tổng số 279 phương tiện do Trung Quốc sản xuất của 31 doanh nghiệp nhập khẩu.

Ngoài ra, kết quả kiểm tra thực tế tại các trạm đăng kiểm cũng cho thấy, qua quá trình sử dụng, chất lượng ô tô do Trung Quốc sản xuất nhanh xuống cấp. Theo số liệu thống kê trong kiểm định, tỷ lệ xe không đạt đối với xe tải do Trung Quốc sản xuất khi kiểm định lưu hành là 37%, trong khi tỷ lệ trung bình chung là 33% và so với xe tải do Hàn Quốc sản xuất là 20% .

Có dễ dãi, buông lỏng?

Trong khi chất lượng xe nhập khẩu còn nhiều điều nghi ngại thì các quy định về quản lý nhập khẩu lại có vẻ rất dễ dãi đối với xe này. Trao đổi với Cục Đăng kiểm Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chúng tôi nhận thấy, quy trình đăng kiểm các loại xe nhập khẩu đơn giản hơn nhiều so với xe lắp ráp trong nước. Việc kiểm tra xe và cấp chứng chỉ chất lượng chỉ khoảng 5-10 ngày tùy từng loại xe nhập khẩu. Loại xe này cũng không cần phải thử nghiệm các chi tiết liên quan trực tiếp đến ATGT như: Gương, kính đèn, lốp, bình khí. Ngay cả động cơ, phần quan trọng nhất của xe cũng không cần thử nghiệm.

Phải chăng đây chính là “lỗ hổng” gây ra tai nạn khi mà xe tải, xe đầu kéo Trung Quốc vốn nổi tiếng “tiền nào của ấy”. Chi phí thử nghiệm một kiểu loại xe nhập khẩu chỉ hết 12 triệu đồng. Trong khi đó, với xe sản xuất trong nước, thủ tục đăng kiểm lại khó khăn hơn. Mỗi loại xe sẽ phải trải qua rất nhiều “vòng” thử nghiệm bao gồm: Thử nghiệm về an toàn và thử nghiệm về môi trường cho từng chi tiết như đèn, gương, kính, bình khí, lốp, động cơ… sau đó sẽ thử nghiệm mẫu điển hình của toàn xe.

Tổng cộng sẽ qua 19 lần thử nghiệm với 20 con dấu và chi phí để thực hiện các thử nghiệm trên cho một kiểu loại xe lên tới khoảng 230 triệu đồng, cao gấp gần 20 lần đối với xe nhập khẩu, còn thời gian phải mất từ 25 đến 30 ngày. Khi thị trường cần thì doanh nghiệp trong nước chưa xong thủ tục để làm được xe, khi làm được xe thì thị trường đã tràn ngập ô tô nhập khẩu Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, đã đến lúc phải nhìn lại “hàng rào” này, sớm có quy định các loại xe khi nhập khẩu vào Việt Nam nhất thiết phải có giấy đảm bảo chất lượng và bảo vệ môi trường của nước xuất khẩu mới được nhập khẩu, góp phần giảm thiểu TNGT đang tăng quá nhanh như hiện nay.

Phúc Lâm

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/thay-gi-tu-chat-luong-xe-tai-trung-quoc-nhap-khau-d123186.html